Bước đệm thoát nghèo bền vững

DIỄM LỆ 07/12/2013 09:03

Đề án Thí điểm chính sách khuyến khích thoát nghèo tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2015 sẽ là một trong những nội dung trình Kỳ họp lần thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII xem xét. Những hộ nghèo và người làm công tác giảm nghèo ở các địa phương đều rất mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ này.

Thưởng thực chất

Theo nội dung đề án Thí điểm chính sách khuyến khích thoát nghèo được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở ngành cùng xây dựng, xã nghèo, thôn nghèo thoát nghèo sẽ được thưởng bằng công trình, hộ nghèo thoát nghèo được thưởng bằng chính sách rất thiết thực. Đối tượng mà đề án áp dụng là các xã nghèo đặc biệt khó khăn được đầu tư theo Chương trình 135 và Chương trình 257 thuộc diện đầu tư tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg; các xã có tỷ lệ nghèo cao từ 15% trở lên nếu đạt các tiêu chuẩn theo quy định và thoát nghèo theo đăng ký thì được thưởng. Phần thưởng bằng công trình cần thiết cho cộng đồng trên địa bàn xã với trị giá theo các mức thưởng như: xã có tỷ lệ nghèo từ 15 - 20% là 300 triệu đồng/xã, xã có tỷ lệ nghèo từ 20 - 25% được 400 triệu đồng/xã, xã có tỷ lệ nghèo từ 25% trở lên thưởng 500 triệu đồng/xã. Đối với thôn nghèo đặc biệt khó khăn, thôn có tỷ lệ nghèo cao trên 30% đăng ký và thực hiện được việc giảm nghèo sẽ được thưởng các công trình trị giá từ 100 - 300 triệu đồng tùy theo tỷ lệ giảm nghèo theo quy định.

Hộ nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số rất cần được khuyến khích thoát nghèo nhằm thoát khỏi tư tưởng ỷ lại.Ảnh: DIỄM LỆ
Hộ nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số rất cần được khuyến khích thoát nghèo nhằm thoát khỏi tư tưởng ỷ lại.Ảnh: DIỄM LỆ

Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, mức thưởng đối với địa phương bằng công trình cần thiết cho cộng đồng sẽ giúp địa phương có điều kiện giúp người dân thoát nghèo. Đối với hộ nghèo mà thoát nghèo theo đăng ký, sẽ được Nhà nước trợ giúp với nhiều chính sách liên quan đến việc giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Đối với hộ nghèo thoát nghèo theo đăng ký và đạt được các tiêu chuẩn theo quy định, đề án sẽ trợ sức, tạo động lực bằng nhiều chính sách. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ mua và cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế người nghèo trong 2 năm liên tục sau thoát nghèo; miễn học phí cho học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3, 4, 5 tuổi theo mức 120 nghìn đồng/em/tháng (9 tháng/năm); cấp bù học phí cho sinh viên học chính quy, trường công lập theo quy định trong 2 năm liên tục; được tiếp tục vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh hoặc đi xuất khẩu lao động với lãi suất vay bằng lãi suất vay của hộ cận nghèo, mức vay tối đa 20 triệu đồng/hộ (trong vòng 36 tháng); được thưởng 1 lần bằng hiện vật (vật tư, con giống, cây trồng) với giá trị tương ứng 2 triệu đồng/hộ. Hộ thoát nghèo còn được chính quyền các cấp tuyên dương, khen thưởng để những hộ nghèo khác học tập, noi theo.

Cần chính sách hậu thoát nghèo

Theo đề án, mỗi năm sẽ vận động khoảng 2.500 hộ nghèo/12.500 nhân khẩu tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững và không tái nghèo từ 3 năm trở lên kể từ năm 2013. Phấn đấu đến cuối năm 2015, có 14 thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực II và 22 xã nghèo đặc biệt khó khăn khu vực III đăng ký thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 24 thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao (từ 30% trở lên) và  20 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (từ 15% trở lên) đăng ký đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo theo quy định của đề án. Đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh còn dưới 10%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 5%. Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2013 - 2015 hơn 151 tỷ đồng.

Bà La Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don (huyện Nam Trà My) cho biết, đối với người nghèo vùng núi cao như xã Trà Don, việc vận động người dân đăng ký thoát nghèo vô cùng khó khăn. Bởi chính sách dành cho hộ nghèo hiện nay quá nhiều, người dân có tâm lý ỷ lại, không tự nguyện thoát nghèo. Nếu có chính sách đối với hộ nghèo thoát nghèo thì hy vọng người dân sẽ lo làm ăn mà thoát nghèo. Còn bà Lê Thị Thủy - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh thì nhìn nhận: “Khi hộ nghèo thoát nghèo thì ngay lập tức tất cả chính sách liên quan đều bị cắt, vì thế mà họ không muốn thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Nếu có được sự hỗ trợ sau khi hộ nghèo thoát nghèo, người dân sẽ yên tâm sản xuất, làm ăn và vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời những chính sách hỗ trợ sau thoát nghèo khiến họ không bị hụt hẫng, chới với vì mất chỗ nương tựa khi thoát nghèo”.

Với một tỉnh nghèo như Quảng Nam, đề án này ra đời được xem là một bước ngoặt lớn, góp phần giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững. Theo kết quả điều tra năm 2012, toàn tỉnh có 69.344 hộ nghèo với 232.857 nhân khẩu nghèo, chiếm tỷ lệ 17,93% và hơn 50 nghìn hộ cận nghèo. Theo nhận xét của ông Hòa, những hộ nghèo càng về sau càng yếu thế hơn, nên điều kiện thoát nghèo cũng khó khăn hơn. Nếu động viên được nhóm hộ nghèo thuộc diện yếu thế này thoát nghèo nhờ chính sách khuyến khích ưu trội của tỉnh, thì đó sẽ là một thành công lớn trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo. Và vấn đề quan trọng hơn, chính sách này giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, không quay lại tái nghèo.

Điều đáng mừng là trước khi đề án cấp tỉnh được xây dựng, một số huyện, thành phố đã có những chính sách khuyến khích thoát nghèo, động viên được người dân và địa phương phấn đấu. Chẳng hạn TP.Hội An thưởng phong trào thi đua bằng công trình, trong đó có chỉ tiêu thoát nghèo. Đối với phường, xã, khối phố, thôn thoát nghèo thì TP.Hội An thưởng bằng tiền mặt, động viên tinh thần cho bà con nhân dân. Đến năm 2013, TP.Hội An chỉ còn 451 hộ nghèo (tỷ lệ 2,15%), trong đó có phường Minh An không còn hộ nghèo nào. Hay như huyện Bắc Trà My, dù là một huyện nghèo nhưng địa phương đã cố gắng trích từ nguồn ngân sách thưởng cho hộ nghèo thoát nghèo 2 triệu đồng/hộ. Chính sách này được huyện Bắc Trà My thực hiện từ năm 2012, tạo niềm tin và động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước đệm thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO