Bức tranh kinh tế xã hội của TP.Tam Kỳ năm 2012 vẫn có nhiều gam màu sáng như duy trì tốc độ phát triển ổn định và bền vững, cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư mạnh.
Một góc TP.Tam Kỳ . Ảnh: XUÂN PHÚ |
Tăng trưởng bền vững
Trước tình hình khó khăn chung, năm 2012 dù một số chỉ tiêu không đạt như kế hoạch đề ra nhưng TP.Tam Kỳ vẫn gặt hái nhiều thành quả nhờ nỗ lực cộng hưởng từ Đảng bộ, chính quyền đến các doanh nghiệp, doanh nhân và người dân. Những ngành kinh tế chủ lực của thành phố như công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ tiếp tục có bước phát triển nhanh, bền vững và đều có giá trị sản xuất tăng trên dưới 25% so với năm 2011. Trong giai đoạn mà rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất, thậm chí giải thể do khó khăn về tài chính, tiêu thụ sản phẩm hay sức mua giảm do “người người, nhà nhà thắt chặt chi tiêu”, việc tăng trưởng như trên của cả 2 ngành nói lên rất nhiều ý nghĩa.
Trên lĩnh vực thu - chi ngân sách, chưa thể hài lòng do không thể hoàn thành dự toán mà HĐND thành phố đặt ra hồi đầu năm nhưng vẫn vượt hơn 10% dự toán tỉnh giao, thể hiện nỗ lực của địa phương trong công tác quản lý, điều hành ngân sách. Trong khi đó, bất kể vướng mắc về nguồn vốn, việc đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư với hàng loạt dự án như đường trục chính khu công nghiệp Thuận Yên, chợ Tam Kỳ, các trục đường đô thị, khu dân cư, công trình trường học hay một số công trình do tỉnh đầu tư như cầu Kỳ Phú 1, Kỳ Phú 2. Cạnh đó, một trong những điểm đáng chú ý về công tác vệ sinh môi trường của thành phố là đưa vào khai thác bãi rác Tam Xuân, đồng thời đóng cửa bãi rác Tam Đàn. Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đảm bảo an sinh xã hội đặt ra từ đầu năm cơ bản thực hiện tốt. Sự nghiệp trồng người, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh vào cuối năm 2012, UBND TP.Tam Kỳ đã kiến nghị xem xét chỉnh sửa một số nội dung của Nghị quyết 191. Cụ thể, đề nghị tỉnh bố trí thêm 40 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng đường đô thị N10, 30 tỷ đồng cho đường Bạch Đằng (giai đoạn 2); đầu tư một số dự án lớn, trọng điểm như nâng cấp đường Trường Xuân đi hồ Phú Ninh, đường Bạch Đằng (đoạn từ nhà máy đèn đến đường Nam Quảng Nam), công viên ven sông Tam Kỳ, hạ tầng khu công nghiệp Tam Thăng, trường THPT Duy Tân. Điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế hiện nay theo hướng tăng thêm nguồn vốn cho địa phương như tăng tỷ lệ bổ sung tiền thuê đất một lần, tiền sử dụng đất một lần của các tổ chức trên địa bàn sau khi trích nộp vào quỹ phát triển đất từ 70% lên 100%; bổ sung kinh phí cho thành phố khi tỉnh sử dụng đất dự án của thành phố để xây dựng công trình, trụ sở; tăng định mức chi thường xuyên ở một số lĩnh vực có xét đến yếu tố đặc thù của đô thị tỉnh lỵ như sự nghiệp VHTT, TDTT, môi trường, an ninh quốc phòng. |
Nhìn nhận về tình hình phát triển của thành phố năm qua, ông Nguyễn Văn Lúa, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, dù chịu ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, khó khăn trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhưng thành phố vẫn đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, góp phần tăng trưởng một cách ổn định và bền vững.
Trăn trở hạ tầng đô thị
Cùng với phát triển kinh tế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.Tam Kỳ trong năm 2013 và những năm đến là tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2015. Những năm qua, Tam Kỳ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và địa phương cũng đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này. Không thể phủ nhận những thay đổi khá tích cực của bộ mặt đô thị so với cách đây vài năm. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở những “nét chấm phá” và chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình tăng tốc để hoàn thiện “bức tranh” đô thị trong tương lai.
Thời gian qua, người dân Tam Kỳ than phiền nhiều về tình trạng dở dang kéo dài và không khớp nối trong quy hoạch, nhất là các khu dân cư gây nên phiền toái như mưa ngập, thiếu nước sạch và tất cả trách nhiệm đều đổ dồn lên thành phố. Kiến nghị của người dân là không sai nhưng ít ai biết được rằng, phần lỗi lớn ở đây thuộc về chủ đầu tư các dự án. Theo báo cáo của UBND thành phố, đến nay mới chỉ có một dự án khu dân cư hoàn thành và bàn giao cho thành phố quản lý. Điều đó cho thấy, việc quản lý các khu dân cư trên địa bàn đang bị phân tán nhỏ lẻ nên thiếu sự đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, thành phố đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư và sớm bàn giao cho địa phương.
Rõ ràng, mong muốn của chính quyền và người dân thành phố là nhanh chóng phát triển đô thị, sớm hoàn thành mục tiêu khi thời gian chỉ còn không đầy 3 năm nữa. Do đó, ngoài nội lực địa phương cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lúa nhận định: “Với quá nhiều cái “không” hiện nay như không có quảng trường, công viên, bể bơi, nơi tập luyện TDTT, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, khu du lịch… thật khó để thành phố đầu tư phát triển nếu thiếu sự trợ giúp của tỉnh”. Cơ chế tạo điều kiện và nguồn lực cho Tam Kỳ phát triển qua 2 nghị quyết của HĐND tỉnh (Nghị quyết 104, ngày 29.4.2008 và Nghị quyết 191, ngày 20.4.2011), dẫu được coi là một bước đột phá, tạo cú hích cho thành phố, song thực tế cũng chưa có được những kết quả như mong đợi. Theo ông Nguyễn Văn Lúa, Nghị quyết 191 về cơ chế phát triển cho TP.Tam Kỳ phát huy tác dụng còn thấp, nhiều nội dung triển khai còn khá khiêm tốn, thậm chí không được thực hiện như hỗ trợ đầu tư dự án trọng điểm, quản lý quỹ nhà đất do các cơ quan của tỉnh không còn sử dụng, đầu tư dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, nguồn vốn kiến thiết thị chính ít. Vì vậy, để tạo thêm nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, giúp thành phố có điều kiện hoàn thành mục tiêu nâng cấp đô thị vào 2015, HĐND và UBND tỉnh cần có sự xem xét đánh giá, điều chỉnh, bổ sung cơ chế.
XUÂN PHÚ