(QNO) - Hôm nay 4.6, chương trình chất vấn được chờ đợi nhất đã được bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể “mở hàng” tại Hội trường Quốc hội. Hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm quản lý ngành trong các dự án BOT, các vụ tai nạn dồn dập của ngành đường sắt đã được các đại biểu gửi đến bộ trưởng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có tổng cộng 36 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu giơ biển với 21 lượt tranh luận với bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong quãng thời gian ngồi trên “ghế nóng” Quốc hội sáng 4.6. Chiều cùng ngày, bộ trưởng Bộ TN-MT cũng đã tiếp nhận được 18 câu, 8 tranh luận và vẫn còn 46 đại biểu muốn đặt vấn đề với bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Quá nhiều bức xúc về BOT
Giải trình về băn khoăn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về việc tại sao lại có chuyện kết quả kiểm toán thời gian thu phí BOT tại các trạm lại khác tới hàng trăm năm so với kết quả của Bộ GTVT đưa ra, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng các dự án BOT có nhiều phần phát sinh kinh phí lớn. Để minh bạch, Bộ GTVT đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để đối chiếu. Số liệu kiểm toán và số lượng quyết toán của Bộ GTVT tương đồng với nhau, thậm chí một số dự án kết quả quyết toán của Bộ GTVT còn thấp hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng Bộ GTVT phải áp dụng hệ thống thu phí không dừng ngay tại các trạm BOT để công khai, minh bạch chuyện thu phí, thời gian thu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng theo chỉ đạo về tiến độ mà Thủ tướng chính phủ đã đặt ra thì Bộ GTVT đã nhận thấy việc áp dụng trạm thu phí không dừng là hình thức thu phí công khai minh bạch nhất cần phải thúc đẩy nhanh tiến độ.
Một câu hỏi được đại biểu Quốc hội tâm đắc tại phiên chất vấn là việc đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi rằng các dự án BOT đã đặt sai vị trí, nhiều trạm dân không đi nhưng vẫn phải trả tiền, đại biểu Hàm đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT đưa phương án xử lý. “Bức xúc hiện nay là 17 dự án đặt thu phí sai, ba dự án này dân không đi vẫn phải trả tiền. Tôi thấy bộ trả lời theo kiểu dân chịu thì cứ thu?” – đại biểu Hàm nêu. Ngoài ra các đại biểu cũng nêu về tình trạng ngành đường sắt ít được đầu tư, hệ thống tàu, đường ray quá lạc hậu, quá nhiều đường dân sinh cắt ngang gây nhiều vụ tai nạn thảm khốc trong thời gian vừa qua.
Về câu hỏi liên quan đến thời gian thu phí ở trạm BOT này Bộ trưởng Thể cho rằng một số dự án do yếu tố lịch sử để lại. Các dự án khác thì quá trình làm đã có sự tham gia của các bộ, ngành nên bộ xem như việc đặt trạm đó là sự hợp lý, còn nếu muốn di dời thì cần phải có một khoản vốn rất lớn. “Toàn bộ những việc này chúng tôi thực hiện theo đúng trình tự, có sự tham gia của địa phương. Hiện nay để giải quyết các trạm BOT mà đại biểu nêu thì nguồn vốn rất khó khăn, rất khó để có tiền mua lại. Chúng tôi muốn đại biểu lấy biểu quyết, nếu Quốc hội cho thì chúng ta sẽ lấy tiền mua lại. Hiện giờ thì chúng tôi rất mong cử tri, đại biểu hết sức thông cảm cho bộ” – Bộ trưởng Thể nói.
Đại diện cho cử tri Quảng Nam, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề cập tới dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sau khi thi công đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất, sinh hoạt của dân. Tình trạng bồi lấp đất ruộng của dân diễn ra rất nghiêm trọng, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị từ 2007 nhưng tới nay tình trạng nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thể nói rằng hiện có một số đường làm ứ đọng nước, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì quan điểm của Bộ GTVT là cố gắng hạn chế hết sức. Những con đường nào đã làm xong mà ảnh hưởng tới bà con thì bộ sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục. “Riêng câu chuyện phát sinh ở cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì tôi sẽ trực tiếp đến Quảng Nam để kiểm tra và đưa ra giải pháp. Đối với các con đường gây ngập ứ thì quan điểm của bộ thì sẽ không bao giờ chấp nhận việc để làm đường mà hi sinh quyền lợi của dân, kinh phí khắc phục sẽ do chủ đầu tư đường bỏ ra” – bộ trưởng Thể khẳng định.
“Làm tốt hơn nhờ được... chất vấn”
Chiều cùng ngày, sau phiên của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã tiếp nhận “ghế nóng”. Bộ trưởng Hà nói rằng tại kỳ họp trước, ngành TN-MT đã nảy sinh rất nhiều vấn đề “có lúc tưởng chừng như không vượt qua được”. Tuy nhiên nhờ được đại biểu quan tâm, rồi yêu cầu bộ trưởng lên Quốc hội để chất vấn thì từ đó Bộ TN-MT mới đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm, thực hiện tốt chỉ đạo điều hành ngành.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) hỏi rằng hiện tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra, nhất là sông Đáy, sông Đồng Nai... ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào trong vấn đề này? Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) thì nêu tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra rất nóng bỏng, đề nghị bộ trưởng giải trình rõ. Ngoài ra tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra nghiêm trọng và Bộ TN-MT đã có giải pháp huy động nguồn vốn ra sao?
Về câu hỏi của đại biểu Hùng (Thái Nguyên) Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng có ba nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ nguồn thải từ các nhà máy, các khu công nghiệp. Vấn đề khó khăn nhất để giải quyết là hạ tầng đô thị rất yếu kém, nguồn lực đầu tư cho công nghệ xả thải còn rất hạn hẹp. Nhiều làng nghề xả thải không qua xử lý, cố gắng luồn lách và biến tướng... diễn ra phức tạp. “Về trách nhiệm thì chúng tôi thống nhất là địa phương nào có nguồn xả thải thì nơi đó phải chịu trách nhiệm. Riêng Hà Nội đang có cơ chế xã hội hoá, dự kiến 2020 tư nhân hoá trong việc xử lý thải sẽ trở nên phổ biến”
Về tình trạng sạt lở bờ sông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết một trong nguyên nhân dân đến tình trạng này là cát tặc lộng hành, diễn ra gây bức xúc cho dư luận, một mặt khác là việc đặt các công trình thuỷ lợi cũng đã ảnh hưởng dòng chảy.
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đặt câu hỏi: “Cử tri bức xúc về tình trạng vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp, đề nghị bộ trưởng đưa ra giải pháp. Hiện nay vi phạm quản lý đất đai như chậm đưa đất vào sản xuất, để đất bị lấn chiếm... Trách nhiệm của Bộ TN-MT như thế nào trong vấn đề này?”.
Về câu hỏi này, bộ trưởng Hà thừa nhận công tác quản lý đất đai đang là một vấn đề bộc lộ nhiều yếu kém. Quá trình quản lý chưa quyết liệt, việc sử dụng không đúng mục đích, đất đai bị lấn chiếm... vẫn xảy ra nhiều. Bộ trưởng đồng tình và đưa ra các giải pháp cần sớm rà soát quỹ đất, đối chiếu các quy định hiện hành để xử lý rốt ráo các dự án có sai phạm, sau khi thu hồi thì tổ chức đấu giá cho các nhà đầu tư có năng lực. Mặt khác thời gian tới cũng sẽ xem xét đánh giá thật thận trọng các nhà đầu tư trước khi giao đất.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) hỏi việc một số tổ chức lợi dụng việc nhập phế liệu vào sản xuất để tuồn chất nguy hại vào Việt Nam, việc kiểm soát của Bộ TN-MT như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hà nói tình trạng biến tướng nhập phế liệu là có, dù chúng ta đã có cơ chế kiểm soát nhưng có rất nhiều con đường tuồn về Việt Nam. Về hướng xử lý, ông Hà nói cần kiên quyết nói không với phế liệu độc hại, loại nào cần thì mới nhập về và cho kiểm soát kỹ, loại nào nguy hại thì kiên quyết từ chối. Song song với đó là chúng ta cần đầu tư công nghệ xử lý hiện đại để không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Đất ven biển giao cho doanh nghiệp, dân phải mất sinh kế Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) việc hiện các doanh nghiệp đang được giao đất ven biển làm mất sinh kế, đất đai của dân. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hà nói tình trạng này thời gian qua Đà Nẵng là nơi nóng bỏng nhất. Theo bộ trưởng, để giải quyết dứt điểm thì việc xử lý, siết lại kỷ cương là cần thiết. ‘Bờ biển là của chung, không phải sở hữu của tổ chức nào. Quan điểm của bộ là cần chấn chỉnh và lập lại quy hoạch. Nơi nào sai thì phải sửa, phải mở lối đi lại cho dân” – bộ trưởng Hà nói. |
KỲ DUYÊN