(QNO) - Các công ty khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực FinTech tại Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ quỹ đầu tư mạo hiểm của các công ty nước ngoài.
Một không gian làm việc chung của các start-up tại Việt Nam. Ảnh: TechNode |
Trang công nghệ TechNode vừa cho biết, quỹ đầu tư cho các công ty start-up Việt Nam tăng mạnh 46% vào năm 2016, đạt mức 205 triệu USD, tăng từ 137 triệu USD của năm 2015. Theo thống kê của TOPICA Founder Institute - chương trình huấn luyện start-up tại Việt Nam dưới sự kết hợp của tổ hợp giáo dục TOPICA và Founder Institute (chương trình huấn luyện start-up tại thung lũng Silicon - Mỹ), các start-up trong lĩnh vực FinTech chiếm đến 129 triệu USD, hơn 60% trong tổng số vốn đầu tư mạo hiểm cho start-up.
Trong cuộc cách mạng thông tin và kỹ thuật số, FinTech - thuật ngữ được dùng để chỉ các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, vay nợ, gây quỹ, quản lý tài sản, bảo hiểm… giúp cung cấp cho người tiêu dùng nhiều dịch vụ tiện tích nhanh chóng và hiện đại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, chỉ riêng trong năm 2016, đã có tới 20 start-up tham gia lĩnh vực FinTech.
Việt Nam - thị trường năng động và tiềm năng với 2/3 dân số của hơn 90 triệu người dưới 35 tuổi và nắm bắt sự phát triển của công nghệ thông tin rất nhanh, ngày càng trở thành sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều start-up chọn điểm đến là các thành phố lớn và đông dân như Hà Nội (có khoảng 7,5 triệu nhân khẩu) và TP.Hồ Chí Minh (8,4 triệu nhân khẩu). Năm ngoái, M-Service, một trong các công ty đi tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ về thanh toán thương mại điện tử thông qua điện thoại di động tại Việt Nam nhận được quỹ đầu tư mạo hiểm 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và từ Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs có trụ sở tại New York (Mỹ).
Tương tự, Payoo, một sản phẩm của Tập đoàn Dịch vụ trực tuyến VietUnion, một công ty dịch vụ ví điện tử được thiết kế để hỗ trợ người dùng trong mua, bán và giao dịch trực tuyến thu hút số quỹ đầu tư mạo hiểm từ một tập đoàn công nghệ thông tin lớn ở Nhật Bản là NTT Data nhưng số tiền đã không được tiết lộ. Vào cuối năm 2016, Tập đoàn Truyền thông VMG chuyển nhượng toàn bộ cổ phần (62,25%, trị giá 34 triệu USD) tại Công ty CP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY) cho Công ty Đầu tư UTC (Hàn Quốc), tạo cơ hội cho VNPT EPAY phát triển thêm các dịch vụ thanh toán mới cũng như mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
Appota - một start-up tiên phong trong lĩnh vực xây dựng các nền tảng công nghệ cho điện thoại di động tại Việt Nam nhận gần 10 triệu USD từ hai quỹ đầu tư của Hàn Quốc là Korea Invesment Partners (KIP) và Mirae Asset Venture Investment. Hay quỹ đầu tư Champion Crest của Tập đoàn Credit China FinTech Holdings Limited - một nhà cung cấp dịch vụ tích hợp FinTech có trụ sở ở Hồng Kông đã chi 12,73 triệu USD để sở hữu số lượng cổ phần lớn tại Công ty CP Công nghệ Bằng Hữu (Amigo).
Theo thống kê, tổng đầu tư vào lĩnh vực FinTech toàn cầu năm 2016 đạt 20 tỷ USD, so với 15 tỷ USD của năm 2015. Dự báo trong vòng 3-5 năm tới, số tiền đầu tư trong lĩnh vực này sẽ lên tới 150 tỷ USD. Đó là thị trường hấp dẫn cho các công ty dịch vụ tài chính mới, các start-up Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài.
NAM VIỆT