Nhà ở công nhân là vấn đề nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào nên hình hài.
Nhu cầu cao
Theo thống kê mới nhất của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) với 87 dự án đầu tư, thu hút khoảng 37.000 công nhân lao động (CNLĐ). Vậy nên nhu cầu nhà ở khá lớn. Riêng tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc và Khu kinh tế mở Chu Lai là 17.000 nhu cầu; KCN Thuận Yên (TP.Tam Kỳ), Đông Quế Sơn (Quế Sơn) khoảng 1.000 nhu cầu. Các KCN đều đã được quy hoạch và bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, với tổng diện tích khoảng 104ha. Tỉnh cũng có cơ chế chính sách phù hợp, ngoài cơ chế theo quy định của Trung ương tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20.11.2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 16.5.2013.
Nhà trọ công nhân trong dân tất cả đều chật chội, kém chất lượng. Ảnh: D.L |
Theo đó đã thu hút 6 dự án đầu tư nhà ở CNLĐ trong toàn tỉnh, nhưng chưa dự án nào được hiện thực hóa. Dự án nhà ở thu nhập thấp của Công ty CP Kỹ thuật châu Âu tại Điện Bàn có diện tích 7,9ha; dự án khu nhà ở CNLĐ và thu nhập thấp của Công ty CP Xây dựng và thương mại Thái Công (Đại Lộc) diện tích 4,2ha đều đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Dự án khu nhà ở CNLĐ của Công ty TNHH Hữu Toàn Chu Lai (Núi Thành) đã được cấp phép xây dựng, dự kiến đầu tư vào năm 2015; UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Danatol nghiên cứu xây dựng dự án nhà ở cho cán bộ và chuyên gia trong Khu kinh tế mở Chu Lai 22,7ha, nhu cầu 3.000 hộ. Dự án nhà ở thu nhập thấp của Công ty CP Tư vấn nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (Điện Bàn) có diện tích hơn 18ha, gồm 24 block chung cư với 4.704 căn hộ đang giẫm chân tại chỗ. Nhà ở CNLĐ được thực hiện trong thời gian chủ yếu qua nguồn hỗ trợ từ Quỹ mái ấm công đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh, với 257 căn nhà được hỗ trợ từ năm 2010 - 2014, một con số quá thấp so với nhu cầu hiện tại do nguồn lực hỗ trợ có hạn.
Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Hiện nay chưa có dự án nào đáp ứng được nhu cầu nhà ở CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu nhà ở thực sự cấp bách, cần khuyến khích đầu tư và sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương. Do đặc thù của tỉnh, đặc biệt là do phong tục tập quán và điều kiện của người dân địa phương, việc xây dựng nhà ở CNLĐ để bán là không phù hợp đối với nhu cầu và thị hiếu của CNLĐ. Còn hình thức xây nhà ở CNLĐ rồi cho thuê thì không thu hút được nguồn lực đầu tư do khả năng thu hồi vốn quá thấp”.
Tìm hướng đi
Thực tế đã có nhà đầu tư vào nhưng cuối cùng vẫn ngưng dự án như dự án của Công ty STO ở Điện Bàn. Lý do là khó tiếp cận nguồn vốn vay, kể cả gói 3.000 tỷ đồng của Trung ương chỉ dành cho các dự án nhà ở xã hội vẫn không thể vay được. Ông Huỳnh Xuân Sơn - Phó Trưởng ban Quản lý phát triển Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc thông tin, nhu cầu nhà ở CNLĐ ở Điện Nam - Điện Ngọc rất lớn và cần thiết. Hiện nay, CNLĐ chủ yếu ở trong những khu nhà trọ do nhân dân tự xây dựng, với giá 300 - 500 nghìn đồng/phòng/tháng, phù hợp với túi tiền của CNLĐ. Nhưng vì rẻ nên chất lượng kém, mọi điều kiện sinh hoạt thiết yếu đều hạn chế. Tại đây đã thu hút được 2 dự án của công ty STO và châu Âu theo cơ chế ưu đãi của tỉnh nhưng xem ra nhà đầu tư đang dừng chưa biết đến khi nào mới triển khai. Ông Sơn kiến nghị: “Ban quản lý đã phối hợp với UBND huyện Điện Bàn quy hoạch được 6 khu dân cư có suất đầu tư thấp để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, sau đó chia lô với diện tích khoảng 70m2 để bán cho người lao động với giá khoảng 100 triệu đồng/lô cho họ xây nhà, như thế họ mới tiếp cận được. Tôi nghĩ ở Quảng Nam nên đầu tư theo kiểu này vì người dân có tâm lý thích sự tiện lợi, thích là của mình, không thích ở trong chung cư, và được hưởng các cơ chế như nhà ở xã hội. Nếu có xây chung cư, Nhà nước nên đầu tư xây thử 1 block, xem nhu cầu thế nào rồi nhà đầu tư mới dám vào”. Với Công ty STO, ông Sơn đề nghị nếu năm 2015 mà công ty này không triển khai dự án, UBND tỉnh cần cương quyết thu hồi và giao cho nhà đầu tư khác.
Cùng chung ý kiến này, ông Lê Vũ Thương - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, cho biết: “Tâm lý người CNLĐ vốn thích mua đất ưu đãi hoặc cho mua trả góp, vay vốn lãi suất ưu đãi để mua rồi tự làm nhà ở, như thế hiệu quả hơn xây nhà để bán. Cơ chế của Chính phủ về nhà ở xã hội khó áp dụng ở Quảng Nam”. Còn ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng: “Trung ương khi xây dựng cơ chế chính sách cần tập trung về cơ sở, ban hành chính sách phù hợp với từng vùng miền. Các địa phương căn cứ vào đó mà cụ thể hóa ở tỉnh, làm sao hướng đến đối tượng hưởng lợi là những CNLĐ. Với Quảng Nam, nên có chính sách kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư đi kèm cam kết đảm bảo chỗ ở cho CNLĐ của chính họ, và để người dân cùng tham gia, được hỗ trợ để đảm bảo chỗ trọ của CNLĐ được đảm bảo hơn”
DIỄM LỆ