Bức thư của mẹ

NGUYỄN BÁ HÒA 30/03/2014 14:24

1. Khi nào có chút thời gian rảnh bà Năm lại nhớ tới câu hỏi của thằng Hạnh: “Sao mẹ đã già đã xấu lại còn nghèo nữa?”. Bà chẳng nhớ nỗi nó đã hỏi bà câu ấy bao nhiêu lần và bà cũng không nhớ đã trả lời ra làm sao nữa. Nhưng lần đầu tiên và lần gần đây nhất thì bà không thể nào quên được.

Lần đầu tiên là năm nó lên lớp bốn, từ trường về nhà, ném cái cặp vào người bà rồi khóc rống lên: “Tụi bạn chọc con có mẹ già như bà mụ, có mẹ xấu như phù thủy, con không thèm đi học nữa đâu!”. Khi ấy bà đang ngồi lặt rau chuẩn bị cho gánh mì bán buổi chiều. Cái cặp dìm đôi tay bà vào rổ rau, bà đơ mặt nhìn nó sững sờ một lát rồi òa lên khóc. Chỉ cái đòn gánh và đôi gióng góc bếp chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy nhưng sao trong ngôi nhà tranh nhỏ từ đó bất cứ vật gì cũng như xát muối vào nỗi đau của bà. Buổi sáng gánh bún, buổi chiều gánh mì, bà không biết ở trường ở phố người ta nói gì về mẹ con bà mà thằng Hạnh đổi tính đổi nết thấy rõ. Vất vả kiếm sống nhưng bà lại dành thời gian chăm sóc nó nhiều hơn. Lên cấp hai nó không thèm nghe lời bà, bướng bỉnh hơn, lầm lì hơn, cáu gắt hơn. Hàng xóm rất đỗi ngạc nhiên khi thấy thằng Hạnh trở tính. Họ kính phục và thương yêu mẹ con bà ngay từ khi bà bế thằng Hạnh còn đỏ lòm đặt chân đến xóm này. Bà nói với họ, cha thằng Hạnh mất khi nó mới chào đời, không chịu được nỗi đau bà cùng thằng Hạnh tìm đất mới để sống. Có người không tin, có người tò mò sao bà lớn tuổi thế mới sinh con, bà chỉ mỉm cười và giải thích lờ mờ cho qua chuyện rằng bà đi thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam nên không muốn lấy chồng, không muốn sinh con. Dần dà được lối xóm cưu mang, bà con giúp đỡ, bà lao động cật lực kiếm tiền nuôi thằng Hạnh để rồi bây giờ...  

Lần gần đây nhất là lúc thằng Hạnh đi học đại học ở thành phố. Nó nói với bà là cứ gửi tiền đủ cho nó ăn học sau này ra trường có công ăn việc làm nó sẽ trả lại đủ cho bà. Nó sẽ không về nữa, đừng có trông có đợi gì cả, nó đã không có cha bây giờ không có mẹ, cũng chẳng sao. Bà hỏi vì sao lại ác miệng như thế, nó không trả lời nhưng bà hiểu nó mặc cảm vì nhà nghèo, vì có mẹ vừa già vừa xấu. Bà cắn răng nuốt cả đau đớn, cả tủi hổ, cả tức giận vào lòng để chờ đợi, để hy vọng một ngày nào đó, nó sẽ nhận ra sai trái và quỳ dưới chân bà xin tha thứ. Nghĩ thế, nhưng nỗi đau cứ đến dai dẳng và trầm trọng, cộng với nhọc nhằn thức khuya dậy sớm kiếm tiền nuôi nó ăn học bà sinh bệnh từ lúc nào không hay. Gánh bún buổi sáng nặng nề hơn trên đôi vai cong lệch, có buổi bà hoa cả mắt tay run làm cho khách hàng ái ngại. Rồi bà không bán bún nữa tập trung vào gánh mì buổi chiều.

Sáng nay rảnh rỗi bà ngồi nhớ lại tất cả, chuyện chiến trường, chuyện  bỏ quê đến đây để sống, chuyện buôn bán, chuyện thằng Hạnh... Cuộc đời bà có lẽ vui nhất, sôi nổi nhất là thời đi thanh niên xung phong. Bà mỉm cười vu vơ khi nhớ lại mấy cô bạn cùng đơn vị, bây giờ họ ở đâu, chồng con gì chưa, có bao nhiêu đứa bi nhiễm chất độc da cam như bà. Bặt tin họ từ khi bỏ quê mang thằng Hạnh về đây, ngót vài chục năm rồi còn gì, chính xác hơn là hai mươi bốn năm rồi, thằng Hạnh sắp học xong đại học ra trường kia mà. Như nhớ ra chuyện gì bà đứng bật dậy vào tủ thờ lấy một cái gói nhỏ, vội vàng qua nhà hàng xóm.

- Bà Chinh ơi có nhà không?

- Tôi đây, bà Năm không ra chợ à?

- Sức khỏe dạo này yếu quá, không biết trụ được bao lâu, có chuyện muốn nhờ bà giúp.

Nhìn vào đôi mắt bà Năm, bà Chinh hiểu ra mình đang nhận một việc vô cùng hệ trọng. Bà run tay nhận cái gói nhỏ đem cất vào nhà trong.

- Tối chạy qua nhà tôi ngủ cho có chị có em.

- Ừ để tôi tính, thôi tôi về sửa soạn gánh mì đã.

Bước chưa ra khỏi cổng nhà, bà Năm đã té xỉu.

2. Bà Năm đau, cả xóm phân công chăm sóc, nay bà qua đời xóm làng lại lo tang ma. Ai cũng nghĩ bà ra đi quá đột ngột, lại không có người thân thích nên càng chu đáo hơn kẻo tội nghiệp vong linh bà. Kẻ đứng người ngồi chưa biết phải làm việc gì thì bà Chinh lên tiếng:

- Bà con ơi! Khi bà Năm còn khỏe có gửi tôi cái gói này, dặn tôi, khi bà ấy có mệnh hệ gì thì mở ra xem và giúp cho bà mấy việc, nay trước bà con cho tôi được mở ra.

Ai nấy nín lặng chăm chú nhìn. Bà Chinh run tay lần mở mấy lớp giấy được cột kỹ bởi ba bốn vòng dây nhựa. Một cái thư rơi xuống đất, một mảnh giấy ghi ngoằn ngoèo mấy chữ và mấy tờ bạc giấy cuộn tròn.

- Đọc mảnh giấy xem thử bà Năm dặn cái gì?

Bà Chinh khóc, càng lúc càng nấc to. Bà con không kìm được cũng khóc theo. Ông Cả bình tĩnh giật lấy mảnh giấy nhẩm đọc rồi nói lớn với mọi người:

- Không có gì quan trọng cả, bà Năm để lại một triệu đồng nhờ chúng ta mua một áo quan loại thường, báo tin cho gia đình bà biết theo địa chỉ cụ thể ở đây, còn cái thư kia là của thằng Hạnh, bà chẳng trăn trối dặn dò gì thêm cả.

Yên lặng một lát, ông Cả nói tiếp:

- Tôi nói thế này, bà con nghe thử được không, số tiền bà Năm để lại cũng chẳng bao nhiêu nhưng chúng ta vẫn phải dùng để bà vui lòng, mỗi nhà chúng ta đóng góp thêm một ít nữa mới đủ lo cho bà. Trước hết báo tin ngay cho gia đình bà Năm biết, báo cho thằng Hạnh biết về phục tang mẹ nó, những việc còn lại tôi sẽ phân công cho mỗi ông mỗi bà ở đây.

Trước đây không ai biết bà quê ở đâu, đến từ đâu, nay thì đã rõ. Anh An chạy xe khách tuyến đường này đảm bảo sẽ tìm ngay được người thân của bà, cũng may chiều nay xe anh lại đến phiên chạy. Nghe ông Cả phân công, anh An nhận lời, mấy bà bình tĩnh trở lại xúm xít dọn dẹp nhà cửa...    

Chỉ trong một buổi bà con đã che xong cái rạp, sắp xếp đâu ra đó. Ngày hôm sau chờ đợi. Lễ thành phục vẫn phải làm, chỉ có một vành khăn tang để trên bàn thờ chờ thằng Hạnh. Ngày hôm sau nữa bà con sẽ tiễn bà Năm về nghĩa trang Đồi Đất. Ai cũng thấp thỏm liệu bà con của bà có còn không, có đến với bà được hay không. Kỳ diệu thay, anh An tài xế đã đưa cả nhà bà Năm về với bà như một phép lạ. Nói cả nhà nhưng chỉ có ông anh con cô con cậu, hai đứa cháu gọi bằng dì và đứa cháu gọi bằng cô. Họ ôm bàn thờ khóc lóc thảm thiết vì nhớ thương do xa cách, vì sự hội ngộ đã quá muộn màng. Bà con làng xóm biết thêm được những bí mật cuộc đời bà. Bà sợ hậu quả của chất độc da cam, lại lớn tuổi lỡ thì nên không lấy chồng. Bà tình nguyện nuôi dạy trẻ tại trung tâm nuôi trẻ sơ sinh mồ côi sau đó nhận thằng Hạnh về làm con nuôi. Bà sợ một ngày nào đó cha mẹ nó quay trở lại tìm con nên bồng thằng Hạnh trốn cả gia đình vào đây sinh sống. Tất cả tình yêu thương, tâm sức tiền của, cả cuộc đời bà dành hết cho thằng Hạnh. Sao thằng Hạnh vẫn chưa thấy về? Ai cũng trông ngóng thằng Hạnh, ai cũng đoán già đoán non, nào là có nên nói cho nó biết sự thật không, biết là con nuôi nó sẽ nghĩ sao, chắc nó nghĩ nhiều đến công ơn của bà Năm dưỡng dục, rồi chắc sẽ đi tìm cha mẹ đẻ thôi, bà Năm viết gì trong thư để lại cho nó, còn bí mật nào nữa hay chỉ là những lời yêu thương của người mẹ gởi lại cho con....

Thật may cho bà Năm, trước giờ đưa tang thằng Hạnh kịp về. Nó cau mặt khi nhìn thấy di ảnh của bà. Nó chít khăn tang, thắp hương, lễ bái như một việc phải làm. Nhìn vào gương mặt băng giá của nó mọi người thấy lạnh và rùng mình. Không chịu được thái độ bất nhân bất nghĩa của nó, ông cậu la lớn:
- Mày có biết mẹ mày đã chết hay không?

Sau một thoáng giật mình nó bình thản trả lời:

- Con biết mẹ con mất nên con mới về, con có làm gì sai đâu chứ?

Không kìm được sự hỗn xược của nó, ai đó lên tiếng, có lẽ cho hả dạ:

- Đồ con nuôi mất dạy!

Thằng Hạnh nghe tiếng được tiếng mất nhưng rồi sau đó nó cũng biết được sự thật. Nó bị sốc? Không! Nó nghi ngờ? Không! Đau khổ? Không! Tức giận? Không! Nó bình thản như được tôi luyện từ mấy kiếp lặng yên đếm những bước chân thả lên Đồi Đất.

Nghĩa trang buổi chiều ủ dột màu vàng chia biệt. Chỉ còn thằng Hạnh ngồi bên ngôi mộ còn tươi nguyên màu đất mới, đọc bức thư của mẹ.

NGUYỄN BÁ HÒA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bức thư của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO