Bụi mù bao vây TP.Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc)

QUỐC HƯNG 22/10/2013 14:17

TP.Cáp Nhĩ Tân vùng đông bắc Trung Quốc đang phải gánh chịu tình trạng bụi mù dày đặc bao quanh thành phố ngày thứ 3 liên tiếp…

Bụi mù khiến cho tất cả các trường học trong thành phố phải đóng cửa, các tuyến đường cao tốc hầu như bị tê liệt. Theo kết quả đo được vào sáng qua (21.10), mật độ PM 2.5 - các hạt lơ lửng trong không khí - vượt quá 500 microgram/m3 khiến cho tầm nhìn ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, hạn chế ở mức chưa đầy 50m. Ngay lập tức, các quan chức khí tượng học ban hành một báo động đỏ, mức độ cao nhất, vì màn mù dày đặc ở nhiều thành phố trong cùng tỉnh này. Dự đoán, tình trạng ô nhiễm không khí này sẽ tiếp tục hoành hành trong nhiều giờ tới. Ngoài ra, sân bay quốc tế Taiping ở Cáp Nhĩ Tân cũng ngưng hoạt động trong khi các quan chức giáo dục ra lệnh đóng cửa trường học. Nhiều người dân đi lại trong thành phố buộc phải chọn lựa đi bộ, hoặc dùng các phương tiện khác bởi bụi mù cũng khiến cho các xe buýt công cộng không thể hoạt động. Nhiều người dân Cáp Nhĩ Tân cho biết, tình trạng trở nên hết sức tồi tệ bởi bụi mù dày đặc không những cản trở nhiều hoạt động hằng ngày của người dân trong thành phố mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Theo thời báo Tân Hoa xã, mùa hè vừa qua, nhiều thành phố Trung Quốc đã phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm ôzôn rất nghiêm trọng.

Nhiều người dân Cáp Nhĩ Tân đi bộ nên lo ngại ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. (Ảnh: xinhua)
Nhiều người dân Cáp Nhĩ Tân đi bộ nên lo ngại ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. (Ảnh: xinhua)

Thống kê mới đây của Tổng cục Du lịch Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm không khí tiếp diễn tại rất nhiều thành phố đã khiến cho du khách đến với nước này sụt giảm. Cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới thuộc tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện xếp ô nhiễm không khí vào cùng nhóm nguy hiểm với thuốc lá, bức xạ tia tím và phóng xạ plutonium. Các nguồn gây ô nhiễm không khí bao gồm khí thải ô tô, các nhà máy điện, chất thải nông nghiệp, công nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Trích dẫn số liệu từ WHO cho thấy, trong năm 2010, có đến 223 nghìn người bị chết do ung thư phổi là hậu quả của ô nhiễm không khí. Thêm nữa, WHO cũng đưa ra bằng chứng thuyết phục ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Đáng chú ý, các chuyên gia đã phân tích kết quả của hàng nghìn nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Trong những năm gần đây, mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí đã tăng đáng kể tại một số vùng trên thế giới, nhất là ở những nước đông dân và có tăng trưởng công nghiệp nhanh, như Trung Quốc. Theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ung thư, cộng đồng quốc tế phải hành động nhanh chóng.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã công bố bản kế hoạch “mạnh tay” nhất từ trước đến nay để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xoa dịu lo ngại đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới sẽ giảm 10% chỉ số ô nhiễm không khí được đo bằng PM 2.5 tại tất cả các thành phố so với năm 2012. Để đạt được các mục tiêu này, Trung Quốc cam kết giảm sử dụng than đá 65% đến năm 2017. Thay vào đó, các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm hơn như gas và thủy điện sẽ được phát triển.

Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết, 300 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 500 tỷ USD) là số tiền Chính phủ Trung Quốc sẽ chi để giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí và nguồn nước tại các thành phố của quốc gia này trong nhiều năm qua.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bụi mù bao vây TP.Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO