BOT mở rộng quốc lộ 1 qua Quảng Nam: Còn nhiều bất cập

CÔNG TÚ 04/04/2017 08:23

Dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1 qua địa bàn tỉnh theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã đưa vào khai thác nhưng vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết.

Chưa giải quyết đồng bộ

QL1 qua Quảng Nam hiện có 2 dự án giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định đầu tư. Đó là: Thành phần 1 đoạn km947-km987 (Công ty CP Xây dựng công trình 545 làm chủ đầu tư), thành phần 2 đoạn km987-Km1027 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP làm chủ đầu tư). Quá trình thỏa thuận đầu tư, Bộ GTVT có tham vấn tỉnh. Tuy nhiên, một số ý kiến chưa được tiếp thu, nhất là quy mô dự án thành phần 1 (rộng 16,5m) mới có 2 làn ô tô mỗi bên.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội kiểm tra  trên QL1, đoạn qua Núi Thành. Ảnh: C.TÚ
Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội kiểm tra trên QL1, đoạn qua Núi Thành. Ảnh: C.TÚ

 Không có làn dành riêng cho mô tô và xe thô sơ, người dân khó khăn khi di chuyển, kể cả tài xế ô tô đi vào “làn 2 hỗn hợp” gây mất an toàn giao thông (ATGT), cử tri và cán bộ nhiều lần phản ánh bức xúc. Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Nguyễn Bá Nghĩa cho biết thêm, do trên địa bàn có 2 trạm thu phí chỉ cách nhau 50km, địa phương góp ý đề xuất giảm mức thu nhưng các bộ ngành liên quan kiên quyết bác bỏ. Cho nên, chủ phương tiện gần trạm hàng ngày phải qua lại nhiều lần… bức xúc. Để giãn cự ly, tỉnh từng đề nghị Bộ GTVT dịch trạm thu phí Tam Kỳ vào tại km1027, giáp địa phận Quảng Ngãi nhưng không được chấp thuận.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, trước thời điểm chính thức triển khai BOT, tỉnh đã đầu tư kinh phí phục vụ bố trí nhà chờ xe buýt dọc tuyến QL1. Quá trình thi công, Quảng Nam bàn giao cho nhà đầu tư để tháo dỡ. Họ hứa hẹn sẽ hoàn trả sau khi mở rộng xong. Công trình đưa vào sử dụng gần 2 năm qua nhưng biển báo điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên QL1 trống trơn. Nhà đầu tư vẫn chây ỳ tuân thủ cam kết dù UBND tỉnh và Sở GTVT nhiều lần có ý kiến. Một cán bộ lãnh đạo huyện Quế Sơn phàn nàn, chỉ có khoảng 30m mương thoát bên phải tuyến, khu vực kết nối tuyến ĐH1.QS mà nhà đầu tư thành phần 1 cứ hẹn lần hẹn lữa. Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - ông Huỳnh Ngọc Bá cho hay, khu vực ngã ba Nam Phước rất cần lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, bộ ngành chức năng đồng thuận chủ trương nhưng không rõ bao giờ được triển khai. Như Báo Quảng Nam nhiều lần phản ánh, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư bổ sung lắp đặt tại 6 vị trí (trong đó có ngã ba Nam Phước, ngã tư Kỳ Lý), UBND tỉnh thường xuyên lên tiếng nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện.

Lợi ích người dân là trên hết

Ngày 30.3 vừa qua, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang làm trưởng đoàn đã về Quảng Nam tìm hiểu thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Ông Nguyễn Hữu Quang đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ do đâu thành phần 1 chỉ đủ mỗi bên 2 làn xe. Người có trách nhiệm biện minh, nếu mở rộng thì phương án tài chính sẽ thay đổi, quá trình thu phí kéo dài hơn nên ngân hàng không cho vay. Đặc biệt, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi đưa vào sử dụng chia sẻ lưu lượng phương tiện lớn ô tô cho QL1. Trưởng đoàn giám sát cho rằng, đã tính như thế, tại sao không mở mỗi bên 1 làn xe ô tô, 1 làn xe máy và xe thô sơ riêng biệt để người dân khỏi ý kiến. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu giãy bày, chuyện thuộc về thiết kế đã là quá khứ, bây giờ có muốn mở rộng nữa thì rất khó, vấn đề là Bộ GTVT và nhà đầu tư phải tính toán làm thế nào đảm bảo ATGT trên tuyến, giải quyết rốt ráo kiến nghị từ phía địa phương và những khâu phát sinh. Trong lúc đó, một thành viên trong đoàn bày tỏ nỗi băn khoăn về chất lượng công trình, khi tận mắt chứng kiến nhiều chỗ “vá” mặt đường. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận, hiện tượng sụt lún của công trình là có và đề nghị nhà đầu tư rà soát khắc phục “không để QL trở thành tấm áo vá lộ liễu”. Ông cũng nhận trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng “trên quyết nhưng dưới không nghe”, dẫn đến thiếu chặt chẽ trong phối hợp với địa phương.

Đánh giá về dự án thành phần 1, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Đỗ Văn Sinh khẳng định, hiệu quả đầu tư con đường chưa đạt như mong muốn, bởi vì quan trọng nhất của hạ tầng giao thông là phải đảm bảo an toàn cho người dân. Bây giờ, nhà đầu tư cần nhanh chóng thực hiện cam kết của mình, phải có thời hạn triển khai cụ thể chứ không hứa suông. Có ý kiến cho rằng, việc đặt trạm thu phí như hiện nay là để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư - người dân. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam - ông Phan Thái Bình phản biện, đành rằng hài hòa lợi ích như trên, song lợi ích của người dân phải là ưu tiên số 1.

Nhà đầu tư cần phải có chính sách hỗ trợ nhân dân địa phương qua lại trạm thu phí, kể cả nhà dân bị trạm thu phí án ngữ trước mặt. Theo ông Nguyễn Hữu Quang, cần sớm khắc phục nhiều bất cập như việc phối hợp giữa Bộ GTVT và địa phương; chậm quyết toán dự án; lựa chọn nhà thầu thi công; mức thu phí chưa phù hợp nhất là đối với người dân vùng dự án. Cạnh đó, nhà đầu tư cần tiến hành quyết toán dự án; nhân rộng mô hình thu phí tự động... Đặc biệt, chất lượng công trình là vấn đề cần được quan tâm chú trọng, không để đường mới xây xong đã hư hỏng, thậm chí sửa chữa rồi vẫn chưa đạt yêu cầu. Để tháo gỡ nhiều bất cập, Quảng Nam mạnh dạn đề xuất cần phát huy vai trò của đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong góp ý, phản biện dự án BOT. Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu, ban hành các văn bản chuyên ngành, quy chế phối hợp liên quan; rà soát lại hệ thống trạm thu phí để điều chỉnh vị trí cho phù hợp…

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
BOT mở rộng quốc lộ 1 qua Quảng Nam: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO