"Bữa tiệc ly" của Kiều

HỨA XUYÊN HUỲNH 22/09/2018 03:53

Giới trẻ đang nghĩ ra kiểu “nhậu online”, cụng ly gián tiếp qua mạng…, không biết có phải là cách để né bớt những bất trắc nơi quán xá? Bởi từng có một “bữa tiệc ly” thấp thoáng trong Truyện Kiều, khi người thân dự tiệc mừng thọ ở xa nhưng hoạn nạn lại ập xuống đầu cô gái đang “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến với tình lang Kim Trọng…

Xuất hiện lối “nhậu online” mới mẻ. ảnh: Internet
Xuất hiện lối “nhậu online” mới mẻ. ảnh: Internet

1. Bữa tiệc ấy không thấy nhắc trong tuyệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Có chăng là ở những đoạn thoại ngắn ở nguyên tác “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).

Chuyện rằng, hôm ấy Thúy Kiều kiếm cớ ở nhà rồi gặp gỡ Kim Trọng. Lúc đón cha mẹ và 2 em vừa đi dự tiệc ở nhà dượng về, Kiều đã nghe Vương viên ngoại lo lắng kể, đại ý: Nhà dượng có cho hai thằng bán tơ ngủ trọ, cứ tưởng là người lương thiện. Hóa ra một trong hai tên kia là kẻ cướp. Khi mang tơ bán, bị khổ chủ nhận ra liền báo quan, ông dượng mắc tội oan. Vương viên ngoại bảo có ngồi ăn tiệc chung với tên bán tơ, cũng sợ vạ lây… Kể vừa dứt, đám sai nha “đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” ở đâu kéo đến nhà Thúy Kiều, lục tìm đồ tơ lụa tang chứng, cởi cả đồ đang mặc trên người đám phụ nữ, rồi trói Vương viên ngoại và Vương Quan để tra khảo… “Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ/ Tiếng oan dậy đất, oán ngờ lòa mây”. Đoạn này thì ai cũng biết.

Nhưng vì sao cả nhà Vương viên ngoại bị vạ lây? Nếu chịu khó truy tìm từ nguyên tác, sẽ thấy.

Hãy nghe tên bán tơ khai trong trại giam, khi đã nhận 50 lạng bạc mà phía gia đình Thúy Kiều đưa ra như một khoản tiền chuộc lấy tính mạng của cha và em. Tiền này lấy từ món 450 lạng mà Thúy Kiều vừa bán mình cho Mã Giám Sinh. Tất cả chỉ mong tên bán tơ đội lốt kẻ cướp này… rút lại lời khai. Tên này thú thực với Chung Công Sai (trong Truyện Kiều là “họ Chung có kẻ lại già”):

- Ông con họ Vương, xưa nay không quen biết chúng tôi bao giờ. Duy vừa rồi có việc thượng thọ, tôi cùng ngồi ăn uống với ông con nhà hắn. Chỉ trách hắn khi tôi mắc nạn, hắn lại tránh mặt. Tôi nghĩ hắn đã vô tình với tôi, thì tôi buộc tội cho hắn chơi. Nay hắn đã biết điều, lại nhờ lão gia đến đây, thì tôi không vu cáo cho hắn nữa.

“Buộc tội cho hắn chơi”, một lý do hết sức trời ơi, xảy ra sau một cuộc gặp cũng vớ vẩn… nhưng lại đủ để đẩy nàng Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn phải luân lạc 15 năm. Tất nhiên, những chi tiết này không được cụ Tố Như đưa vào Truyện Kiều. Đầu mối oan khiên đến từ “thằng bán tơ” vô danh nào đó khi “chuyển thể” sang 3.254 câu Kiều lục bát chỉ thấy thấp thoáng ở mỗi câu này thôi: “Phải tên xưng xuất, tại thằng bán tơ”. “Xưng xuất”, theo kiến giải của học giả Đào Duy Anh trong “Từ điển Truyện Kiều”, là bị tra tấn mà khai ra. “Phải tên xưng xuất, tại thằng bán tơ” (Truyện Kiều), có thể hiểu Vương ông bị thằng bán tơ khai tên mình ra. Suốt mấy trang tiểu thuyết dài dòng về chuyện Chung Công Sai ôm tiền đi lo lót khắp cửa, gặp cả tên bán tơ gian manh (như vừa nhắc) nhưng thi hào Nguyễn Du chỉ gói trong có 2 câu lục bát: “Họ Chung ra sức giúp vì/ Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ đã xong”. Nên chi, bữa tiệc mừng thọ oan khiên để xui cha con Vương viên ngoại tình cờ ngồi chung với gã bán tơ kia không được mấy người lưu tâm.

2. Lẽ dĩ nhiên, bút pháp của cụ Tố Như không giống bút pháp Thanh Tâm Tài Nhân; một bên giản lược, một bên chi li. Nhà văn Vũ Hạnh cũng nhận định như vậy khi viết tác phẩm “Đọc lại Truyện Kiều” và ông có lý để liệt kê vụ thằng bán tơ vu oan cho Vương viên ngoại vào nhóm các âm mưu: Thúc Sinh đem Kiều giấu biệt để ép chuộc giá rẻ với Tú bà, Hoạn Thư đánh ghen lập kế bắt Kiều, Hồ Tôn Hiến thuyết hàng Từ Hải… Nhóm “sự kiện” này diễn đạt càng chi tiết ở “Kim Vân Kiều truyện” bao nhiêu, sang “Truyện Kiều” càng vắn tắt bấy nhiêu. Nên khi đọc kỹ nguyên tác, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết nguồn cơn đưa đẩy Thúy Kiều sa chân vào chốn hồng lâu thật quái đản. Chính xác hơn, đó là từ lối ứng xử của những người từng dự chung bữa tiệc. Ở đây, xin không bàn đến những tâm ý sâu xa của cụ Nguyễn Du hay công thức “tài mệnh tương đố” (tài mệnh ghét nhau), “bỉ sắc tư phong” (được cái này thì mất cái kia)…

Những bữa tiệc như thế, xem ra đã và đang bày biện suốt từ mấy trăm năm qua và ngày càng đa dạng phong phú, xuất hiện ở các tác phẩm văn chương lẫn đời thực. Có cuộc nhậu kết giao, như đoạn Kiều Phong đối ẩm với công tử Đoàn Dự trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh “Thiên long bát bộ” của nhà văn Kim Dung. Nhưng cũng có cuộc nhậu rầy rà của Tống Giang trong bộ “Thủy hử”, hứng chí đề thơ trên lầu Tầm Dương để tạo cơ hội cho gã thông phán Hoàng Văn Bình tán bậy với quan tri phủ thành ra “thơ phản nghịch”. Thế cùng, Tống Giang phải bỏ lên đầm nước Lương Sơn, loanh quanh một hồi trở thành đầu lĩnh.

Có phải “ẩm giả” đang ngày càng cô đơn và sợ rủi ro(!) đến nỗi phải nhậu một mình, nhậu qua mạng cho an toàn? Thật khó lý giải, bởi “hình thức” này chỉ là thiểu số và lối gọi video trong Zalo, Facebook để vừa nâng chén vừa tám chuyện cho đỡ buồn của các bạn trẻ cũng mới xuất hiện, trong khi quán xá suốt trong nam ngoài bắc vẫn đình đám. Nhưng khi biết chuyện “nhậu online”, thoạt tiên người đọc tin bật cười nhưng không khỏi lẩn thẩn nghĩ đến những hệ lụy mà nàng Kiều và Tống Giang từng vướng mắc một cách vô duyên cớ. Bèn mượn tên tác phẩm “Bữa tiệc ly” của danh họa Leonardo Da Vinci để nói về nguồn cơn chìm nổi của nàng Kiều.

Có những cuộc nhậu nên vương nên tướng, kết bạn quảng giao nhưng cũng có cuộc khiến thân bại danh liệt, nhà tan cửa nát. Là do rượu hay do người?

HỨA XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bữa tiệc ly" của Kiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO