Sáng qua 2.4, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Tổng kết 30 năm đổi mới tổ chức Hội nghị góp ý nội dung tổng kết lý luận, thực tiễn “Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam” ở Quảng Nam.
Biểu diễn tuồng ở lớp trẻ - một hành động nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống. |
Hội nghị nhằm tổng kết lý luận - thực tiễn về vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam ở Quảng Nam qua 30 năm đổi mới, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và trong thực tiễn hơn 17 năm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam. Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ngô Văn Hùng chủ trì hội nghị.
Vóc dáng xứ Quảng
Ở vùng đất “đầu sóng ngọn gió”, “phên giậu phía Nam”, nên văn hóa Quảng Nam được chọn lọc, kế thừa, phát huy các yếu tố bên ngoài, kết hợp với văn hóa nội sinh bản địa, tạo ra những giá trị văn hóa vừa có cội nguồn từ nền văn hóa Việt Nam, vừa có sắc thái địa phương với những giá trị đặc trưng (văn hóa vật thể đến phi vật thể), có ảnh hưởng đến văn hóa khu vực miền Trung và cả nước. Từ đây, con người xứ Quảng đã biết kế thừa và phát triển “tô điểm” được đặc tính văn hóa riêng biệt của người Quảng Nam.
Ông Phan Văn Phờ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định: “Quảng Nam hay cãi” là tính cách đặc trưng của Quảng Nam hay bên cạnh yếu tố lúc nào cũng chọn lẽ phải làm cho con người Quảng Nam “trưởng thành” từ nhiều giai đoạn lịch sử. Tuy vậy, làm thế nào để hình thành nên “vóc dáng” con người xứ Quảng còn là một hành trình dài cần sự bồi đắp từ những giá trị văn hóa truyền thống và cả những nuôi nấng của tương lai. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Bích, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh bổ sung, bản sắc văn hóa Quảng Nam được hình thành từ nhiều vùng văn hóa khác nhau, mỗi vùng văn hóa lại có những đặc trưng, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khác nhau. Nhắc đến Quảng Nam, không thể thiếu vắng Mỹ Sơn, Hội An, những trận đánh lịch sử, những hội lễ truyền thống hay những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc.
Ông Nguyễn Bằng - Bí thư huyện ủy Đông Giang:Văn hóa miền núi mai một Sự mai một văn hóa của đồng bào miền núi, ngoài ý thức người dân, sự tác động của cơ chế thị trường, phần lớn còn do các chính sách triển khai, đầu tư về văn hóa. Chính điều này đã phá vỡ kiến trúc văn hóa truyền thống, phong tục văn hóa của đồng bào vùng cao. Ngay cả văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cũng bị ảnh hưởng. Nên đầu tư nguồn lực đúng mức cho văn hóa, đầu tư rõ ràng theo từng giai đoạn. Với báo cáo về văn hóa Quảng Nam, cần làm rõ thêm cái thần của văn hóa Quảng Nam, từ những đặc trưng vùng miền đến mối tương quan giữa văn hóa và con người đối với mỗi vùng đất. Hai điển hình là 2 di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đã chứng tỏ việc biết khai thác các giá trị văn hóa sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Trong các Di sản văn hóa thế giới, Hội An là một “di sản sống”. Đây là một thế mạnh về văn hóa cũng như vùng đất. Văn hóa Quảng Nam đặc trưng nhất phải nói đến 2 miền: văn hóa miền núi và văn hóa miền biển. Nếu làm rõ được đặc trưng văn hóa 2 vùng miền này thì chúng ta đã dựng nên được phần lớn bức tranh về văn hóa Quảng Nam. Văn học nghệ thuật cũng cần phải hình thành từ những tư liệu thực tế như vậy thì mới có những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. |
Đa số ý kiến tán thành theo dự thảo Báo cáo tổng kết lý luận – thực tiễn “Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam qua 30 năm đổi mới ở tỉnh Quảng Nam”, xác định mục đích phát triển nguồn nhân lực là nhằm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trực tiếp là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Bên cạnh xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, các đại biểu cũng đặt ra yêu cầu làm sao để tạo nên một “bức tranh” toàn cảnh về con người Quảng Nam từ quá khứ đến hiện tại, có vậy mới “dựng” được vóc dáng con người văn hóa Quảng Nam.
Phát triển văn hóa vì con người
Nhiều ý kiến cho rằng, trong xây dựng môi trường văn hóa, khoảng cách đời sống tinh thần và vật chất giữa đô thị với nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các tầng lớp nhân dân ngày càng gia tăng. Việc gắn kết xây dựng văn hóa và xây dựng nông thôn mới còn lúng túng. Thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đạt chuẩn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Trong khi đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển chưa đồng đều, chưa có tính bền vững. Theo nhiều đại biểu, việc thực hiện tái định cư ở miền núi một số nơi không phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào, bảo tồn trang phục, nghề dệt thổ cẩm chưa gắn với hoạt động, đời sống hằng ngày của đồng bào. Trên các lĩnh vực quản lý di sản, di tích văn hóa, lịch sử, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa… còn nhiều bất cập, chưa có chính sách hợp lý để phát huy mọi nguồn lực văn hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng điều đầu tiên và có thể khẳng định bản sắc của văn hóa Quảng Nam là yêu nước và cách mạng cùng những giá trị văn hóa khác rất tiêu biểu mang tính vùng miền rất rõ như vùng biển, vùng núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Cần xác định rõ vai trò của nhân dân trong phát triển văn hóa, xây dựng con người. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phải nằm trong không gian sống, do nhân dân bảo vệ, phát huy để đem lại lợi ích cho nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng văn hóa Quảng Nam rất đồ sộ, yêu cầu Ban biên tập nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại hội nghị, sắp xếp khoa học các sự kiện lịch sử, thêm tính khái quát đảm bảo đặc thù của Quảng Nam. “Thách thức với Quảng Nam hiện nay là phát triển bền vững, làm sao để đạt được tốc độ phát triển nhất định, luôn lấy yếu tố văn hóa làm đầu, làm gì để không bị ảnh hưởng từ tốc độ đô thị hóa, du lịch, thương mại tác động đến nền văn hóa. Thêm nữa chúng ta cần có sản phẩm mới để thu hút du khách đến Quảng Nam, đề cao bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường cần xây dựng nền tảng văn hóa trong con người, và phải nêu được điểm khác biệt giữa con người Quảng Nam với con người nơi khác. Ngay cả hội lễ truyền thống của tỉnh ta cũng có nét đặc sắc riêng, cũng là một phần trong đặc trưng văn hóa Quảng Nam. Do đó, báo cáo về văn hóa Quảng Nam sau 30 năm đổi mới cần phải tinh hơn, chắt lọc hơn, đưa ra những đặc trưng về văn hóa Quảng Nam, trong đó có những điểm khái quát, có biểu bảng, có danh mục những đề tài đã viết về văn hóa và con người Quảng Nam” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải nói.
LÊ QUÂN