"Bứng" gốc cái nghèo

BẢO TRÂN 10/11/2015 09:53

Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về loại trừ tình trạng nghèo cùng cực, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Quảng Nam từ một trong những tỉnh nghèo nhất, nay đã vươn lên vị trí trung bình của cả nước. Song, việc “bứng” triệt để cái gốc nghèo vẫn còn vướng mắc...

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

So với khu vực đồng bằng, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi của tỉnh hiện nay quá cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
So với khu vực đồng bằng, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi của tỉnh hiện nay quá cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không thể phủ nhận những nỗ lực lớn của Quảng Nam trong hành trình xóa đói giảm nghèo. Chỉ kể trong 5 năm qua, nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo đã hơn 7.000 tỷ đồng. Rất nhiều chương trình, dự án giảm nghèo của quốc gia và của tỉnh được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Thu nhập bình quân đầu người từ 11,2 triệu đồng (2010) lên 24,8 triệu đồng (2015); tỷ lệ hộ nghèo từ 24,1% năm 2010 xuống còn 12,1% cuối năm 2014, và ước dưới 9% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm hơn 2,8%.

Độ cách biệt

Tuy đạt được những thành tựu không nhỏ, song công tác giảm nghèo của Quảng Nam cũng phát sinh các vấn đề đáng quan tâm, có thể biến thành trở lực cho sự phát triển bền vững. Cụ thể là độ cách biệt về tỷ lệ nghèo và thu nhập. Khu vực thành thị hiện có thu nhập bình quân đầu người gấp 1,4 lần so với khu vực nông thôn và xu thế cách biệt ngày càng rộng hơn. Đáng nói là tỷ lệ nghèo của miền núi. Ở 9 huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 57,95% năm 2010 dự kiến còn 32% vào cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 5,19%; riêng các huyện 30a (Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn), bình quân mỗi năm giảm 5,4%. Song, so với khu vực đồng bằng và toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo như vậy là quá cao. Đấy là chưa kể, còn những hộ nghèo vươn lên cận nghèo nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, việc làm không ổn định nên rất dễ rơi vào trường hợp tái nghèo.

Chính phủ vừa ban hành Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Tiêu chí về thu nhập dự kiến sẽ tính chuẩn mức sống tối thiểu để xác định hộ nghèo là: từ 1.300.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị và 1.000.000 đồng/người/tháng ở nông thôn (hiện nay, chỉ số tương ứng là 500 và 400 nghìn đồng); chuẩn nghèo chính sách: từ 1.000.000 đồng/người/tháng trở xuống ở thành thị và 800.000 đồng/người/tháng ở nông thôn.

Để thúc đẩy giảm độ cách biệt nghèo, trong các năm qua, Quảng Nam đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ cho miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, nổi bật là các chương trình, chính sách của Chính phủ như 30a, 30b, 30c, Chương trình 135 giai đoạn III; xây dựng nông thôn mới; chính sách định canh, định cư; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Tuy nhiên, một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất còn dàn trải, trùng lắp về đối tượng, địa bàn (như Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới), định mức hỗ trợ và suất đầu tư thấp so với kế hoạch được duyệt, nguồn vốn phân bổ chưa kịp thời nên chưa phát huy được hiệu quả đầu tư. Nguồn vốn bố trí cho các xã thuộc Chương trình 135 chưa đúng suất đầu tư theo Quyết định 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy định 1,5 tỷ đồng/xã đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; 450 triệu đồng/xã đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhưng Trung ương chỉ bố trí 1 tỷ đồng/xã đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, 300 triệu đồng/xã đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất); nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 755 mới phân bổ 15/447,873 tỷ đồng được duyệt trong năm 2015, đạt tỷ lệ 3,35%.

Thiếu nguồn lực, hoặc đầu tư nhỏ giọt, khiến động lực kinh tế tạo cơ hội giảm nghèo bị chững lại. Nhìn trên bình diện của khu vực miền Trung và cả nước, công cuộc giảm nghèo của Quảng Nam sẽ còn nhiều thách thức. Bởi, hiện nay, so về thu nhập bình quân đầu người, Quảng Nam mới ở vị trí 40/63 và tỷ lệ hộ nghèo còn đứng thứ 17/63 tỉnh thành.

Chuẩn mới và  thách thức

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI đặt ra chỉ tiêu tới năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2 - 2,5%.

Mới nhìn vào, nếu tính toán một cách cơ học, với tỷ lệ nghèo hiện tại dưới 9%, mà mỗi năm giảm 2% thôi thì 5 năm nữa Quảng Nam sẽ... hết nghèo (?). Không đơn giản vậy! Vì cách tính chuẩn nghèo không phải như hiện tại. Dự kiến tiêu chí nghèo giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thay đổi, chuẩn nghèo không chỉ tính với tiêu chí thu nhập như hiện nay mà sẽ nâng lên và có nhiều tiêu chí hơn. Lâu nay, chuẩn nghèo chủ yếu dựa trên phương pháp xác định các nhu cầu chi tiêu tối thiểu, tuy nhiên, tình trạng nghèo không chỉ đơn thuần là về thu nhập mà còn là sự thiếu hụt, không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã thông qua nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm đời sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản. Nghĩa là có sự chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Có 10 tiêu chí xác định nghèo đa chiều bao gồm: trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, loại hố xí/nhà tiêu, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Ngưỡng để tính chuẩn nghèo đa chiều như sau: Trường hợp được coi là hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng nếu thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên; được coi là hộ nghèo đa chiều nếu thiếu từ 1/3 đến dưới 1/2 tổng số nhu cầu sống cơ bản; và là hộ cận nghèo đa chiều nếu thiếu từ 1/5 đến dưới 1/3 tổng số nhu cầu cơ bản.

Với 10 tiêu chí xác định chuẩn nghèo đa chiều, e rằng Quảng Nam và nhiều tỉnh sẽ tăng tỷ lệ hộ nghèo theo cách tính mới. Dự báo điều này nên tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015. Và, như vậy, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư hỗ trợ nhiều hơn cho số hộ nghèo, đồng thời nỗ lực của hộ nghèo cũng phải cao hơn.

Giải pháp từ chính sách

Về mặt chính sách, 5 năm qua, việc hỗ trợ thoát nghèo được thực hiện theo cơ chế Nghị quyết số 31/ 2011/NQ-HĐND tỉnh. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Một bộ phận người nghèo, cận nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách, không muốn hoặc chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Công tác điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số địa phương chưa chính xác. Chính sách tín dụng hỗ trợ thoát nghèo nhiều điểm chưa khả thi. Do vậy, tỉnh cần tổng kết Nghị quyết 31, đồng thời có nghị quyết thay thế để phù hợp với quy định về chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của Trung ương và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cần quan tâm phương thức hỗ trợ gián tiếp để tạo động lực cho hộ nghèo tự nguyện tham gia giảm nghèo một cách bền vững, hạn chế hỗ trợ trực tiếp như hiện nay để giảm thiểu tình trạng hộ nghèo trông chờ chính sách hỗ trợ nên không muốn thoát nghèo. Bên cạnh đó, cần quan tâm chính sách khuyến khích thoát nghèo như Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND từng triển khai.

Quảng Nam đã xây dựng chương trình giảm nghèo bền vững, xác định tiếp tục thực hiện đề án giảm nghèo và cơ chế khuyến khích thoát nghèo; ưu tiên chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp vào khu vực nông thôn, nông nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Khu vực miền núi, các xã bãi ngang ven biển cần tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ nhiều hơn. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp; nhà ở cho người nghèo, gia đình chính sách và người có công cách mạng. Giải quyết đất ở, đất sản xuất, việc làm đối với hộ nghèo bị thu hồi đất cho các công trình hạ tầng kinh tế xã hội. Đảm bảo 100% trường hợp thuộc diện cứu trợ xã hội thường xuyên được trợ cấp. Đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công. Bên cạnh đó, cần phát động phong trào hướng dẫn giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, huy động cộng đồng hỗ trợ để thực hiện công cuộc giảm nghèo...

Có thực hiện rốt ráo các biện pháp nêu trên mới hy vọng “bứng” được cái gốc nghèo, vươn lên thành tỉnh giàu trong khu vực, tỉnh khá của cả nước.

BẢO TRÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bứng" gốc cái nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO