(Xuân Quý Mão) - Với mục tiêu trở thành giảng viên đại học, Nguyễn Viết Ngọc (SN 1993) tin rằng du học là một trong những con đường tốt nhất. Nhưng khát vọng từ thời sinh viên đó chỉ dừng lại ở dự định. Sau 4 năm làm việc ở Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, anh nhận thấy, để có bước chuyển trong sự nghiệp thì cần phải đi du học.
Năm 2020, Ngọc nộp hồ sơ và đậu 4 học bổng toàn phần của chính phủ Thụy Điển, Ireland, Bỉ và Anh. Ngọc nói, quyết định chọn học ở Viện Karolinska, Stockholm, thủ đô Thụy Điển vì đây là trường y tế top 10 thế giới, có chất lượng giáo dục và nghiên cứu rất tốt, và cũng là nơi trao giải Nobel Y học của thế giới. Ngọc vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ Dịch tễ học với tấm bằng xuất sắc ở Viện Karolinska. Hiện, anh làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về Dịch tễ dược lâm sàng, Khoa Y, Viện Karolinska.
* Ai đó nói, hạnh phúc là trên đường đi chứ không phải đích đến, nhưng tôi muốn bạn chia sẻ về những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn sau khi có bằng tiến sĩ?
- Nguyễn Viết Ngọc: Tôi đang trong năm nhất của chương trình nghiên cứu sinh 4 năm về Dịch tễ dược lâm sàng. Vạn sự khởi đầu nan nhưng gian nan tôi không nản! Tôi đang cố gắng học tập và nghiên cứu để trau dồi cả chất và lượng cho mình. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, kế hoạch ngắn hạn của tôi là tiếp tục làm việc ở Thụy Điển một vài năm với vị trí postdoctoral researcher (nghiên cứu sau tiến sĩ).
Về lâu dài, tôi sẽ về Việt Nam và hy vọng được tiếp tục làm giảng viên ở Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh để thỏa đam mê giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng. Thông qua giảng dạy và nghiên cứu về sử dụng thuốc trong điều trị, tôi muốn đóng góp phần nhỏ vào việc cải thiện hiệu quả điều trị các bệnh mạn tính cho người bệnh ở Việt Nam.
Từng báo cáo luận văn thạc sĩ tại Hội nghị Tim mạch học châu Âu - ESC Congress 2022 ở Barcelona, Tây Ban Nha, được xem là hội nghị về tim mạch lớn nhất thế giới, Ngọc chia sẻ rằng, đó là kỷ niệm và cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của anh.
Tham dự và báo cáo tại hội nghị giúp cập nhật nhiều kiến thức như các hướng dẫn điều trị mới, các thuốc mới, và các thực hành tối ưu hóa chăm sóc sức khỏe người bệnh tim mạch.
Ở hội nghị, Ngọc có cơ hội kết nối với một số thầy cô và bạn bè quốc tế cùng hướng nghiên cứu. Những kiến thức và mối quan hệ này sẽ giúp ích cho anh trên con đường nghiên cứu trong tương lai. Và Ngọc hy vọng những kết quả nghiên cứu của anh sẽ hữu ích đối với thực hành lâm sàng.
* Bạn từng nhận 4 học bổng toàn phần của các chính phủ Thụy Điển, Ireland, Bỉ và Anh. Đây là những học bổng danh giá. Bạn nói lại quá trình săn học bổng của mình một chút. Biết đâu, đó là kênh tham khảo tốt cho những người trẻ có khao khát và ước mơ như Ngọc.
- Nguyễn Viết Ngọc: Về hành trình tìm và săn học bổng, trước hết tôi xác định rõ mong muốn, mục tiêu, điểm mạnh và điểm yếu của mình. Sau đó tận dụng nhiều kênh thông tin khác nhau (thầy cô, anh chị đi trước, mạng xã hội, web trường, web đại sứ quán...) để tìm các học bổng. Tôi liệt kê các học bổng và trường đủ điều kiện nộp. Sau đó, nghiên cứu tiêu chí đánh giá và lựa chọn ứng viên của các học bổng để xác định những học bổng mà tôi có khả năng đậu cao.
Bước tiếp theo là chuẩn bị hồ sơ và là bước khó nhất, tốn thời gian nhiều nhất. Trong hồ sơ, tôi phải làm nổi bật điểm mạnh và thể hiện sự phù hợp với tiêu chí của học bổng qua kinh nghiệm, thành tích, đóng góp bằng số liệu cụ thể.
Khi viết thư động lực, tôi phải trả lời các câu hỏi như mục tiêu nghề nghiệp là gì? Tại sao tôi muốn học ngành này? Tại sao tôi xứng đáng nhận học bổng? Kế hoạch ngắn hạn, dài hạn trong tương lai là gì? Tôi đóng góp được gì cho xã hội, cho sự phát triển bền vững?
Tôi nghĩ quan trọng là trả lời đi thẳng vào vấn đề, có liên hệ với kinh nghiệm/trải nghiệm bản thân, và trình bày các ý một cách logic, mạch lạc. Kinh nghiệm của tôi về chuẩn bị hồ sơ là chuẩn bị càng sớm càng tốt, phải thực sự hiểu bản thân và học bổng, cần đọc nhiều tài liệu, các bài chia sẻ từ anh chị đi trước, đồng thời nhờ ít nhất 1 - 2 người có kinh nghiệm và tiếng Anh tốt để góp ý.
Khi làm việc ở Việt Nam, Ngọc tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ y tế làm việc trong hệ thống điều trị nghiện ma túy ở các tỉnh miền Nam. Hay những buổi tuyên truyền, tư vấn về tác hại và phòng chống ma túy ở nhiều trường cấp 3 và các tổ chức cộng đồng ở miền Nam.
Thời còn sinh viên ở Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Ngọc tham gia và tổ chức các phong trào đoàn hội, chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện để hỗ trợ trẻ em khuyết tật. Những hoạt động đó giúp Ngọc rất nhiều khi thực hiện hồ sơ du học.
Từ năm 2020, sau khi đậu học bổng du học, với mong muốn giúp đồng môn tìm và nộp học bổng, Ngọc thường tư vấn và hỗ trợ vấn đề này. Gần đây Ngọc tổ chức workshop chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng giúp nhiều bạn trong nước tiếp cận các kênh du học ngành Y Dược ở châu Âu và được sinh viên hưởng ứng, tương tác rất lớn.
* Nỗ lực luôn là quá trình bền bỉ. Bạn đã đạt nhiều kết quả mong đợi nhờ không ngừng học tập và làm việc. Và suốt hành trình đó, tôi như luôn cảm thấy có bóng dáng mẹ đi theo bạn.
- Nguyễn Viết Ngọc: Tôi sinh ra và lớn lên ở An Bàng, Hội An. Gia đình, đặc biệt là mẹ, luôn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho tôi. Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, tốt bụng và hết lòng vì gia đình, con cái.
Mẹ đã làm việc vất vả cả đời, từ bán mắm, bán chè, công nhân phơi cá đông lạnh, cho đến sau này có quán kinh doanh ở biển An Bàng, để cùng ba lo kinh tế cho gia đình và cho 4 chị em tôi ăn học. Mẹ lúc nào cũng dạy tôi phải khiêm tốn, hòa nhã và kính trọng mọi người.
Năm 2016, ngay trước lúc tôi tốt nghiệp đại học ở TP.Hồ Chí Minh, mẹ tôi bị chẩn đoán mắc ung thư phổi. Gần 3 năm điều trị với nhiều đợt hóa trị và xạ trị, mẹ qua đời vào tháng 4/2019. Mẹ đã rất kiên cường trong quá trình điều trị.
Bây giờ nghĩ lại, những năm tháng chăm mẹ ở bệnh viện là những ngày đau buồn nhưng cũng là những ngày hạnh phúc nhất. Sự mất mát này chính là động lực rất lớn cho tôi quyết tâm đi du học vì không chỉ là ước mơ của riêng tôi, mà là của cả mẹ. Mẹ luôn muốn nhìn tôi trở thành một thầy giáo thành công.
* Cảm ơn những chia sẻ của bạn! Chúc bạn gặt hái thành công trên chặng đường phía trước!