GRDP của Quảng Nam năm 2023 sát đáy (giảm 8,25%), nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng không thể thực hiện được khi nền kinh tế rơi vào cơn khủng hoảng thị trường, khó thể hồi phục. Tuy nhiên, những gì đạt được, thể hiện qua các con số định lường thì địa phương không quá để bi quan.
Suy giảm
Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND tỉnh sẽ trình bày tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X cho thấy nền kinh tế địa phương “suy sụp”. Các động lực chính của nền kinh tế như FDI, sản xuất công nghiệp suy giảm nặng nề; trừ xuất nhập khẩu đạt 5,9 tỷ USD, tăng hơn 9% (xuất khẩu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 8,2% và nhập khẩu gần 3,6 tỷ USD, tăng 9,6%) với thị trường mở rộng trên 60 quốc gia.
Thống kê cho thấy nông - lâm - thủy sản vẫn giữ mức tăng 3,5%, dịch vụ tăng 4,6%. Tuy nhiên, mức tăng nhỏ lẻ của hai ngành này không “đủ sức” để bù đắp được sự suy kiệt của ngành công nghiệp (ngành chủ lực của nền kinh tế địa phương). Quảng Nam được xếp “đội sổ” trong 10 tỉnh, thành có chỉ số toàn ngành công nghiệp rơi vào khủng hoảng. Công nghiệp và xây dựng giảm 21,7% (riêng công nghiệp giảm 24,3%).
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói, thế giới biến động phức tạp, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nhất là ô tô khi khối lượng sản xuất, tiêu thụ, doanh thu đều giảm hơn 10%.
Số lượng doanh nghiệp gặp khó về thị trường, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm... ngày càng nhiều. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất khó để duy trì sản xuất, tạo ra tăng trưởng kinh tế. Khó khăn này cũng là xu hướng chung của các tỉnh có giá trị công nghiệp lớn, phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới.
Số lượng thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đều giảm so năm trước. Chỉ khoảng 1.100 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký ít ỏi, khoảng 5.900 tỷ đồng, giảm đến 107 doanh nghiệp và chỉ 16 dự án nội địa được cấp phép.
FDI còn tệ hại hơn, tiếp tục suy giảm khi chỉ cấp mới 3 dự án, với vốn đầu tư chỉ 23,58 triệu USD, giảm 2 dự án so năm 2022. Không chỉ FDI vẫn dừng ở mức 193 dự án còn hiệu lực, với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ USD được nhắc đến nhiều năm trong các báo cáo vẫn không thay đổi, mà niềm tin kinh doanh của thương giới đang hoạt động thu hẹp dần.
Các cuộc khảo sát của Cục Thống kê, Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cơ quan quản lý cho thấy khá nhiều doanh nghiệp không hy vọng gì vào sự thay đổi của thị trường, thậm chí có đến 24% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn hơn.
Số liệu thống kê này chỉ ra đây là mức thấp nhất trong lịch sử kinh thương của Quảng Nam. Thiếu hụt năng lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới lẫn sức khỏe doanh nghiệp chưa thôi yếu ớt thì kinh tế “sụp đổ” là điều dễ thấy.
Đầu tư công được cho là một xung lực quan trọng giải cứu nền kinh tế vẫn không mang lại hiệu ứng như mong muốn khi vốn không đổ vào nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, nhưng giải ngân quá thấp. Tính đến ngày 24/11/2023, mới chỉ giải ngân hơn 5.204 tỷ đồng, chỉ đạt 51,9%. Thậm chí, số vốn năm 2022 kéo dài (sẽ kết thúc giải ngân vốn cuối năm 2023) cũng chỉ đạt 59,4%.
Không đáng bi quan
Mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% đã không thể đạt được. GRDP Quảng Nam đứng chót so 14 tỉnh Vùng duyên hải miền Trung và đứng áp chót 63 tỉnh thành cả nước (giảm 8,25% so năm 2022).
Chính quyền tỉnh thừa nhận vẫn còn khá nhiều hạn chế của năm 2023 khi GRDP giảm sâu, công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn nên khó hồi phục, thu ngân sách chưa đạt dự toán, chỉ bằng 71,6% so năm trước (trừ nội địa), giải ngân đầu tư công thấp.
Không ngoại trừ việc quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, giá đất, khoáng sản... (các đoàn kiểm tra, thanh tra đã chỉ ra) đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế địa phương.
Nguyên nhân sự sụt giảm của nền kinh tế được biện giải là thế giới biến động, hậu quả COVID-19 kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, tín dụng thắt chặt, bất động sản “đứng bánh”. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư của địa phương...
Chính quyền tỉnh cũng thừa nhận rằng nền kinh tế địa phương chủ yếu phụ thuộc vào ô tô. Một khi ngành ngày suy giảm, các ngành khác khó bù đắp... Không loại trừ cả việc chính quyền, cơ quan quản lý không thể dự báo hay lường hết được những khó khăn, thách thức của nền kinh tế.
Thiếu cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát hiệu quả, chưa kịp thời trong việc theo dõi, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công.
Một hạn chế không kém phần quan trọng khiến việc điều hành kinh tế địa phương không phát triển như ý muốn đã được chỉ ra. Đó là tính chủ động, năng lực cụ thể hóa, thực thi trách nhiệm của các ngành, địa phương hay từng công bộc chưa thực sự hiệu quả, không theo kịp sự đòi hỏi hay yêu cầu của thực tế...
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý, sự sụt giảm của năm 2023 không phải là một thảm họa khi thu nhập bình quân đầu người vẫn đạt 48,2 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5% so năm 2022. Điều quan trọng hơn, bức tranh kinh tế không chỉ toàn một màu ảm đạm.
Không như những lời đồn đoán sẽ hụt thu ngân sách, cho dù thiếu nguồn thu mới phát sinh, kinh tế gặp khó, nhưng thu nội địa vẫn kịp chạm mốc 20.880 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong nói, thu ngân sách không cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn và luôn phụ thuộc vào Trường Hải (mà Trường Hải năm nay không tăng trưởng mạnh) là điều tất yếu...
Tuy nhiên, thu ngân sách vẫn đạt tiến độ, chi ngân sách bám sát dự toán, tiến độ thu, kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hậu quả thiên tai, dịch bệnh, không hụt các khoản chi tiêu nào... thì đã là thành công.