(QNO) - Tôi rất ấn tượng về cái “phố cổ” trong bài thơ Thương hoài phố xưa của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Phố cổ mà không nói gì đến mái ngói rêu phong, chẳng mô tả nhiều về những ngôi nhà cổ, xuyên suốt bài thơ chỉ hiện lên một cái “ngã ba”. Ngã ba trong bài thơ này không gợi lên những trăn trở, băn khoăn chọn đường mà khơi dậy nỗi niềm chia biệt, nhớ nhung của những người con xa xứ.
“Ngã ba Hội An” là hình tượng trung tâm chuyển dịch trong không gian bài thơ, dẫn dụ người đọc khám phá ý tưởng của thi phẩm qua lời độc thoại nội tâm của nhân vật trữ tình: “Cứ đến nơi này là chia tay em/ Một ngã anh về, em thì dừng lại/ Cả một thời con gái/ Lại vận vào ngã ba Hội An”.
“Nơi này” là nơi nào mà lại “vận” vào hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh? Đó là ngã ba Quách Thị Trang thời thơ ấu của ông, một bên thẳng xuống Chùa Cầu, một bên đi về lăng Khổng Miếu. Nguyễn Ngọc Hạnh đã đưa nhân vật trữ tình của mình vào không gian đầy hoài niệm, nơi cái ngã ba này là để khơi dậy nỗi nhớ về mối tình học trò, cũng là cách để nhà thơ nhớ về phố cổ Hội An thơ mộng: “Cứ nhớ hoài từng đêm lang thang/ Đứng chờ em lặng lẽ bên đường”.
Đêm là thế, còn ngày thì “Mỗi chiều đi qua mỗi lần nuối tiếc/ Mà sao vẫn mong đợi chiều về”. Như một kẻ tình si, ông yêu phố cổ bằng tình yêu máu thịt vừa đắm say vừa lặng lẽ âm thầm. Cứ hết “đêm” lại “ngày”, hết “chờ” đến “đợi” rồi “nuối tiếc”, đó là điệp khúc tâm trạng của nhà thơ một thời khi sống giữa lòng phố cổ.
Hội An vốn lặng lẽ, cho nên Nguyễn Ngọc Hạnh thường chọn thời điểm “chiều” và “đêm” để tình tự thì quả là phù hợp. Lặng lẽ phố cộng hưởng với tình yêu lặng thầm đã tạo nên một không gian miên man đầy hoài niệm Hội An.
Dòng hoài niệm ấy chính là từ hồn phố cổ: “Hồn phố cổ chứa trong tà áo đẹp”. Tà áo trắng học trò thơ mộng của thời đáng yêu và đẹp nhất một đời người. Nguyễn Ngọc Hạnh đã lấy cái vật thể “tà áo” để bọc cái phi vật thể “hồn phố” có phải nhà thơ muốn tôn vinh cả hai?
Phải, phố cổ Hội An là một mảnh hồn Việt mà tà áo dài là quốc phục Việt. Mỗi người con xa xứ nhớ về quê hương, xứ sở đâu chỉ là nhớ Hội An mà còn nhớ về mảnh đất hình cong chữ S, nhớ chiếc áo dài truyền thống của dân tộc mình.
Và, nói đến “hồn” là chạm đến điều thiêng liêng, vĩnh cửu đời đời. Có phải cùng với sự trường tồn của quốc phục, “hồn phố cổ” cũng sống mãi trong lòng những người con xa quê? Hình ảnh “tà áo đẹp” hai lần hiện về trong nỗi nhớ của nhà thơ khi nhắc đến phố cổ là tín hiệu nghệ thuật làm hiển lộ vẻ đẹp đặc trưng của Hội An. Một Hội An vừa hiền dịu, kín đáo lại vừa thanh lịch, quyến rũ.
Nét đặc trưng ấy càng hiện rõ hơn: “Hội An mình vừa phố vừa quê/ Em đài các lại mặn mà thôn nữ/ Nét ngây thơ hiền hòa cố xứ/ Mái ngói cong soi bóng sông Hoài”. “Đài các”, “mặn mà”, ngây thơ”, “hiền hòa”, một nét đẹp hòa hợp phố, quê. Có lẽ vì quá yêu Hội An quê mình sau bao nhiêu năm xa cách nên Nguyễn Ngọc Hạnh đã “nhiều lời” ngợi ca như thế với Hội An: “Bao năm rồi người xa biền biệt/ Bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm”.
Một Hội An dịu dàng, quyến rũ, đẹp lung linh vẫn vẹn nguyên tròn đầy trong lòng người con xa xứ. “Bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm” là một hình ảnh thơ tuyệt đẹp, giàu sức gợi mang dấu ấn sáng tạo, riêng biệt của Nguyễn Ngọc Hạnh khi nói về tình yêu của mình với phố cổ độc đáo này. Hồn vía bài thơ được gói trọn ở hai câu thơ trên đầy thi ảnh ấy.
Hình ảnh “ngã ba này” lại hiện ra một lần nữa ở cuối bài thơ nhưng bị đẩy lùi vào thẳm sâu quá khứ “mù tăm” làm đòn bẩy bật lên cái hiện tại “Giờ chỉ mỗi mình anh đứng đợi”. Một hiện tại trĩu nặng nỗi niềm mong đợi hoài nhớ phố xưa. Chẳng phải xa cách càng sâu thì nỗi đợi mong nhung nhớ càng dày?
Và, sẽ càng dày nặng hơn khi chỉ “mỗi mình” ôm ủ trong lòng không chia sẻ cùng ai: “Ngã ba này thuở ấy mù tăm/ Giờ chỉ mỗi mình anh đứng đợi/ Con đường nhỏ đã xa vời vợi/ Cứ vận vào từng bước chân qua…”.
Hình ảnh “con đường nhỏ” xuất hiện ở cuối bài thơ thật bất ngờ. Một trường liên tưởng từ “con đường nhỏ” đến “con đường tha hương” của những người con xa quê càng tăng thêm sức gợi về sự đa mang với bao hoài niệm của nhân vật trữ tình về phố cổ, về mối tình xưa trong trẻo.
Dù có “Bao năm rồi người xa biền biệt”, dù có đi đâu, phiêu bạt phương trời nào, nhà thơ cũng mang hình ảnh “Hội An mình vừa phố vừa quê” trên mỗi bước đường ly hương xa xứ. Tình cảm này vô cùng đậm sâu, bền chặt bởi nó đã “vận” vào mỗi bước chân của thi nhân, ngấm vào từng hơi thở, nhịp tim người con xa xứ.
Thành công của Nguyễn Ngọc Hạnh trong Thương hoài phố xưa là đã kiến tạo được không gian hoài niệm. Một không gian chứa chở bao cảm xúc nhớ nhung buồn thương da diết, khắc khoải đợi mong của người con xa xứ rất chân thành và xúc động. Cảm xúc này phả vào từng con chữ, từng hình ảnh, nhịp điệu của bài thơ tạo nên bao cảm xúc cho người đọc. Có phải vì nỗi lòng của ông với cố hương sâu đậm, tràn đầy mà bài thơ này đã được nhiều nhạc sĩ đã phổ thành ca khúc, gửi gắm biết bao tình yêu về phố cổ Hội An.
Trong cõi thơ viết về nỗi nhớ cố hương của Nguyễn Ngọc Hạnh có nhiều bài hay, xúc động mà không ít người nhớ đến? Thương hoài phố xưa là một trong những bài thơ đặc biệt đã gây cho tôi nhiều ấn tượng, bởi trong thơ ông không chỉ có nhiều cấu tứ riêng biệt độc đáo mà còn man mác lòng chân thành trong cách thể hiện khi chạm bút đến đề tài quen thuộc này.
Thương hoài phố xưa
Cứ đến nơi này là chia tay em
Một ngã anh về, em thì dừng lại
Cả một thời dịu dàng con gái
Lại vận vào ngã ba Hội An
Cứ nhớ hoài từng đêm lang thang
Đứng chờ em lặng lẽ bên đường
Nhớ tà áo bay dịu mềm phố cổ
Bóng em xa rồi lòng còn đa mang
Phải chi em đừng ghé chùa Ông
Cứ đến ngã ba này rồi chia biệt
Mỗi chiều đi qua mỗi lần nuối tiếc
Mà sao vẫn mong đợi chiều về…
Hội An mình vừa phố vừa quê
Em đài các lại mặn mà thôn nữ
Nét ngây thơ hiền hòa cố xứ
Mái ngói cong soi bóng sông Hoài
Ngã ba này là bến sông xưa
Hồn phố cổ chứa trong tà áo đẹp
Bao năm rồi người xa biền biệt
Bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm
Ngã ba này thuở ấy mù tăm
Giờ chỉ mỗi mình anh đứng đợi
Con đường nhỏ đã xa vời vợi
Cứ vận vào từng bước chân qua…