Con người sống trên đời kiểu gì cũng sẽ bị ràng buộc với một nơi chốn hay con người nào đó. Chỗ mình đi về, ăn cơm, nằm ngủ, bực bội cãi cọ, đá thúng đụng nia. Khi đã là thân thuộc, sẽ rất khó mà dứt đi.
Má tôi là con một.
Má đi lấy chồng. Ông bà ngoại rủ rỉ có nhau. Tuy hơi cô quạnh nhưng vẫn đầm ấm, tình cảm lắm. Ông ngoại thương và chiều bà hết mực. Bà ngoại đau đầu, nhức chân là ông hì hụi đạp xe xuống chợ Đồng Dài mua thuốc, mang về dỗ uống.
Ông ngoại về trời năm 82 tuổi. Lúc đó bà mới 72.
Từ đó, bà ngoại tôi sống một mình.
Căn nhà ba gian cũ của ông bà phá bỏ và xây mới gọn lại còn một gian thờ, bếp thông phòng khách và buồng ngủ. Lúc xây lại căn nhà đó, chúng tôi mong bà có thể yên tâm đóng cửa, cài then để về nhà sống với má và anh chị ba, lâu lâu về thăm, hương khói và thờ cúng ông bà.
Thậm chí, nếu ngoại muốn, má sẽ thỉnh bàn thờ ông ngoại về ngôi nhà riêng của chúng tôi để ngoại gần gũi hương khói cho ấm lòng.
Nhưng sau rất nhiều lý do viện dẫn, ngoại tôi vẫn sống một mình, suốt hai mươi năm nay.
Là con cháu, chứng kiến ông bà mình đơn chiếc hẳn nhiên không phải là điều dễ chịu. Vì dù ngoại chỉ có mình má nhưng má tôi có 5 đứa con. Chỉ là lớn lên chúng tôi sống xa gia đình từ sớm. Giờ chỉ có anh trai và chị dâu về quê lập nghiệp, quây quần với má sớm hôm.
Nhiều lúc giữa bữa cơm gia đình đông vui, ngồi nhắc tới ngoại lại chạnh lòng vì tuổi già không có con cháu kề cận. Nhưng mọi lý do đều không thể thuyết phục được bà bỏ nhà cửa, vườn tược, mồ mả ông bà, hương khói bàn thờ tổ tiên để về sống với má và anh chị tôi.
Những lúc trái gió trở trời, đau yếu bệnh tật, ngoại mới chịu cho đưa đi bệnh viện, rồi về nhà tôi dưỡng bệnh mươi bữa nửa tháng. Khỏe ngoại lại về. Về nhà của ngoại!
Những đứa trẻ sống xa nhà chúng tôi khi có ông bà, cha mẹ già yếu sống đơn chiếc, cảm giác vừa lo lắng, thỉnh thoảng bất an. Đâu đó lẩn khuất nỗi buồn, sự bất lực lẫn áy náy vì không tròn hiếu đạo.
Nhất là những buổi chiều sau mùa tết đoàn viên, tôi về thăm ngoại lần cuối trước khi quay trở lại thành phố mưu sinh.
Ngồi bên chái thềm ngó con đường trước ngõ hiu hắt bóng người, tôi luôn có cảm giác con người mình cứ bị bẻ ngược thành đoạn ngắn, đoạn ngắn.
Lúc chào ngoại tôi còn cười cười như không, nhưng đi khỏi ngõ là nước mắt rớt mát lạnh gò má.
Giống như một cái cây, càng lớn lên càng già tháng già ngày thì gốc rễ càng bám sâu vào lòng đất, bao bọc, khư khư yên ổn. Không muốn di dời. Không muốn thay đất, bọc rễ, rời xa cội gốc cũ kỹ. Dù nơi mới khang trang, rộng rãi hơn.
Ngoại có cội rễ của ngoại. Như tôi càng về già, càng nặng nợ với một nơi chốn mới, là cội rễ của tôi.
Những đứa con cháu như tôi trên trần đời này không ít đâu. Và bọn tôi cứ đành phải vô tâm làm những cái cây non, nương tựa vào triền đất mới để gầy dựng cuộc đời riêng cho mình.
Nhưng không thể vì thế mà miễn cưỡng bắt những gốc “cổ thụ” của đời mình như ngoại phải dời cội rễ. Nếu cứ cưỡng ép dịch chuyển, cứ muốn bứng cây khỏi chậu, dần dà chúng ta còn đâu là quê để trở về?
Thì người già, cần yên ở nơi chốn mình quen thuộc. Như một cái cây cần được nguyên cội rễ trong chậu, bám trụ nơi ụ đất cũ xưa của mình, vẹn nguyên vậy, để cứ thế mà gửi mình một mai rời cõi tạm. Không tàn cỗi đi. Không rời rạc. Chỉ có thật sự an ổn và luân hồi!