Người Co ở Quảng Nam khoảng 4.500 người, sống chủ yếu ở các xã Trà Kót, Trà Giáp, Trà Nú (Bắc Trà My) và một số ít sống ở xã Tiên Lập (Tiên Phước), Tam Sơn, Tam Trà (Núi Thành).
Theo số liệu điều tra gần đây, dân tộc Co có số dân khoảng dưới 30.000 người. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (chủ yếu ở 2 huyện Trà Bồng, Tây Trà), dân tộc Co có hơn 24.500 người.
Trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc, người Co mang nhiều tên gọi phiếm xưng khác nhau như Cùa, Khùa, Của, Bồng Miêu, “Mọi Thanh Bồng”, “Mọi Trà Bồng”, “Mọi Trầu”, “Ta Kua” hay “Mọi Quế. Dân tộc Co còn bảo lưu một số giá trị, tinh hoa văn hóa như kiến trúc nhà ở; nghệ thuật diễn xướng dân gian, trang phục; lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực dân gian…
Trong văn hóa vật chất, nổi bật là kiến trúc nhà ở. Thuở xa xưa, mỗi làng người Co vốn cư trú trong một ngôi nhà sàn dài theo kiểu chung cư. Nhiều người gọi một cách hình tượng đó là “nhà tàu lửa”. Người Co gọi nhà đó là nhà xlúp có nghĩa là nhà chung. Nhà xlúp có mặt bằng hình chữ nhật, có hai cửa chính nằm giữa vách của bề ngang, có nối với hai cầu thang để lên xuống. Cửa trước và cửa sau thông nhau theo một hành lang giữa nhà, gọi là truốk. Truốk rạch đôi hai bên dọc theo chiều dài của nhà, một bên để rộng, gọi là gưl, là không gian sinh hoạt chung của cả làng, một bên được ngăn từng ngăn nhỏ, gọi là tum, là phần riêng dành cho từng gia đình. Với nét độc đáo về kiến trúc, nhà dài dân tộc Co đã được phục dựng tại Làng văn hóa dân tộc Đồng Mô (Hà Nội).
Lễ cưới dân tộc Co. Ảnh: TẤN VỊNH |
Trong hoạt động mưu sinh, người Co vốn rất rành về nghề đan lát các dụng cụ sinh hoạt gia đình như gùi, nong nia, chiếu.. Kho tàng ẩm thực với món ăn dân gian độc đáo, đặc biệt là các món cá suối, rau rừng, quả rừng như rau ranh ốc đá, cơm lam, rượu ché. Người Co trồng nhiều trầu (kwái) để ăn và để bán cho người Kinh. Trầu nguồn Trà Bồng, Trà My nổi tiếng trong người Việt đến mức từ xa xưa người ta cứ gọi người Co là người Trầu và tộc danh ấy tồn tại một thời gian rất dài. Giống như người Kinh, người Co thích dùng trầu, đàn ông, đàn bà, người già, thậm chí người trẻ cũng ăn trầu. Vì lá trầu ở đây rất ngon nên người Kinh mua trầu về bán, gọi là trầu nguồn. Thậm chí có người trồng trầu đổi được chiêng, nồi, quần áo. Trầu cau là thứ không thể thiếu trong các lễ hội, cưới xin, tang ma. Đặc biệt hơn nữa là cây quế, đó là cây trồng quen thuộc, đến nỗi nói đến người Co là nói đến cây quế. Ở vùng Co từ xa xưa quế được trồng thành rừng. Nhờ quế mà đồng bào có nhiều vật dụng cho sự sinh tồn của mình.
Trong văn hóa Co, lễ hội là một nhân tố nổi trội nhất. Lễ hội dân tộc Co là sự hội tụ cao độ của các tinh hoa văn hóa Co, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan toả trở lại cộng đồng. Tiêu biểu là Lễ cầu mưa (đớp mo hwýt go đhăk), Lễ ăn cơm mới (xa pâng đou), Lễ giả rạ (xa a-ní), Lễ hội ăn trâu (xa ố kpiêu)... Để trang trí làm đẹp cho không gian lễ hội, bên cạnh cây nêu cao vút ở ngoài sân, đồng bào Co còn chế tác, tạo dựng một vài cái gu bla (gu tròn) và lavan (gu dẹt) để treo phía trong ngôi nhà dài. Cùng với cây nêu, gu là đóa hoa tuyệt mỹ được tạo tác bởi tập thể nghệ nhân dân tộc Co. Nó chẳng những là vật phẩm để dâng lên các vị thần linh trong mùa lễ hội mà còn là vật dụng trang trí có giá trị thẩm mỹ cao làm đẹp cho không gian ngôi nhà dài. Đây là tác phẩm nghệ thuật trang trí dân gian đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Với người Co thì hầu như gia đình nào cũng có người biết nhạc và múa. Thế giới của âm thanh chừng như hiện diện ở nhiều nơi trong cộng đồng Co. Nhạc, múa, trò diễn của người Co là nét sinh hoạt có khi gắn với mục đích thực dụng như xua đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, có khi lại gắn với nghi lễ thiêng liêng. Đàn gắn với nhạc, với múa và trò diễn. Đồng bào Co vẫn giữ được các bộ trang phục truyền thống của dân tộc như khố, váy, áo..., các loại hình trang sức như vòng đồng, vòng bạc, chuỗi hạt cườm, đặc biệt là các loại trang sức bằng tua màu... Trang phục truyền thống của dân tộc Co là loại hình văn hóa dân gian thể hiện giao lưu văn hóa sâu sắc với các dân tộc cận cư như người Kinh, người Ca Dong...
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, tài sản văn hóa của dân tộc Co đang bị mai một nhanh chóng. Hiện nay, nhà dài Co không còn thấy ở chính quê hương của nó nữa mà chỉ được phục dựng lại ở một số nơi. Những tác phẩm mỹ thuật, trang trí dân gian ở ngôi nhà dài vào các dịp lễ hội như bộ gu, cây nêu thì rất ít nghệ nhân còn biết chế tác.
Tại Làng văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My đã xây dựng được một số công trình kiến trúc nhưng đã bị “bê tông hóa”, “tôn hóa”, không giữ được bản sắc dân tộc.
Để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Co như kiến trúc nhà cửa, cần xây dựng nơi trưng bày các vật dụng, hiện vật dân tộc học. Đồng thời, cần tổ chức các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa để giao lưu văn hóa với dân tộc Co ở Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi) và với các dân tộc khác trong vùng, đặc biệt là với dân tộc Xê Đăng và Ca Dong.
Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu cần tiếp tục triển khai thực hiện một số đề tài khoa học xã hội nhân văn về dân tộc Co. Tập hợp, khai thác các tư liệu, thư tịch về dân tộc Co đã xuất bản, phổ biến để làm tài liệu nghiên cứu về đời sống, văn hóa, lịch sử của dân tộc này.
TẤN VỊNH - CAO CHƯ