Bức xúc vì dự án treo, quy hoạch treo

BÌNH NGUYÊN 03/07/2019 14:49

Trên địa bàn TP.Tam Kỳ hiện nay có một số dự án chậm triển khai xây dựng và nhiều quy hoạch kéo dài thời gian thực hiện, gây khó khăn cho người dân về xây dựng nhà ở, sử dụng đất.

Nhà cửa của ông Lương Quang Thảo xuống cấp nhưng không sửa được vì nằm trong vùng dự án Khu phức hợp phúc lợi giáo dục Làng Hoa Sen Việt Nam. Ảnh: N.B.N
Nhà cửa của ông Lương Quang Thảo xuống cấp nhưng không sửa được vì nằm trong vùng dự án Khu phức hợp phúc lợi giáo dục Làng Hoa Sen Việt Nam. Ảnh: N.B.N

3 dự án tại 1 khối phố

Năm 2013, dự án Khu phức hợp phúc lợi giáo dục Làng Hoa Sen Việt Nam được phê duyệt và triển khai trên diện tích 7ha tại 2 khối phố Phú Sơn và Phú Phong (phường An Phú, TP.Tam Kỳ). Tuy nhiên đến nay dự án này mới được triển khai 1ha. Theo ông Lương Quang Thảo (một người dân địa phương), ông và 5 hộ dân khác có diện tích vườn và nhà cửa nằm trong quy hoạch này, đến nay vẫn chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Các hộ dân này đã có đơn đề nghị UBND thành phố giải tỏa để họ có điều kiện làm nhà mới, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Khi triển khai xây dựng một phần dự án Khu phức hợp phúc lợi giáo dục Làng Hoa Sen Việt Nam, đơn vị thi công đã san lấp mất đường giao thông của 6 hộ dân chúng tôi. Chúng tôi phải mở đường mới nhưng đi lại rất khó khăn. Nhà cửa xuống cấp nhưng UBND phường không cho phép xây sửa vì nằm trong quy hoạch của dự án. Nhiều gia đình có 3 thế hệ sinh sống nhưng cũng không tách hộ, tách thửa được. Riêng nhà tôi xây dựng từ năm 1989 và có công trình vệ sinh, chuồng heo, chuồng bò xuống cấp nhưng không thể sửa được. Tôi muốn tách thửa cho con cái cũng không được. Nhân dân rất bức xúc vì dự án treo này” - ông Thảo nói.

Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Hè cũng nằm trong quy hoạch của dự án này. Năm 2014, khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất, ông Hè đã để cho các nhà thầu thi công trên diện tích hơn 100m2 đất của ông nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. “Chúng tôi chấp hành chủ trương chặt cây cối sau khi đã kiểm đếm, rồi bàn giao đất thi công. Nhưng nhiều năm rồi không bồi thường cho tôi. Tôi cũng không thể xây sửa nhà cửa được do nằm trong quy hoạch” - ông Hè nói.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có dự án Khu phức hợp phúc lợi giáo dục Làng Hoa Sen Việt Nam, tại khối phố Phú Sơn còn có đến 2 quy hoạch khác đang triển khai dang dở, đó là quy hoạch Khu Trung tâm hành chính phường An Phú (phê duyệt năm 2009) và quy hoạch Khu dân cư tái định cư trung tâm phường An Phú (phê duyệt năm 2013). Cả hai quy hoạch này hiện vẫn chưa thực hiện xong khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Tuấn (một người dân ở khối phố Phú Sơn) nói: “Tôi đề nghị các cấp xem xét lại, nếu Nhà nước chưa có khả năng thực hiện các quy hoạch thì phải làm thế nào đó đảm bảo nhu cầu về nhà ở, đất đai cho người dân”.

Trao đổi với chúng tôi về dự án Khu phức hợp phúc lợi giáo dục Làng Hoa Sen Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch UBND phường An Phú xác nhận dự án này chỉ mới thực hiện 1ha. Còn quy hoạch trung tâm hành chính phường và quy hoạch khu dân cư tái định cư trung tâm phường chưa thực hiện xong và đang được đề xuất điều chỉnh.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Theo báo cáo từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ và Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thành phố, hiện nay Tam Kỳ đang triển khai thực hiện gần 40 dự án đầu tư xây dựng, chủ yếu là các công trình hạ tầng giao thông và khu dân cư, tái định cư. Ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ cho biết: “Một số dự án chậm triển khai thực hiện do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư”. Trong khi đó, báo cáo từ Phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 3 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) và 140 đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) đã được phê duyệt.

Trong đó, có 65 đồ án đã được đầu tư hoàn thành, 68 đồ án chưa thực hiện xong và đang được điều chỉnh, 7 đồ án không triển khai thực hiện và đề xuất hủy bỏ. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, do ngân sách hạn chế, việc thu hút đầu tư chưa đáp ứng kế hoạch nên các đồ án không thể triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ theo quy hoạch được duyệt. Các chủ đầu tư cũng chưa cụ thể hóa phân kỳ đầu tư nên không có kế hoạch thực hiện cho từng năm và từng giai đoạn dự án, dẫn đến tình trạng quy hoạch treo. Các quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chung thành phố, quy hoạch sử dụng đất thành phố còn chồng chéo về mục đích sử dụng đất dẫn đến phá vỡ quy hoạch xây dựng.

Trong các quy hoạch chưa thực hiện xong và đang tiếp tục đề xuất điều chĩnh, có nhiều quy hoạch tính từ thời gian phê duyệt và qua nhiều lần điều chính đến nay đã trên dưới 20 năm. Chẳng hạn, quy hoạch phân lô chi tiết đường Kỳ Phú - Phú Ninh (phê duyệt năm 1997), quy hoạch khu dân cư Sở Xây dựng (phê duyệt năm 1998), quy hoạch khu dân cư số 5 phường An Mỹ (phê duyệt năm 1998), quy hoạch khu dân cư số 6 phường Tân Thạnh (phê duyệt năm 1998), quy hoạch khu công viên Cồn Thị phường Phước Hòa (phê duyệt năm 2001)… Ông Trần Thanh Dương - Phó phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ nói: “Theo quy định, quy hoạch chi tiết 1/500 phải gắn với dự án cụ thể, sau 3 năm nếu không thực hiện phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh. Tuy nhiên có một số quy hoạch khó xóa bỏ được vì đã bồi thường một phần cho người dân”.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, trên địa bàn thành phố hiện nay có nhiều dự án, quy hoạch chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là việc xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, đối với những dự án, quy hoạch lâu dài, UBND thành phố có chủ trương giao cho các địa phương phối hợp với Phòng Quản lý đô thị rà soát lại từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào nhu cầu của nhân dân để giải quyết đúng nguyện vọng. “Như tại một số quy hoạch khu dân cư trong thời gian chưa có điều kiện triển khai thực hiện, thành phố có chủ trương cho các địa phương và cơ quan chức năng khảo sát để cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân” - ông Quang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bức xúc vì dự án treo, quy hoạch treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO