(QNO) - Hai thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) kết nối bằng đường bộ, đường sông và đường biển. Tháng 11/2024, tuyến xe buýt quốc tế nối liền hai thành phố khai trương, cung cấp thêm lựa chọn giao thông cho người dân, thương nhân và khách du lịch giữa hai bên.
Kinh doanh xuyên biên giới
Chị Ngô Thị Thủy - người phụ nữ Việt Nam ngoài 30 tuổi đang chuẩn bị kiện hàng cuối cùng cho khách hàng Trung Quốc trực tuyến trước khi đóng cửa hàng.
Như nhiều người Việt Nam khác mưu sinh ở Đông Hưng - một thành phố biên giới nhộn nhịp ở Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), chị Thủy di chuyển dễ dàng trên các làn đường nhanh tại cảng biên giới, hòa mình vào đám đông đang trên đường về Móng Cái - một thành phố của Việt Nam nằm ngay bên kia sông Bắc Lôn.
Chị Thủy bắt đầu kinh doanh các mặt hàng đặc sản Việt Nam tại một cửa hàng do người Trung Quốc làm chủ tại chợ Vạn Trung vào năm 2016. Khi thương mại biên giới bùng nổ trong những năm gần đây, chị mở cửa hàng riêng vào năm 2018, phục vụ khách đa số người Trung Quốc cũng như khách hàng trực tuyến thường xuyên thông qua ứng dụng WeChat.
Giờ thông thạo tiếng Trung, công việc kinh doanh của chị Thủy tại Đông Hưng thuận lợi hơn. Ẩm thực và sản phẩm Việt Nam trở thành một phần thiết yếu của cộng đồng sở tại thông qua các chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh xuyên biên giới Việt - Trung.
Theo số liệu mới nhất, hơn 1.000 nhà cung cấp từ Việt Nam đăng ký với chính quyền địa phương Đông Hưng.
Tại cảng Đông Hưng, cư dân biên giới hưởng lợi từ các làn đường nhanh, cho phép làm thủ tục hải quan chỉ trong vài phút. Năm 2024, cảng ghi nhận khoảng 8,6 triệu lượt ra vào - tăng 54,6% so với năm trước đó.
Liên kết giao thông
Ông Geng Yanyi - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đông Hưng cho biết: "Tuyến xe buýt quốc tế không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân sống gần biên giới mà còn mang đến trải nghiệm mới mẻ cho khách du lịch".
Ông Đỗ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Móng Cái cũng nhấn mạnh tiềm năng của dịch vụ liên kết giao thông trong việc thúc đẩy thương mại và du lịch xuyên biên giới.
Ông Tuấn kỳ vọng sẽ có thêm các điểm dừng xe buýt ở phía Việt Nam và các chuyến xe buýt thường xuyên hơn để phục vụ tốt hơn cho cả người dân và khách du lịch qua biên giới.
Ngoài sầu riêng, các loại trái cây Việt Nam như dừa tươi chính thức được chấp thuận xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 8/2024, đang được vận chuyển từ các vùng nhiệt đới của Việt Nam đến nhiều nơi khác nhau của Trung Quốc...
Theo Công ty TNHH Tập đoàn đường sắt Trung Quốc chi cục Nam Ninh, năm 2024, các chuyến tàu liên vận Trung - Việt khởi hành từ Quảng Tây vận chuyển lượng hàng hóa đạt 19.670 container - tăng 1.153% so với cùng kỳ năm trước đó.
Dịch vụ đường sắt này, kết nối với các tuyến đường khu vực khác, cũng hỗ trợ vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc và Việt Nam đến châu Âu và các nước Đông Nam Á khác.