Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn

LÊ BÌNH TRỊ 31/01/2022 07:02

(Xuân Nhâm Dần) - Bùi Giáng là người con ưu tú của Duy Xuyên, "điên rực rỡ" ở Sài Gòn. Người Quảng ở Sài Gòn mỗi độ xuân về tết đến lại da diết nhớ ông - người lúc nào cũng đau đáu một Cố quận, và tuôn trào một Nguồn Xuân.

Ký họa chân dung Bùi Giáng - Trịnh Công Sơn. (Nguồn Internet)
Ký họa chân dung Bùi Giáng - Trịnh Công Sơn. (Nguồn Internet)

Năm nay dịch bệnh nhiều người không về quê ăn tết được nên có lẽ họ sẽ chào thăm “đồng hương” bằng một câu thơ của Bùi Giáng: "Xuân này em có về không/ Nhành mai cố quận trổ bông dịu dàng". Bùi Giáng sinh năm Bính Dần 1926 tại làng Thanh Châu, nay là xã Duy Châu. Xuân về nhớ ông, một người tuổi Dần lận đận, xin nhắc vài câu chuyện về ông.

Đồng tác giả một quyển sách

Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn là hai nhân vật đặc biệt, là hai hiện tượng “lạ lùng” trong nền văn học nghệ thuật nước ta, thuộc hai lĩnh vực khác nhau nhưng rất gần gũi nhau: thơ và nhạc. Không thấy tài liệu nào nói về mối “giao tình” giữa hai người nhưng chắc chắn họ có mối quan hệ “văn chương”.

Những cuộc gặp gỡ Bùi Giáng - Trịnh Công Sơn. (ảnh tư liệu)
Những cuộc gặp gỡ Bùi Giáng - Trịnh Công Sơn. (ảnh tư liệu)

Trong lời phi lộ của tác phẩm "Hán tự hài cú" (NXB Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh, năm 1994), tác giả Ngô Văn Tao cho biết: “Haiku là thể thơ phổ biến của người Nhật, chỉ gồm có ba câu với 5, 7, 5 âm, tổng cộng 17 âm. Haiku không có vần luật mà cốt ở thanh điệu và ý. Sau khi đọc một số Haiku và một ít sách về Thiền học, tôi nảy ra ý viết Haiku bằng Hán Việt…

Hai nhà thơ Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn đã bằng lòng chủ yếu bằng các câu lục bát, phỏng dịch hay phóng tác tùy theo hòa điệu thầm cảm…” (trang 5). Như vậy Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn chính là đồng tác giả (cùng Ngô Văn Tao) của tác phẩm trên. Hai ông đã dịch và phóng tác 144 bài Haiku viết bằng chữ Hán của Ngô Văn Tao, Bùi Giáng “phóng tác” 70 bài, còn lại là của Trịnh.

Đặc biệt có một số bài cả hai cùng phóng tác, qua đó người đọc có thể thấy được sự khác nhau trong “cảm nhận” của hai người. Xin được giới thiệu vài bài của từng người và hai bài có sự tham gia của cả hai người.

 

Bài 1:

Mỹ quan nhân sinh ý/ Trầm tư tịch mạc quán từ bi/ Vọng tầm tam cú kệ.

 (Ngô Văn Tao)

Từ bi tịch mạc trầm tư/ Vọng tầm câu kệ quán từ nhân sinh!

 (Bùi Giáng)

Bài 26:

Lữ thuyền vô ngạn đáo/ Thương hải vô biên chi nhất túc/ Vũ cương hoài viễn nhân.

 (Ngô Văn Tao)

Thuyền đi không bến bờ về/ Biển xanh vô tận lưới mù bủa giăng.

 (Bùi Giáng)

Bài 13:

Tây Hồ đô thị lai/ Tô Lịch ngạn biên tầm cổ gia/ Thiếu thời trung thiếu mộng.

 (Ngô Văn Tao)

Bên sông dấu cũ nhà xưa/ Những ngày thơ ấu dạ thưa mộng gì.

 (Trịnh Công Sơn)

Bài 40:

Viễn lộ tầm hoa hoa bất tại/ Phù vân phong thương thiên/ Tri âm nan khả kiến.

 (Ngô Văn Tao)

Tìm em xa ngái đường dài/ Mây cao núi lộng em mài miệt xa.

 (Trịnh Công Sơn)

Bài 62:

Dạ thâm tửu độc ẩm/ Ngoại song hạ vũ đơn thanh khẩu/ Sinh thoát sư nhất nhân.

 (Ngô Văn Tao)

Được Bùi Giáng “phóng tác”: Đêm sâu lăng lắc đợi chờ/ Ngoài kia vô tận mưa rơi ngại ngùng.

Và Trịnh Công Sơn: Mưa rơi lẻ giọt đêm khuya/ Rượu riêng ta rót sống thưa chết về.

Bài 100:

Nhân ái bồ đề tâm/ Bất sát sinh hành giới đạo tu/ Vị thế đồng nan khổ.

Bồ đề tâm tưởng nhâm nhâm/ Từ bi thâu hoạch can trường rụng rơi/ Cùng nhau một nỗi rối bời.

 (Bùi Giáng)

Hồng nhan đi với vô thường/ Nỗi đau ta giữ, đoạn trường ta hay.

 (Trịnh Công Sơn)

 

Trịnh Công Sơn “không hiểu” Bùi Giáng?

Trong lời phi lộ Ngô Văn Tao cũng đã viết: “Những ngày tháng bình thơ với Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn đã là những ngày tháng vô cùng hạnh phúc của đời tôi” (trang 6). Như vậy chắc chắn hai người đã có mối quan hệ “văn chương” với nhau. Thế mà Trịnh Công Sơn lại “không hiểu” Bùi Giáng.

Gần đây tác giả Đông Kha trong bài “Hoa hậu đầu tiên của miền Nam và câu thơ “còn hai con mắt khóc người một con” của Bùi Giáng” (nhacxua.vn) cho rằng: "Trong bài hát "Con mắt còn lại" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có câu hát: "Còn hai con mắt khóc người một con"… là lấy từ ý một câu thơ của Bùi Giáng trong bài "Mắt buồn" được in trong tập "Mưa nguồn" (Nxb Trang Phượng, năm 1964)".

Đông Kha cũng cho rằng: “Khi nghe bài hát "Con mắt còn lại", ai cũng hiểu nội dung của bài hát nói rằng có hai con mắt, dùng một con mắt để khóc người, còn con mắt còn lại thì “nhìn cuộc đời tôi…” và “nhìn cuộc tình phai…”.

Dáng xuân. (ảnh minh họa). Ảnh: L.T.K
Dáng xuân. (ảnh minh họa). Ảnh: L.T.K

Nhưng thực ra, ý của Bùi Giáng trong câu thơ trên đơn giản và chơn chất hơn rất nhiều chỉ với ý nghĩa là “Bùi Giáng dùng cả hai con mắt của mình để khóc cho người đẹp đã có một đứa con, là “gái một con trông mòn con mắt”.

Và “cô gái một con” mà Bùi Giáng khóc bằng cả hai con mắt (khóc trong sự tỉnh táo, khóc bằng cả trái tim) đó chính là hoa hậu đầu tiên của miền Nam, nữ nhà báo, tiến sĩ Sử học (sau này) Thu Trang. Bà vốn có tên thật là Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932.

Và tại sao Bùi Giáng lại khóc “người đẹp” bằng “cả hai con mắt”? Có hai lý do:

Thứ nhất Bùi Giáng yêu Thu Trang. Điều này được tác giả Đông Kha nêu hai dẫn chứng:

Bùi Giáng “đã cố ý lồng tên người đẹp Thu Trang vào câu thơ trong bài "Mắt buồn": "Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng/ Ầm TRANG sử lịch THU triền miên trôi”.

Trong một bài thơ khác mang tên Thu Trang của Bùi Giáng chưa công bố, sau này được nhà văn Bửu Ý chép lại cho Thu Trang có nội dung: "Trang của tờ giấy cũ/ Của vầng tóc ban đầu/ Trang của hồi vàng tụ/ Về mệt mỏi mai sau/ Anh nhớ em vô cùng/ Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/ Trang ồ Trang rất tê".

Thứ hai: Thu Trang của Bùi Giáng gặp phải “bi kịch” cuộc đời: Bà đã có con với một người đã lập gia đình sau “cuộc tình vụng trộm”. Ngày đó dư luận còn khắt khe, rất khó chấp nhận một người nổi tiếng như hoa hậu lại bị “chửa hoang”.

Từ những dẫn chứng như vậy, tác giả Đông Kha băn khoăn: “Như vậy có thể suy ra chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng “hiểu nhầm” ý của “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng trong câu thơ này chăng? Hoặc là có thể ông Trịnh Công Sơn chỉ mượn một câu thơ có ý tưởng độc đáo này để viết thành một bài hát có câu chuyện hoàn toàn khác của riêng ông”.

Có người thắc mắc lẽ nào giữa Trịnh và Bùi có quan hệ văn chương với nhau như phần trên đã đề cập nhưng khi lấy câu thơ của Bùi Giáng, Trịnh lại không hề xin ý kiến của Bùi Giáng để đến nỗi “không hiểu ý nhau”.

Có người lại bảo: Có thể Trịnh có “xin ý kiến” của Bùi Giáng nhưng “cụ” đã cười mà bảo: "Mi ưng chi cũng được, Trẫm bận đi tìm mẫu thân Phùng Khánh và Kim Cương nương tử”. Cũng có thể khi nghe hỏi cụ đã im lặng bỏ đi tìm… Trăng Tỳ hải, Sương Tỳ hải hay một Cố quận xa xôi nào đó!

Biết đâu, Bùi Giáng mà…!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO