Bùng nổ thương mại xã hội tại Indonesia

QUỐC HƯNG 09/07/2023 14:41

(QNO) - Thương mại xã hội hay hình thức mua sắm hàng hóa thông qua các nền tảng mạng xã hội tăng mạnh khiến một số cửa hàng bán lẻ truyền thống tại nhiều quốc gia bao gồm Indonesia gặp khó khăn. 

 
Cảnh vắng vẻ tại một khu mua sắm từng sầm uất ở Jakarta. Ảnh: CNA 

Tại Jakarta (Indonesia), những dãy cửa hàng bỏ trống và đóng cửa là bằng chứng về tác động của đại dịch COVID-19. 

Chuỗi siêu thị Giant đóng cửa gần 400 cửa hàng chi nhánh vào năm 2021. Cùng năm đó, cửa hàng bách hóa Centro đệ đơn phá sản và đóng cửa tất cả 12 cửa hàng chi nhánh.

Ngay cả khi chính phủ Indonesia tuyên bố đại dịch COVID-19 kết thúc và dỡ bỏ tất cả hạn chế liên quan, tỷ lệ lấp đầy trung tâm mua sắm ở Jakarta vẫn không quay trở lại như trước khi xảy ra đại dịch.

Trong khi đó, Indonesia là quốc gia có nền kinh tế thương mại điện tử bao gồm thương mại xã hội phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Cô Hariyanti - chủ cửa hàng giày dép tại Jakarta cho biết ngay tại cửa hàng vào một ngày đẹp trời chỉ bán được tầm 20 đến 30 đôi giày/dép nhưng có thể bán cả 100 đôi mỗi ngày qua mạng xã hội. 

Widya Kusuma - người buôn bán khăn trùm đầu tại một gian hàng nhỏ bên trong trung tâm mua sắm ở ngoại ô phía Nam Jakarta từng than thở về công việc kinh doanh nhưng vận may đã đến với cô sau sự xuất hiện thương mại xã hội.

Đó là vào tháng 4/2021 khi TikTok chọn Indonesia để thử nghiệm tính năng thương mại mới: TikTok Shop, cho phép người dùng mua sản phẩm trong khi cuộn qua nguồn cấp dữ liệu video ngắn và phát trực tiếp vô tận của nền tảng.

"Trong khoảng thời gian ngắn, tôi bán được nhiều sản phẩm hơn so với trước đại dịch" - Kusuma nói và quyết định tập trung vào bán sản phẩm qua mạng. 

Hariyanti cho biết cô và nhiều chủ cửa hàng khác thường phát trực tiếp 2 tiếng mỗi ngày bằng điện thoại thông minh để thu hút khán giả từ các nền tảng khác nhau như TikTok Shop, Shopee và Instagram.

Bởi vậy, việc bán sản phẩm qua mạng xã hội như một chiến thuật sinh tồn để vượt qua ảnh hưởng của đại dịch và nay là sự bùng nổ mua sắm online đối với nhiều cửa hàng bán lẻ tại Indonesia. 

Ông Bhima Yudhistira Adhinegara - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và pháp lý (Celios) nói: "Không ai thực sự cần phải đến trung tâm mua sắm khi có thể mua hàng hóa một cách thuận tiện ngay tại nhà của mình". 

Chủ cửa hàng rao bán hàng qua mạng xã hội. Ảnh: CNA
Chủ cửa hàng Hariyanti rao bán sản phẩm qua mạng xã hội. Ảnh: CNA

Theo công ty tư vấn Momentum Works, nền tảng TikTok có khối lượng giao dịch đạt 4,4 tỷ USD trên khắp Đông Nam Á vào năm ngoái, tăng từ 600 triệu USD vào năm 2021.

Tháng trước, TikTok cho biết có 5 triệu doanh nghiệp Indonesia trên nền tảng này, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực trong vài năm tới vì hy vọng sẽ tăng gấp ba lần giao dịch lên 12 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, những trang mua sắm qua mạng internet lâu đời hơn như Shopee và Lazada lần lượt có giao dịch là 47,9 tỷ USD và 20,1 tỷ USD vào năm 2022.

Ông Alphonzus Widjaja - Chủ tịch Hiệp hội trung tâm mua sắm Indonesia thừa nhận một số trung tâm mua sắm truyền thống tại Indonesia phải vật lộn để thu hút khách hàng và người thuê như cải tạo nơi mua sắm thành một cơ sở hiện đại để mọi người ăn uống, mua sắm và dạo chơi.
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bùng nổ thương mại xã hội tại Indonesia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO