Bước chuyển của ngành y tế

NAM VIỆT 10/07/2015 10:35

Ngành y tế Việt Nam vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chính thức ghi nhận với những thành tựu vượt bậc.

Đến nay, nhiều người dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã được tiếp cận đầy đủ hơn với thuốc men điều trị, cải thiện sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (từ 60 xuống còn 40/1.000 trẻ) và tiếp tục hưởng ứng chương trình sức khỏe toàn dân của quốc gia. Những thành tựu đạt được nhờ nỗ lực lớn của chính phủ nói chung, ngành y nói riêng, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân cùng với sự tài trợ của ADB.

Vào khoảng những năm 2000, khi đó đội ngũ bác sĩ và y tá ở Trung tâm Y tế huyện Đắc Hà (Kon Tom) phải vật lộn với nhiều khó khăn từ việc thiếu hụt thuốc men, trang thiết bị y tế, nhân viên và nhất là thói quen tự chữa trị bệnh của người dân tại nhà. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến tại khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đơn cử như nhiều người vẫn tin rằng bệnh tật là do “ma ám” hay chưa ý thức hết được tình trạng thiếu thốn các điều kiện vệ sinh có thể gây bệnh.

Nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Pleiku vui mừng vì bệnh nhân được chăm sóc và điều trị bệnh tốt hơn. (Ảnh: ADB)
Nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Pleiku vui mừng vì bệnh nhân được chăm sóc và điều trị bệnh tốt hơn. (Ảnh: ADB)

Để thay đổi thực trạng trên, Chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương phối hợp và nhận tài trợ của ADB trong dự án chăm sóc sức khỏe tại miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2004 - 2010. Dự án nhằm thiết lập trung tâm thông tin, giáo dục và truyền thông tại các bệnh viện của khu vực, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các điều kiện vệ sinh. Ngoài ra còn thông báo đến từng hộ về lợi ích khi được chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh với các phương pháp y khoa hiện đại. Nhân viên y tế tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng được tham gia đào tạo chuyên ngành từ dự án trên. Hơn nữa, từ nguồn ngân sách Chính phủ Việt Nam, ADB và Chính phủ Thủy Điển, một số bệnh viện, trung tâm xử lý rác thải y tế, trường học chuyên ngành y được xây dựng tại khu vực.

Cũng trong tháng 6 vừa qua, Việt Nam được WHO cấp chứng chỉ sản xuất vắc xin cho thế giới. Việt Nam là nước thứ 39 được nhận tiêu chuẩn này trong số 44 nước có sản xuất vắc xin trên thế giới. Đó là nhờ vào Việt Nam có một hệ thống quản lý vắc xin quốc gia được trang bị đầy đủ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của vắc xin do Việt Nam sản xuất và sử dụng, có đủ điều kiện để tiền thẩm định trước khi xuất khẩu.  Hiện Việt Nam đã có thể sản xuất được nhiều loại như vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, lao, bại liệt… Trước mắt, 4 loại vắc xin của Việt Nam - viêm não Nhật Bản B, sởi, viêm gan A, viêm gan B - có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng đặt hàng với số lượng lớn để cung cấp cho các chương trình tiêm chủng quốc gia trên thế giới.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chuyển của ngành y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO