Bữa cơm cứu đói

LÊ THANH 17/04/2020 04:36

Trong những ngày giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, có một loạt hoạt động tương trợ được tổ chức ở nhiều nơi, làm ấm lòng người. Những sự kiện ấy nổi lên như cánh hoa tươi tắn giữa cảnh ảm đạm và xáo trộn vì thiên tai địch họa.

Đó là những cây “ATM gạo” dựng lên bên đường phố. Những điểm phát cơm miễn phí hàng ngày cho người đứt bữa. Những người nghèo sống trong cảnh “tay làm hàm nhai” theo đúng nghĩa đen, chỉ một vài ngày phải ngừng việc mưu sinh lập tức lâm vào đói khát.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, dù sao cũng phải trải qua những thủ tục ở nhiều cấp, nhiều ngành, không thể nhanh lẹ chạm ngay đến từng hoàn cảnh khó khăn cần được cứu cấp ngay trong sáng chiều được.

Các hoạt động cứu trợ tự phát, hoàn toàn “dân lập” như nói trên, cũng như rất nhiều phong trào thiện nguyện mỗi mùa bão lụt trước nay vẫn thế… có thể bổ khuyết cho sự chậm trễ không tránh khỏi của hệ thống hành chính. Hoạt động khởi phát ngay trong đời sống, từ việc ghi nhận vấn đề, huy động nguồn lực, tổ chức cứu tế v.v. đều trực tiếp, sát sườn, hiệu quả và mau chóng bởi không phải thẩm thấu qua một lớp lọc quan phương nào cả.

Và nếu được sự hỗ trợ kịp thời của một vài cấp ngành chính quyền nào đó, hiệu quả của hoạt động càng dễ phát huy hơn. Trong những cảnh ngộ đặc thù như đối với tầng lớp cư dân bị tổn thương vì giãn cách xã hội vừa qua, có thể nói các hoạt động dân sự như vậy là giải pháp tối ưu, khó bề thay thế.

Và đó, là một phần trong loại hoạt động xã hội xuất phát từ “xã hội dân sự”. Ở đó, từng cá nhân và các hội nhóm dân sự đóng vai trò chia sẻ giải quyết các vấn đề xã hội bên cạnh hoạt động của hệ thống chính quyền, một cách tự nguyện, vô vị lợi.

Không những là thiện nguyện, cứu trợ khẩn cấp như cơm gạo quần áo, còn có thể là truyền thông, giáo dục, tạo việc làm, hay vận động các phong trào mang tính nhân văn, xây dựng nền nếp văn minh xã hội… Tất cả hoạt động rộng khắp ấy có thể tạo nên một mạng lưới mạnh mẽ để nâng đỡ đời sống tinh thần và vật chất, điều phối các nguồn lực theo hướng bù đắp tạo nên một xã hội ít chênh lệch hơn. Điều đó tất nhiên làm giảm nhẹ áp lực lên hệ thống công quyền, các cơ quan chính quyền và nhà nước có thể tập trung vào những chủ đề quan trọng, những chiến lược vĩ mô với hiệu quả cao hơn.

Sự “phân công trách nhiệm” nếu có thể được thiết lập như thế, chắc chắn sẽ là niềm khích lệ rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nền tảng văn hóa – xã hội. Có thể hình dung được một xã hội bớt nhiều nghịch cảnh, nhiều trách nhiệm và tình người hơn, nhiều niềm tin và lạc quan hơn. Một xã hội hướng thượng và bình an hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bữa cơm cứu đói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO