(QNO) - Ngày 9.11, Bộ trưởng Ngoại giao của quốc đảo Tuvalu - ông Simon Kofe gửi tới Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) đang diễn ra tại Scotland, Vương quốc Anh một bài phát biểu được ghi hình minh chứng về mực nước biển dâng.
Bộ trưởng Simon Kofe trong trang phục vest, thắt cà vạt và đứng ở nơi bị ngập sâu đến đầu gối trong nước biển để mô tả về một trong những hệ lụy từ biến đổi khí hậu, mức độ ảnh hưởng của mực nước biển dâng lên đảo quốc nhỏ bé của ông ở Thái Bình Dương.
Ông Kofe nói: “Tuyên bố này gắn liền bối cảnh COP-26 với các tình huống thực tế phải đối mặt ở Tuvalu do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời nêu bật hành động mạnh mẽ mà Tuvalu thực hiện để giải quyết vấn đề cấp bách là di chuyển dân cư trong điều kiện biến đổi khí hậu”.
Trước đó vào ngày 8.11, Vương quốc Anh công bố khoản tài trợ mới trị giá 290 triệu bảng Anh (391 triệu USD), bao gồm hỗ trợ cho các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ngoài ra, các quốc gia giàu có như Đan Mạch, Nhật Bản và Mỹ cam kết tài trợ hàng tỷ USD cho các nước dễ bị tổn thương nhất có thể thích ứng và phục hồi từ biến đổi khí hậu.
Hình ảnh Bộ trưởng Simon Kofe đứng ngay trên bục giảng được dựng trên biển Thái Bình Dương, với ống quần cuộn lại, đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý về cuộc đấu tranh chống lại mực nước biển dâng của Tuvalu ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu như thế nào.
"Đoạn video được Đài truyền hình công cộng TVBC quay ở Fongafale, hòn đảo chính của thủ đô Funafuti" - một quan chức Chính phủ Tuvalu cho biết.
Nhiều quốc gia gây ô nhiễm nặng tuyên bố sẽ tăng cường cắt giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong những thập kỷ tới với một số mục tiêu đạt được mức phát thải các-bon (CO2) ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của đảo quốc Thái Bình Dương yêu cầu thế giới cần hành động ngay lập tức, chỉ ra rằng sự sống còn của các quốc gia vùng trũng, thấp đang bị đe dọa.
Mới đây, tổ chức Climate Central (Mỹ) đưa ra dự báo về 6 thành phố thuộc diện nguy cơ bị nước biển dâng nhấn ngập trước năm 2030 là Amsterdam (Hà Lan), Basra (Iraq), New Orleans (Mỹ), Venice (Italia), TP.Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Kolkata (Ấn Độ).
Báo cáo cũng cho biết các quốc đảo nhỏ có nguy cơ "gần như mất toàn bộ" vùng đất và 8 trong số 10 khu vực hàng đầu chịu tác động nước biển dâng là ở châu Á, với khoảng 600 triệu người bị ngập lụt theo kịch bản ấm lên 3 độ C.
Tuvalu là một trong những quốc gia nhỏ bé, nghèo tài nguyên với tổng diện tích đất liền 26km2 và dân số chỉ khoảng 11.000 người. Để bảo vệ những hòn đảo khỏi thủy triều, bão lũ và sự suy thoái tài nguyên đất, Tuvalu mở rộng dự án trồng rừng ngập mặn ở các hòn đảo bên ngoài.