Bước chuyển diệu kỳ

XUÂN PHÚ 06/04/2015 09:41

Cách đây 40 năm, Tam Kỳ chỉ là thị xã nhỏ bé, nửa quê nửa phố. Sau ngày tái lập tỉnh, Tam Kỳ chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị loại 3 và hiện nay đang phấn đấu để vươn lên thành phố loại 2…

Thương mại dịch vụ “lên ngôi”

Trong mắt những người sống lâu năm ở Tam Kỳ, thị xã nhỏ bé như lòng bàn tay từng là tỉnh lỵ Quảng Tín trước ngày giải phóng, sau 40 năm xây dựng đã có sự phát triển đến không ngờ. Ông Phan Văn Tâm ở phường Hòa Hương, cho rằng TP.Tam Kỳ hiện tại có sự khác biệt “một trời một vực” so với thời điểm cách đây 40 năm. “Không như bây giờ phố xá thênh thang đi cả ngày không hết, đèn điện sáng trưng khi màn đêm buông xuống, trước năm 1975, Tam Kỳ chỉ có ít nhà cửa tập trung trên tuyến đường Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân và Huỳnh Thúc Kháng. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Thương mại dịch vụ hầu như không có gì ngoài một vài nhà buôn nhỏ tập trung tại ngã ba Nam Ngãi và trên các tuyến phố” - người đàn ông đã  bước sang tuổi 70 chia sẻ.

Cửa ngõ phía bắc giúp diện mạo đô thị Tam Kỳ trở nên khang trang hơn.
Cửa ngõ phía bắc giúp diện mạo đô thị Tam Kỳ trở nên khang trang hơn.

Tam Kỳ giờ đây mang trên mình trọng trách lịch sử với vai trò là trung tâm tỉnh lỵ và điều này đã giúp cho địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao cuộc sống người dân. Từ một địa phương mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay nền kinh tế đã dịch chuyển mạnh với sự “lên ngôi” của ngành thương mại dịch vụ khi doanh thu năm 2014 đạt hơn 6.700 tỷ đồng. Hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi với 546 doanh nghiệp thương mại dịch vụ, gần 8.000 hộ kinh doanh. Các cơ sở dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch có sự phát triển nhanh với trên 110 khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ. Dịch vụ này cũng đang nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Mường Thanh với tổ hợp khách sạn và dịch vụ tại 101 Huỳnh Thúc Kháng có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An với nhà nghỉ Tam Thanh, Công ty CP Thương mại và dịch vụ Biển Vàng với khu nhà hàng, khách sạn tại Tam Thanh…

Cầu Kỳ Phú 1 & 2 nối nhịp vùng đông và khu vực nội thị. Ảnh: X.P
Cầu Kỳ Phú 1 & 2 nối nhịp vùng đông và khu vực nội thị. Ảnh: X.P

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng đã có những bước đột phá và ngày càng thể hiện vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế của TP.Tam Kỳ với 78 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, 1.390 hộ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo ra giá trị sản xuất hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2014. Ngoài Cụm công nghiệp Trường Xuân và Khu công nghiệp Thuận Yên, hiện khu công nghiệp Tam Thăng có diện tích 200ha giai đoạn 1 đang được tích cực triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, mở đường cho việc phát triển công nghiệp ở vùng đông. Trong khi đó, không còn chăm bẵm cây lúa và một số cây lương thực, thực phẩm có giá trị kinh tế thấp, từ năm 2007 nền nông nghiệp thành phố đã bắt đầu dịch chuyển theo hướng một nền nông nghiệp đô thị, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo. Đến nay, trên địa bàn đã quy hoạch nhiều vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất rau sạch, nuôi trồng thủy sản. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất gắn kết với tiêu thụ sản phẩm tạo ra sự phát triển bền vững, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thành phố chuyển mình

Công trình văn hóa cấp quốc gia là Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ tạo sức hút và kết nối các điểm tham quan du lịch ở vùng đông TP.Tam Kỳ gồm bãi biển Tam Thanh - Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và Di tích lịch sử cách mạng địa đạo Kỳ Anh. Cùng với đó, Quảng trường 24.3 được đầu tư nâng cấp phục vụ tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội lớn của tỉnh; đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân thành phố và cả tỉnh.
Những công trình được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương năm nay, kể cả các công trình cấp tỉnh như Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh hay Bảo tàng Quảng Nam đều mang nhiều ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế xã hội của đô thị tỉnh lỵ.

Một trong những công trình được khánh thành vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương vừa qua, công trình đoạn quốc lộ 1 đi vào cửa ngõ phía bắc TP.Tam Kỳ có một ý nghĩa khá đặc biệt khi tạo dấu ấn riêng cho bộ mặt của đô thị tỉnh lỵ. Để có được cửa ngõ đẹp và hoành tráng này, TP.Tam Kỳ đã bỏ ra 13 tỷ đồng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giúp đoạn đường dài 797m này thay vì chỉ rộng 25,5m như các tuyến quốc lộ 1 khác, được mở rộng lên thành 52m với lối đi riêng dành cho xe mô tô, gắn máy, xe đạp. Cửa ngõ đẹp đã tạo ấn tượng cho người dân và du khách trước khi bước vào nội đô, nhất là thành phố đang hoàn tất những tiêu chí cuối cùng để trở thành đô thị loại II. Trong khi đó, cầu Kỳ Phú 1 & 2 lại mang một ý nghĩa khác. Ông Trần Phiên (phường An Phú) đang thả bộ trên cây cầu vừa hoàn thành đúng vào ngày kỷ niệm giải phóng quê hương 24.3, cho biết ước mơ của người dân lâu nay về cây cầu mới thay thế cây cầu cũ xuống cấp nặng nề để đi lại thuận lợi đã trở thành hiện thực. “Trước đây, mỗi lần có việc đi qua cầu là tim tôi giật thót vì cầu rung lắc mạnh khi có xe tải chạy qua. Bây giờ đã có cầu Kỳ Phú 1 & 2, người dân các xã vùng đông và nội thị qua lại dễ dàng” - ông Phiên bày tỏ.

Tam Kỳ vươn mình mạnh mẽ kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay. Bên cạnh nền kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị cũng đã có những bước chuyển mình nhanh chóng. Cửa ngõ phía bắc và cầu Kỳ Phú 1 & 2 là 2 trong số nhiều dự án, công trình mới nhất đã góp phần không chỉ làm thay đổi diện mạo của TP.Tam Kỳ mà còn là động lực cho chặng đường phát triển sắp tới. Năm 1997, Tam Kỳ chỉ có duy nhất trục “xương sống” Phan Châu Trinh - Phan Bội Châu, nay có thêm đường Hùng Vương và Nguyễn Hoàng tạo thành 3 trục chạy song song. Ở trục đông - tây nối nội thị với vùng đông, hiện có 3 tuyến đường thông thoáng khá thuận lợi cho việc đi lại là trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Lê Thánh Tông, đường Thanh Hóa (Nam Quảng Nam) và đường Tam Kỳ - Tam Thanh. Nhiều khu dân cư, công trình phục vụ dân sinh được hình thành, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Đáng chú ý nhất là Tam Kỳ từ một thị xã nhỏ bé, trở thành thành phố vào năm 2005 và đang hoàn tất những tiêu chí cuối cùng để lên đô thị loại II. Còn trong tương lai, theo quy hoạch chung vừa công bố cuối năm 2014, sẽ xây dựng Tam Kỳ thành đô thị xanh, phát triển không gian đô thị sẽ mở rộng về phía Bắc (khu vực Tây Bắc), phía Nam (khu vực phường Hòa Hương và An Sơn gắn với không gian phát triển ven sông Tam Kỳ) và phía đông sông Bàn Thạch. Để tạo cú hích cho phát triển đô thị về phía đông, trung tâm hành chính TP.Tam Kỳ mới cũng sẽ được xây dựng tại khu đô thị mới gắn với trung tâm thương mại dịch vụ dọc tuyến Điện Biên Phủ nối dài, Lê Thánh Tông và khu vực Sông Đầm.

Hôm nay đi trên những cung đường thênh thang chạy dọc ngang thành phố, ít ai nghĩ rằng thị xã Tam Kỳ nhỏ bé ngày nào lại có được sự đổi thay diệu kỳ đến như vậy! Và không dừng lại ở đó, diện mạo mới của đô thị Tam Kỳ đang mở ra trước mắt với rất nhiều kỳ vọng.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chuyển diệu kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO