Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình đã thu hoạch 3.000ha lúa trên tổng diện tích hơn 8.300ha với năng suất ước đạt 58 - 60 tạ/ha. Tuy nhiên, những diện tích sắp thu hoạch đang bùng phát bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng khiến nông dân lo lắng. Nhiều cánh đồng đã bị cháy gần như toàn bộ và nông dân đang tính đến phương án thu hoạch sớm.
Bao năm gắn bó với việc sản xuất lúa, chưa năm nào, ông Nguyễn Văn Mỹ, ở khu phố 4, thị trấn Hà Lam chứng kiến cảnh rầy gây hại nhiều như năm nay. Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là 1ha lúa của ông sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng cả tuần qua ông đứng ngồi không yên khi mỗi ngày ra thăm đồng lại thấy diện tích lúa bị rầy gây hại càng lan rộng.
“Mấy bữa còn ít, con rầy ở dưới gốc nhưng mấy ngày nay cứ dần dần phát triển ra làm cây lúa chết cháy. Toàn bộ diện tích của gia đình tôi bị nhiễm rầy, chỉ là có nơi ít nơi nhiều. Cứ như vậy, chắc chắn năng suất sẽ giảm rất nhiều” - ông Mỹ nói.
Bà Nguyễn Thị Sen, ở khu phố 5, thị trấn Hà Lam, mấy ngày qua cũng không khỏi lo lắng khi chỉ cách một ngày thăm đồng mà diện tích rầy đã bùng phát quá nhanh, lúa bị vàng và ngã rụi hết. Bà ước tính năng suất lúa vụ này giảm đến 50%.
Tính chung trên toàn huyện Thăng Bình hiện có 157ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, trong đó có 35ha nhiễm nặng. Diện tích bị nhiễm rầy phân bố rải rác ở các xã vùng đông và vùng trung như Bình Tú, Bình Trung, Bình Phục và thị trấn Hà Lam. Ban đầu chỉ bị rầy ở gốc, sau đó lan ra cháy rụi cả cây, một số diện tích bị cháy chòm và thậm chí cháy cả đám.
Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, trước khi lúa trổ, trung tâm đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con phòng trừ nhưng rất khó. Bởi, đặc điểm của rầy là mật độ tăng rất nhanh do có sự xen lứa với nhau. Đặc biệt hơn, ở những giống như KD18 hay TB25 và những nơi gieo sạ dày, cộng với thời tiết nắng nóng, một số chân ruộng bị khô hạn dẫn đến rầy rất dễ phát triển gây hại.
“Giai đoạn này lúa đang từ chín sữa đến chín hoàn toàn. Qua theo dõi, nhận thấy mật độ tấn công của rầy nhanh và nhiều nên chúng tôi chỉ đạo nông dân với những ruộng lúa đã chín được 80% nên thu hoạch sớm. Còn lại, với mật độ rầy từ 1.500 - 2.000 con/m2, xuất hiện theo từng ổ thì nông dân sử dụng thuốc đặc hiệu phun khống chế không để lây lan diện rộng. Đặc biệt lưu ý thời gian cách ly để đảm bảo an toàn trước khi thu hoạch. Trước khi phun, nông dân nên đưa nước vào ruộng ở mức 3 - 4cm để tiêu diệt được nhiều rầy” - ông Quảng khuyến cáo.