Bến đò tơ, tiếng khung cửi dệt kẽo cà kẽo kẹt, bóng cô gái hái dâu bên dòng sông Thu… chỉ còn là ký ức của thời gian.
Những gì còn lại của nhà máy ươm tơ Giao Thủy. |
“Bến đò tơ” Giao Thủy đang được thay bằng một cây cầu vừa mới khởi công. Cầu nối từ xã Duy Hòa (Duy Xuyên) qua xã Đại Hòa (Đại Lộc). Một mố cầu đặt ngay tại nhà máy ươm tơ Giao Thủy – nức tiếng thuở nào.
Hun hút tằm tang
“Trồng dâu ta nuôi tằm, tằm ăn cho tằm lớn, lớn lên tằm vàng ươm bóng tơ...” hay câu ca “sớm mai mắc cửi, buổi chiều tơ giăng”… mãi nằm lại ở hoài niệm, với những người tuổi đã xế chiều ở làng Giao Thủy (Đại Hòa). Sử sách ghi lại, đầu thế kỷ XX, một doanh nhân người Pháp tên Délignon, chủ xưởng ươm tơ Phú Phong nổi tiếng ở Bình Định, đã đến Giao Thủy mua đất, xây dựng đường sá, rồi lập nên nhà máy ươm tơ Giao Thủy, với hơn 100 chảo ươm. Tơ tằm Giao Thủy ngày xưa rất nổi tiếng, không chỉ bán trong nước mà còn được xuất khẩu sang cả Nhật và Pháp. Thăng trầm qua nhiều bận, để rồi bỏ hoang từ năm 1998 đến tháng 3.2015, nhà máy ươm tơ Giao Thủy chính thức bị đập bỏ. Chúng tôi tìm về Đại Hòa trước những ngày khởi công cây cầu Giao Thủy, mong ghi lại được hình ảnh của một công trình đại diện cho thời vàng son của tơ tằm xứ Quảng. Chỉ còn là một dãy nhà hoang lấp ló sau những bãi ớt, thuốc lá. Một nhà máy lớn, “kinh đô” nuôi tằm một thời nằm ngay ven sông, nhưng số phận lại hiu hắt như chính nghề trồng dâu nuôi tằm xứ này.
Năm dãy nhà bỏ hoang và dùng để bà con ở đây nuôi bò. Một phần còn lại được tư nhân thuê để làm lưới. Bà Nguyễn Thị Thuận - Chủ tịch UBND xã Đại Hòa bùi ngùi: “Nhà máy bị bỏ hoang từ năm 1998 đến bây giờ. Hiện nay trên địa bàn xã không còn ai theo nghề này nữa”. Nguyên nhân thì có nhiều. Và chuyện đất đai ven sông bị sạt lở hết được người làng Giao Thủy “bám vào” như một lý do chủ yếu để đỡ bận lòng với nghề của cha ông. Khi còn là Chủ tịch Hội LHPN xã, bà Thuận đã nhiều lần đứng ra giúp cho chị em vay vốn ngân hàng để khôi phục nghề truyền thống. “Tuy nhiên không có đất thì không biết lấy gì để sản xuất. Hiện nay số đất còn lại cũng chỉ được người dân tận dụng trồng ớt, đậu. Cây dâu và con tằm trên vùng quê Đại Hòa xem như đã tuyệt chủng”, bà Thuận nói. Còn những lão nông thì ngậm ngùi khi nhìn tơ nhện giăng đầy bốn bề. Cũng còn nhìn lần cuối thôi, bởi mai này, ký ức tằm tang sẽ nằm lại nơi bến sông sâu. “Đại Hòa bây giờ, bói mỏi mắt không ra một lá dâu. Chừ là thời của thuốc lá, đậu, mè…”, một lão nông – đã từng là công nhân nhà máy ươm tơ Giao Thủy, nói vui. Ông kể những năm 1997 – 1998, dân làng ở đây đói theo tơ tằm. Bà con phải xếp những giỏ, nong nuôi tằm vào một góc, chặt bỏ hàng trăm hecta dâu để trồng bắp và khoai lấy cái ăn. Gần 20 năm trôi qua, không chỉ mất đi một cái nghề mà văn hóa hàng trăm năm cũng vùi theo hoài niệm. Trước đây khi còn ươm tơ, hằng năm người dân đều tổ chức những buổi lễ cầu kén nhộn nhịp ven sông Thu Bồn. Từ sau khi nhà máy bỏ hoang, hội lễ cũng mất đi. “Có lẽ đây là lần cuối cùng nhà máy Giao Thủy còn tồn tại và được nhắc đến bởi hiện nay dự án cầu Giao Thủy đã triển khai. Mố cầu được đặt ngay tại nhà máy. Nhà máy sẽ phải dỡ bỏ. Đành thôi…”, bà Thuận tâm sự.
Chờ nương dâu xanh
Từ Giao Thủy, qua Duy Hòa theo đường lộ chạy về Duy Trinh – nơi có lăng Bà chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi, cũng là nơi đầu tiên ở Quảng Nam xuất khẩu tơ lụa đi các nước Âu châu. Những năm đầu 1930 – 1931, ngành ươm tơ, dệt lụa ở Duy Trinh có một giai đoạn phát triển thịnh vượng, sản phẩm vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đứng chân trên thị trường thời trang thế giới như Lyon, Paris của Pháp. Cũng như người dân nơi bến đò tơ Giao Thủy, hay làng lụa Mã Châu (Nam Phước), tơ lụa Đông Yên nức tiếng thuở nào cũng ngậm ngùi lùi vào quá khứ. Làng dệt vải Phú Bông – Thi Lai cũng chỉ còn lại là những cái tên.
Những cây dâu được vun trồng tại xã Duy Trinh (Duy Xuyên) - nhằm phục hồi làng nghề theo hướng nuôi tằm thương phẩm.Ảnh: LÊ QUÂN |
Nhưng, vẫn như một ánh lửa le lói trong lòng những người từng sống chết với nghề tằm tang. Những nương dâu, tuy không xanh khắp đồng bãi của Duy Trinh, nhưng cũng như một đốm lửa nhỏ sáng trong đêm đen, họ vẫn chờ ngày lụa quê mình hồi sinh. Cả xã Duy Trinh hiện chỉ có 4 hộ còn làm nghề ươm tơ, số người dệt lụa truyền thống bằng cách quay tơ hầu như không còn. Thay vào đó đa số người dân dệt bằng máy và tơ lụa cũng không phải lụa truyền thống. Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Duy Trinh thừa nhận: “Mặc dù có nhiều biện pháp để phục hồi làng nghề nhưng suy cho cùng bà con cũng không còn thiết tha bởi lớp trẻ hiện nay không biết gì về nghề truyền thống. Chúng tôi đã hỗ trợ vài hộ trồng được hơn 4ha dâu tằm. Tôi nghĩ rằng chỉ có cách đưa nghề truyền thống vào làm du lịch thì may ra mới giữ được làng nghề”. Mỗi mùa tháng tư về, người ở Đông Yên lại tất bật thu hoạch kén. Còn từng ấy hộ làm nghề, nhưng như thể cả làng cùng chung niềm quan tâm. Ông Nguyễn Nhất Tuấn vẫn đang duy trì hoạt động ươm tơ. Ông Đoàn Lượng – người đời thứ 16 của gia tộc họ Đoàn xứ này vẫn đang cố khôi phục, gầy dựng lại tơ lụa Đông Yên theo cách của mình.
Dâu được trồng xen với các loại cây trồng khác, tuy còn khá lâu mới có thể thu hoạch, nhưng như một nguồn mạch ngầm lặng đổ vào đồng bãi mỗi ngày, tầm nhìn quê chốn của người xứ lụa giờ đỡ hắt hiu hơn. Người vùng ven sông Thu Bồn nào chẳng mơ một ngày tơ lụa xứ này sẽ lại dềnh dang ở khắp chốn, vừa quý giá, vừa gần gũi…
LÊ QUÂN