(QNO) - Qua 3 năm (2022 - 2024) triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống người dân miền núi Quảng Nam có bước khởi sắc rõ nét, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đây là nội dung đánh giá được đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, diễn ra vào chiều nay 25/12, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và Phó ban Dân tộc tỉnh Hà Ra Diêu chủ trì.
Nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tại hội nghị, ông Hà Ra Diêu - Phó ban Dân tộc tỉnh cho biết, giai đoạn 2022 - 2024, Quảng Nam được phân bổ vốn hơn 2.384 tỷ đồng triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong đó, vốn Trung ương hơn 1.991 tỷ đồng; vốn địa phương hơn 277 tỷ đồng và vốn vay hơn 115 tỷ đồng. Đến nay, 100% vốn được phân bổ để triển khai thực hiện 10 dự án của chương trình. Tính đến 30/11/2024, đã giải ngân gần 1.427 tỷ đồng, đạt 60% theo kế hoạch.
"Sau gần 3 năm thực hiện, chương trình đạt được một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh đề ra. Đồng bào các DTTS có nhiều thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên" - ông Diêu chia sẻ.
Theo ông Diêu, kết quả nổi bật của chương trình, là thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20 triệu đồng/người (năm 2020) lên 24,3 triệu đồng/người vào năm 2024. Đồng thời đẩy nhanh được tốc độ giảm hộ nghèo đồng bào DTTS, bình quân mỗi năm giảm 9-10%.
Trên cơ sở phân cấp quản lý đầu tư giúp cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi thay đổi rõ rệt, nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đến nay, nguồn vốn chương trình giúp bê tông hóa đường giao thông từ thôn lên xã, từ trung tâm xã đến trung tâm huyện. Trường học, trạm y tế cấp xã được xây dựng kiên cố đạt; hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,5%...
Mạnh dạn phân cấp cho địa phương
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, chương trình này đang đặt ra tham vọng quá lớn, tích hợp hơn 20 chính sách về phát triển vùng đồng bào DTTS - miền núi, với 10 dự án động lực. Do vậy, thời gian đầu, nhiều mục tiêu dự án gặp nhiều vướng mắc, nhất là công tác giải ngân ở các địa phương miền núi.
Theo ông Trung, việc UBND tỉnh đồng ý thí điểm phân cấp cho UBND huyện Phước Sơn trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 theo Nghị quyết số 111 của Quốc hội là một chính sách đột phá, giúp địa phương chủ động linh hoạt trong tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả các chương trình.
Đây cũng là cơ hội giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao; đồng thời phân bổ nguồn lực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Từ hiệu quả của địa phương, ông Trung đề nghị tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm phân cấp, giao cho các huyện tự quyết định thực hiện chương trình mục tiêu thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS - miền núi giúp giải quyết các yêu cầu bức thiết trong nhân dân, nhất là về đời sống sản xuất, sắp xếp, ổn định dân cư, chuyển đổi nghề,...
Theo ông Trần Anh Tuấn, qua 3 năm triển khai thực hiện trình, đặc biệt là lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ý thức, năng lực của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi của tỉnh.
"Với nguồn lực đầu tư lớn từ các chương trình đã tạo ra cơ hội để miền núi "thay da đổi thịt", góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống sinh kế, đầu tư phát triển hạ tầng, kể cả năng lực trong công tác quản lý lãnh đạo của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn" - ông Trần Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, nhất là giải vấn vốn hằng năm. Vì thế, ông Trần Anh Tuấn đề nghị, thời gian tới, các địa phương, đơn vị phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý nguồn vốn, điều hành năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị: