Bước chuyển “dân vận khéo” ở Thăng Bình

Việt Quang 08/11/2019 11:08

Trong 10 năm qua (2009 - 2019), phong trào thi đua “dân vận khéo” trên địa bàn huyện Thăng Bình đạt được nhiều kết quả khả quan.

Mô hình dân vận khéo vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh. Ảnh: V.Q
Mô hình dân vận khéo vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh. Ảnh: V.Q
 Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, huyện Thăng Bình đã xây dựng được 125 mô hình dân vận khéo. Đó là các mô hình phục vụ sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ... Đặc biệt, phong trào đã đi vào các lĩnh vực mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, qua đó giúp người dân liên kết, trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm phục vụ sản xuất tốt hơn. Tùy tình hình thực tiễn, từng địa phương đã chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch, chọn địa bàn để triển khai thực hiện các mô hình dân vận khéo. Tiêu biểu như các mô hình góp vốn quay vòng, tổ phụ nữ tiểu thương, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi heo bằng trùn quế,  trồng nấm rơm, nuôi cá lóc trải bạt trên cát, nuôi cá lồng bè… Đặc biệt, đã có những mô hình dân vận khéo vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh như mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển hay chân biển, chân bờ.

Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể của huyện quan tâm. Năm 2009, mô hình dân vận khéo đầu tiên là toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai tại thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên. Đến năm 2019, toàn huyện đã có 362 mô hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều mô hình có hiệu quả cao đã được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện như thắp sáng đường quê hay thu gom rác thải đều được triển khai ở 22/22 xã, thị trấn. Các mô hình dân vận khéo đã có hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Ông Võ Tấn Thuận - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, để thúc đẩy phong trào thi đua dân vận khéo, các cấp ủy đảng cần thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc phong trào; đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, qua đó khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể các cấp cần thực hiện tốt tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Đồng thời, các cơ quan cần thực hiện tích cực, sáng tạo gắn với thực tiễn ở cơ sở và nhiệm vụ mỗi địa phương, đơn vị. Huyện Thăng Bình sẽ tiếp tục triển khai phong trào thi đua “dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thiết thực với các hoạt động của Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chuyển “dân vận khéo” ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO