"Bước đi" của nghệ thuật

THỤY BẤT NHI 15/05/2022 07:20

Phản ảnh của dư luận về tiết mục những cô gái mặc áo dài với dáng đi khác lạ trên đường phố Hội An cho thấy, đã đến lúc cần có một bước thẩm định nghiêm túc hơn về quản lý văn hóa truyền thống, ở ngay chính các hoạt động sân khấu hóa đời thường, tránh độ vênh so với thực tiễn.

Dáng đi khác lạ của những cô gái mặc áo dài biểu diễn trên đường phố Hội An. Ảnh: V.L
Dáng đi khác lạ của những cô gái mặc áo dài biểu diễn trên đường phố Hội An. Ảnh: V.L

Từ sân khấu đến đường phố

Dư luận mạng xã hội mấy hôm nay tranh luận về một đoạn video được chia sẻ, ghi nhận hình ảnh những cô gái đi theo đoàn trên đường phố Hội An, ai cũng mặc áo dài nền nã nhưng lại có một dáng đi… rất đặc biệt. Nhiều ý kiến khen chê theo đó đã phát sinh, thậm chí nghi ngờ có những vấn đề “xuyên tạc” văn hóa phía sau đoạn video này.

Tuy nhiên, trên thực tế, một thời gian trước đây, báo chí đã từng đặt câu hỏi về hình ảnh những bước đi tương tự, được biểu diễn trong một tiết mục ở sân khấu “Ký ức Hội An”, chương trình biểu diễn ngoài trời (thực cảnh) lớn nhất khu vực phố cổ đã duy trì những năm qua.

Lý giải từ đội phụ trách truyền thông sân khấu này cho biết, hình ảnh những phụ nữ trong vở kịch có bước chân ngả nghiêng, dáng đi ngửa ra sau “trái khoáy” so với dáng điệu đi đứng khoan thai, khép nép của phụ nữ mặc áo dài Việt Nam xưa nay, có tên “Bước đi thời gian”.

Theo đó, những bước chân thể hiện sự khó nhọc, gian nan của cuộc sống phụ nữ trong đời thường và quá khứ, hàm nghĩa những bất trắc gian truân mà họ phải chịu đựng trong những bối cảnh xô đẩy của cuộc đời.

Thậm chí có người còn liên tưởng dáng đi này đối nghịch với những quy định gia phong nền nếp truyền thống trong quá khứ, thể hiện bản lĩnh chống chịu, vượt lên số phận của những phụ nữ, mà cũng là lời giải thách đố, chống lại những áp bức tâm lý trong xã hội khi nhìn nhận phụ nữ dưới lăng kính gia trưởng…

Một số nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ, suy nghĩ của đạo diễn chương trình như thế, hướng đến những cảm quan duy mỹ, nghệ thuật hóa hình ảnh phụ nữ hơn là tả thực dáng điệu con người. Những chi tiết nghệ thuật này khi đối chiếu với toàn bộ kịch bản “Ký ức Hội An” sẽ mang lại những cảm xúc, thẩm thấu giá trị và được tán thưởng.

Song, khi hình ảnh dáng đi này được thể hiện trước quảng đại công chúng, nhất là theo ghi nhận từ video, các nữ diễn viên sân khấu bước đi trên đường phố Hội An, lại là một hình ảnh được ghi nhận trái chiều.

Thực tế, công chúng đã quen và quan niệm truyền thống về tà áo dài Việt Nam rất khó chấp nhận hình ảnh phụ nữ mặc áo dài lại có dáng đi và những bước chân kỳ quặc như vậy, nếu không nói là đi ngược quan niệm thuần phong mỹ tục xã hội.

Với một xã hội văn hóa phương Đông, hình ảnh người phụ nữ thùy mị, dịu dàng trong bước chân nhẹ nhàng, thẳng người, tránh phô diễn những khu vực nhạy cảm ở cơ thể, đã là tiêu chí bất biến; thì bước chân và dáng người “phá cách” từ tiểu tiết biểu diễn của sân khấu là khó chấp nhận được.

Cần thận trọng

Trao đổi về dáng bộ này, phần lớn những người hoạt động văn hóa tại Hội An đều bày tỏ thái độ dè dặt, khó hiểu khi các cơ quan chức năng và đội ngũ quản lý chương trình “Ký ức Hội An” lại lựa chọn một biểu hiện từ sân khấu nghệ thuật, vốn có thể gây tranh cãi, thành hoạt động diễn xuất trên đường phố cổ.

Sự lựa chọn này nhằm quảng bá du lịch và văn hóa phố Hội, nhưng lập tức nhận được những góp ý và cách nhìn không chính xác về giá trị truyền thông mang lại, thì liệu có nên cân nhắc chọn lọc cẩn thận hơn?

Chỉ riêng những phản ứng từ cộng đồng về dáng bộ các diễn viên đã cho thấy, có một lệch pha rất lớn trong quan niệm mỹ học và tư duy nghệ thuật của chính người dân phố Hội với hoạt động biểu diễn đường phố này.

Thậm chí theo một nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên là cán bộ quản lý văn hóa phố cổ, lối diễn xuất đem nghệ thuật sân khấu đặt ra trước quảng đại công chúng này, là lựa chọn không nên có.

Điều này tương tự những điệu múa vũ nữ Apsara trong lễ hội, âm nhạc Chămpa, thường được diễn xuất ở sân khấu dưới ánh đèn, ánh đuốc bập bùng, cảnh sắc lung linh và chiếu sáng có cản quang.

Nếu đem những tiết mục này diễn xuất dưới sân khấu hiện đại hay ngoài trời rực nắng, rõ ràng những tiết tấu nghệ thuật sẽ bị mờ nhạt đi, trong khi các góc cạnh tế nhị của trang phục biểu diễn, đường nét cơ thể người nghệ sĩ lại bộc lộ lên.

Như vậy, việc mang tiết mục vũ nữ Apsara biểu diễn trước công chúng sẽ dễ bị nhìn nhận dung tục, thô thiển, đi ngược các giá trị nghệ thuật cần thiết. Các nhà nghiên cứu đã hết sức lưu ý điều này, để có những góp ý điều chỉnh phù hợp với khung cảnh, điều kiện diễn xuất hơn.

Câu chuyện dáng đi của những cô gái trên sân khấu “Ký ức Hội An” cũng vậy, thật sự cần được đánh giá, soi chiếu qua lăng kính nghệ thuật và sức liên tưởng văn hóa - xã hội sâu sắc.

Một khi nhà quản lý văn hóa đưa hình ảnh này trước công chúng đường phố, sẽ là một lựa chọn bất hợp lý. Bởi chưa hẳn những biểu hiện văn hóa nghệ thuật, hình tượng hóa sẽ dễ dàng hòa nhập được vào cuộc sống bình thường và ngược lại. Nếu không chú ý điều ấy, những gắng gượng phô diễn sẽ chỉ mang lại kết quả phản cảm mà thôi!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bước đi" của nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO