Bữa cơm ven đường…

ALĂNG NGƯỚC 21/06/2020 16:12

(QNO) - Mùa cao điểm dịch Covid-19, vùng cao vắng hoe. Giữa trưa, cả thị trấn chỉ có một quán ăn mở cửa, nhưng là... bán mang về. Không còn nơi để dừng chân, chúng tôi phải tạt vào một “góc quen” ven đường Hồ Chí Minh để ăn vội hộp cơm bụi.

Tác giả (bên phải) cùng đồng nghiệp ăn vội tô mì tôm trên đường tác nghiệp lên biên giới Tây Giang. Ảnh: A.N
Tác giả (bên phải) cùng đồng nghiệp ăn vội tô mì tôm trên đường tác nghiệp lên biên giới Tây Giang. Ảnh: A.N

Đó là chuyến công tác miền núi thứ 3 liên tiếp trong thời điểm cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Và bữa cơm ấy trở thành kỷ niệm khó quên trên đường tác nghiệp.

Dừng chân nơi “bến cũ”

Thị trấn Prao (Đông Giang) vắng người qua lại. Trưa, nắng hầm hập dội xuống mái tôn. Quán cơm duy nhất vẫn còn bán, lần lượt giao tay cho khách đứng chờ. Chị chủ quán tên Phượng, nói nhiều ngày qua, khi lệnh giãn cách xã hội được ban bố, không quán ăn nào mở cửa đón khách. Quán chị là duy nhất, phục vụ nhu cầu ăn uống cho người dân, cán bộ trên địa bàn, nhưng cũng chỉ bán mang về.

Chúng tôi mua vội vài hộp cơm, đảo mắt tìm nơi để ăn và nghỉ trưa trước khi tiếp tục hành trình. Cả thị trấn, không có chỗ nào “lý tưởng”. Quán xá đóng cửa, Prao chợt nhiên xa lạ, vắng vẻ. Chúng tôi rảo bước dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đi qua khỏi cầu A Vương phía bên kia dãy núi. Và quyết định dừng chân nơi “góc xưa, bến cũ” như thói quen mỗi khi có dịp trở về quê núi.

Mở lời xin mượn chiếc bàn của một nhà dân gần đó, chủ nhà dè dặt nhìn chúng tôi. Là bởi, ông sợ… liên lụy, nếu vô tình bị phát hiện cho “người lạ” tụ tập quá 2 người. Nhưng, rồi ông cũng gật đầu. Bữa cơm trưa ven đường được ăn vội giữa tiết trời vùng cao oi bức mà thầm mong dịch bệnh sẽ mau chóng vơi đi, để cuộc sống thường nhật sớm trở lại.

Một đồng nghiệp của tôi cười xòa, nhắc lại kỷ niệm về chuyến đi gần 4 năm trước. Lần đó chúng tôi ngược núi đi bộ từ trung tâm xã A Xan (Tây Giang) lên làng Ki’noonh để tìm gặp nghệ nhân Kêr Tiic. Mưa tầm tã suốt nhiều ngày trước càng khiến con đường đất trơn như mỡ. Quá trưa, đói lả người. Ngước mắt nhìn về mái gươl xa tít tắp giữa màn sương giăng mờ mà thấy bước chân nặng trĩu. Chỉ còn cách làng chừng vài trăm mét, chúng tôi gõ cửa một quán tạp hóa để nhờ cô chủ pha mì tôm ăn đỡ. Một bữa trưa vui vẻ giữa rừng, chúng tôi ngắm nhìn mưa phùn rả rích mà thấy mình may mắn vô cùng.

Bữa cơm tối trong rừng

Cao điểm dịch bệnh. Tôi cùng một đồng nghiệp khác là phóng viên Nguyễn Mạnh Thành Công được Ban Biên tập phân công thực hiện loạt bài viết về hoạt động tuần tra, kiểm soát, chốt chặn đường mòn lối mở của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tại địa bàn biên giới. “Lệnh” chiều hôm trước, hôm sau chúng tôi lên đường. Điểm đến, là các chốt trực gác kiểm soát của Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang).

Sau cuộc hẹn, Trung tá Hoàng Thanh Hà - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry phân công một cán bộ của đồn đón chúng tôi ngay bìa rừng để đi bộ đến chốt kiểm soát nằm sâu trong khu vực biên giới. Chập choạng tối, khi chúng tôi đến nơi, cũng vừa lúc các cán bộ, chiến sĩ cùng nhau chuẩn bị bữa cơm sau chuyến tuần tra trở về. Mỗi người một việc, chỉ trong tích tắc, anh em đã soạn sẵn một mâm cơm với đủ đầy cá khô, rau rừng.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Thanh - người được mệnh danh là “vua đầu bếp” của đồn chia sẻ, suốt hơn 2 tháng ròng rã, anh em chiến sĩ đều ăn ngủ giữa rừng để phòng chống dịch Covid-19. Những bữa cơm, có khi là đến 20 giờ tối mới được dọn ra ăn vội, trước thời điểm thay phiên trực gác suốt đêm.

Mưa núi rả rích, căn lán chỉ chừng hơn 20m2 là nơi trú chân của gần chục cán bộ, chiến sĩ và khách. Tối hôm đó, chúng tôi cùng nhau quây quần trong bữa cơm ấm cúng. Thiếu tá Nguyễn Hồng Thanh nói, nhiệm vụ trực gác nên tất cả mọi việc đều phải tranh thủ, ngay cả trong lúc đang ăn cơm, nếu có tin báo đột xuất về việc nghi ngờ có người xuất hiện ở khu vực biên giới, anh em cũng phải vội vã làm nhiệm vụ.

Bây giờ, khi dịch Covid-19 đã tạm vơi, nhưng kỷ niệm về bữa cơm ở rừng vẫn luôn được chúng tôi nhắc nhớ. Bởi tác nghiệp mùa dịch, dù vất vả nhưng đong đầy ký ức, để lưu lại phút giây hoài niệm trong nghề báo, sau này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bữa cơm ven đường…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO