"Bước chuyển" tư duy kinh tế từ rừng

KHÁNH NGUYÊN 23/06/2023 21:46

(ĐS 21/6) - Ở vùng cao, bây giờ, rừng được xem là nguồn lợi chính giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Từ rừng, những vườn cây dược liệu được trồng mở rộng và phát triển với môi trường thiên nhiên, cho giá trị kinh tế cao, tạo nên “bước chuyển” mới trong tư duy canh tác theo hướng bền vững.

Những năm gần đây, việc trồng xen canh dược liệu dưới tán rừng đã giúp nhiều hộ dân miền núi ổn định cuộc sống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những năm gần đây, việc trồng xen canh dược liệu dưới tán rừng đã giúp nhiều hộ dân miền núi ổn định cuộc sống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Giàu lên nhờ rừng

Trong số những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở vùng cao mà tôi từng gặp, tất cả đều thừa nhận, họ giàu lên là nhờ rừng. Từ trồng keo, chuối, lòn bon cho đến các loài cây dược liệu, những mô hình kinh tế vùng cao hiện nay đều gắn với câu chuyện chuyển đổi phương thức canh tác mới dưới tán rừng, đem lại giá trị kinh tế bền vững từ rừng.

Hôm nọ, tôi gặp Hồ Thị Mười, cô gái người Ca Dong ở xã Trà Mai (Nam Trà My) với gần 20 năm kinh nghiệm trồng và kinh doanh sâm Ngọc Linh cùng các loại dược liệu bản địa đặc trưng khác.

Không còn là ý tưởng ấp ủ nữa, Mười bây giờ đã là Giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh, tạo điều kiện hỗ trợ chị em phụ nữ địa phương cùng tham gia hoạt động kinh tế kiểu mới đầy sáng tạo.

Hơn 9ha rừng được thuê để trồng sâm Ngọc Linh, chị Mười nói, lợi ích cộng đồng luôn đặt lên hàng đầu. Vì thế, công tác bảo vệ rừng được triển khai mạnh mẽ giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò và ý nghĩa thiết thực trong việc khai thác giá trị kinh tế mới từ rừng.

“Mục đích của tôi, đơn giản lắm, chủ yếu là đồng hành và tạo điều kiện giúp người dân trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác dưới tán rừng. Khai thác hiệu quả dược liệu, chúng tôi kết nối hình thành sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị cung ứng thị trường tiêu thụ, giúp nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu trên quê hương mình.

Ngoài ra, sự kết nối này cũng mang lại hiệu quả cao trong việc gắn kết cộng đồng, xây dựng ý thức bảo vệ rừng và phát triển sâm Ngọc Linh hài hòa, bền vững với môi trường tự nhiên. Đây cũng là cơ hội lớn để hình thành thêm một hình thức khai thác hiệu quả kinh tế mới từ sâm theo hướng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm phục vụ du khách” - chị Mười chia sẻ.

Hồ Thị Mười không là cá biệt ở núi. Những năm gần đây, từ việc thay đổi phương thức canh tác mới, nhiều hộ dân đã bắt đầu làm quen với việc đầu tư phát triển kinh tế mới từ rừng.

Từ Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang cho đến Phước Sơn, Nam - Bắc Trà My, những hộ đồng bào giàu lên nhờ các mô hình sinh tế dưới tán rừng ngày càng nhiều hơn. Như Alăng Den (xã Jơ Ngây, Đông Giang); Bhling Miêng (xã Tr’Hy, Tây Giang); Arất Diêu (xã Chà Vàl, Nam Giang)… với các mô hình trồng rừng kết hợp dược liệu, hình thành nên các điểm du lịch sinh thái thu hút du khách. Đây thực sự là “bước chuyển” mang lại nhiều kỳ vọng cho hành thoát nghèo ở miền núi những năm gần đây.

Tư duy kinh tế mới

Những đặc ân của tự nhiên giúp người dân đổi dần cách nghĩ trong tư duy phát triển kinh tế, làm du lịch. Hướng đi này, bây giờ đang được vận hành và nhân rộng, trở thành mô hình sinh kế kết hợp không chỉ giúp nhiều diện tích rừng được bảo vệ, mà ngày càng có nhiều hộ dân đổi đời, làm giàu chính đáng.

Hồ Thị Mười - người phụ nữ Ca Dong làm giàu bằng tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hồ Thị Mười - người phụ nữ Ca Dong làm giàu bằng tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Dù phải bỏ ngang giảng đường đại học vì điều kiện kinh tế gia đình, nhưng Arất Diêu - một thanh niên Cơ Tu ở xã Chà Vàl (Nam Giang) vẫn không bỏ cuộc hành trình làm kinh tế kiểu mới.

Áp dụng các kiến thức học được ở Trường Đại học Nông lâm Huế, Arất Diêu tìm cách đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng xen canh nông sản theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”.

Sau thời gian miệt mài trồng và phát triển rừng gỗ lớn, Arất Diêu có trong tay gần 6ha rừng trồng nguyên liệu, giúp chuyển đổi tư duy làm kinh tế rừng sinh thái một cách phù hợp và hiệu quả.

“Đam mê trồng rừng nên gần 4 năm nay, vợ chồng tôi đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn nhằm chuyển đổi tư duy sống dựa vào rừng. Trong đó, chú trọng khai thác giá trị kinh tế dưới tán rừng bằng cách trồng xen canh dứa, đậu xanh lòng và một số loài cây hoa màu khác.

Từ việc kết hợp này, hằng năm gia đình tôi thu hoạch nông sản theo từng mùa vụ, rồi kết nối đưa ra thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống bền vững” - Arất Diêu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, những năm qua, tại địa phương xuất hiện nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có mô hình kinh tế hiệu quả từ rừng. Bỏ dần lối canh tác cũ manh mún, nhiều thanh niên sau thời gian ra ngoài học tập kinh nghiệm, trở về quê áp dụng các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp đầy mới mẻ.

“Ngoài trồng rừng gỗ lớn, nhiều hộ thanh niên địa phương tự nghiên cứu, nhân giống và gieo ươm thành công các loài cây đặc hữu của vùng như rang ray, tiêu rừng, ớt sim…, tạo cơ hội khai thác hiệu quả giá trị kinh tế từ rừng, giúp nâng cao thu nhập, khích khích cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương miền núi” - ông Chương nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bước chuyển" tư duy kinh tế từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO