Kể từ những bài thơ in rải rác trong một số tập thơ in chung chừng 10 năm trở lại đây đến tập thơ riêng đầu tay “Ký họa mùa đông” (NXB Đà Nẵng, tháng 3.2020), có vẻ như Vũ Thiên Tường - hội viên Hội VHNT Quảng Nam, đã có một cuộc đi dài với không ít đổi thay.
Không còn nữa sự thật thà đến mức “tự nhiên chủ nghĩa”, đã thấy xuất hiện nhiều hơn những câu thơ có sức ngân vọng, ý tràn ra ngoài lời: “trầm hương ai đốt chiều nay/ chuông chùa Hải Tạng cũng gầy như xưa” (Hát với Cù Lao). Thay cho những câu thơ đôi khi sến súa hoặc “tham chữ” hoặc câu nệ là những câu thơ mạch lạc cả tứ lẫn lời, để mỗi chữ đều có thể ngân rung: “những pháp thuật luân hồi/ nhan sắc/ rượu không lời/ không ai rót/ vẫn say” (Đêm cổ tháp).
Những xưng tụng, ngợi ca, những góc nhìn giản đơn, nhỏ hẹp... cũng gần như biến mất. Như trong bài thơ “Lời sóng”, có cảm giác như đó không hẳn là lời tâm tình của sóng nước khơi xa mà còn là lời nước non da diết, là sự vọng động của xưa xa, là thao thức của muôn đời: “trùng khơi xanh nhát kiếm/ bạt gió ngày đồng dao/ căm vào muôn thước sóng/ những vết roi cuộc đời”. Bức “ký họa” - bức tranh thơ, được Vũ Thiên Tường vẽ nên dường như không hề dễ dàng, bởi sự đan xen, hiện diện của những tiếc nuối, suy tư, trăn trở, day dứt... Rất có thể đó là một sự đối mặt, một thái độ - với thơ và với cuộc đời: “vòng tay đóng băng ngàn năm/ cơn mưa rớt xuống đêm ngàn năm/ ta vật vã mùa tròn trăng bất tuyệt/ cây cọ nguệch ngoạc bức tranh bão táp” (Ký họa mùa đông).
Góp phần đáng kể làm nên sự đa sắc, phồn nét trong bức ký họa - thơ của Vũ Thiên Tường chính là mảng thơ lục bát. Tập thơ có 69 bài, trong đó có 21 bài lục bát, là một sự “phối màu” hợp lý, vừa phải nhưng vẫn đủ để tạo nên điểm nhấn, nhất là khi đó đều là những bài thơ đẹp, tròn trịa, nếu không muốn nói là khá có nghề và hay. Có những câu lục bát anh viết... như chơi: “Xuân còn ở chỗ người ta/ bữa nay thức dậy/ đã hoa đầy vườn” (Gởi xuân), mà không “chơi” chút nào. Có những câu lục bát gợi nẻo về ca dao diệu vợi, tha thiết: “Mờ sương quảy gánh đi rồi/ Đò ngang chuyến nhọc sóng trồi ướt vai/ Mẹ đi hết những đường dài/ Gót mài nhẵn thín chông gai đời mình” (Mẹ mắm). Có nhiều bài lục bát tìm đến với sự biến thể/phá thể và, bên trong sự khác lạ hình hài vẫn vẹn nguyên những dịu dàng, nhuần nhị, ngọt ngào của thể thơ “điệu hồn dân tộc”: “sưa vàng/ hay áo người xa/ bài thơ cũ/ tiếc/ mưa hoa diễm kiều” (Đêm sưa vàng); “chỉ là nước/ với mù cay/ mà ai bưng khói thả đầy/ bến sông” (Ký tự lũ).
Chỉ với ngần ấy, bức “Ký họa mùa đông” của Vũ Thiên Tường đã là một bức tranh - thơ đẹp và có hồn. Bức tranh - thơ ấy đáng để cho người ta ngắm nhìn và ngẫm ngợi, như lời tâm tình của anh trong một “Khúc tháng Giêng”: “về nghe/ câu hát tháng giêng/ nghe đời nhập cuộc/ nỗi riêng tư mùa/ sóng cồn cào/ đêm hôm qua/ lời thơ cũ/ giấc mơ òa bay lên”.