Bước đột phá trong nông nghiệp Đại Lộc

HOÀNG LIÊN 28/12/2021 08:14

Huyện ủy Đại Lộc vừa ban hành Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Vườn cây ăn quả sinh thái của HTX Hồ Lộc, một điển hình về tích tụ ruộng đất ở Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN
Vườn cây ăn quả sinh thái của HTX Hồ Lộc, một điển hình về tích tụ ruộng đất ở Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN

Lợi thế

Một trong những điểm sáng trong khâu tích tụ ruộng đất sơ khai ở huyện Đại Lộc là đã hình thành và phát triển được các vùng trồng lúa giống có hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích gieo trồng hơn 1.600ha tại 10 xã/thị trấn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện.

Giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp huyện tăng trưởng bình quân 4,49%/năm so với giai đoạn trước, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tại xã Đại Minh, mô hình liên vùng trồng cây ăn quả an toàn trên cơ sở chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả là điển hình về tích tụ ruộng đất. Từ vùng sản xuất lúa không chủ động nước tưới mùa nắng hạn, bị ngập úng mùa mưa, Hợp tác xã (HTX) Hồ Lộc đã tích tụ, mở rộng thuê đất dài hạn của nông dân, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả với các loại ổi Lêê Đài Loan, xoài, bưởi, mận, cam, chanh...

Theo tinh thần Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Huyện ủy Đại Lộc, trong năm 2022, mỗi xã/thị trấn phải xây dựng ít nhất một mô hình tích tụ, tập trung đất đai. Sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất, tổ chức đánh giá cụ thể, rút kinh nghiệm để làm cơ sở xây dựng phương án, kế hoạch nhân ra diện rộng. Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đến năm 2022, tổng diện tích đất được tích tụ, tập trung của Đại Lộc tăng thêm 270ha...

Bước đầu, HTX thu nhập từ việc bán trái cây, tạo điểm đến du lịch sinh thái miệt vườn. Các thành viên HTX đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch hại, xây dựng thương hiệu cây ăn quả sạch, tạo sản phẩm OCOP bản địa.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tiệu thụ sản phẩm chưa như mong đợi nhưng đây là mô hình tích tụ ruộng đất điển hình tại Đại Lộc với quy mô lên tới hơn 5ha.

Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, nghị quyết đã có, ngành nông nghiệp huyện tham mưu UBND huyện xây dựng đề án về tích tụ ruộng đất, trình cấp trên phê duyệt, làm cơ sở triển khai trong thực tiễn.

Hiện, HTX Hồ Lộc đã trồng cây ăn quả trên diện tích 5ha và đang xin chủ trương mở rộng thêm 10ha. Đại Lộc còn có một số mô hình tích tụ ở phạm vi nhỏ như mô hình trồng rau sạch của Công ty Hứa Đại Xuân (Đại Tân); mô hình trồng dâu nuôi tằm của Công ty Hoàng Mai phối hợp với HTX Phú Trung (Đại Hiệp) và HTX Nông nghiệp Đại An (mỗi mô hình 5ha).

Bước đột phá

Ông Nguyễn Hảo - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho biết, ngay từ năm 2003, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc (khóa XVIII) đã chỉ đạo toàn huyện thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp nhằm tích tụ, tập trung đất đai để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.

Theo đó, diện tích đất sản xuất sau dồn điền, đổi thửa bình quân tăng từ 526m2 lên 906m2/thửa và giảm từ 3,4 thửa xuống 1,82 thửa/hộ. Đây là tiền đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...

Song, ông Nguyễn Hảo nhìn nhận, diện tích đất được tích tụ, tập trung để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao so với tổng diện tích đất sản xuất còn rất nhỏ. Một số diện tích đất đã được tích tụ, tập trung nhưng chưa đổi mới phương thức sản xuất nên hiệu quả đạt được không cao…

Theo ông Hảo, Huyện ủy Đại Lộc đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết hướng tới thực hiện có hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa, nhất là trên những cánh đồng chuyên canh.

Theo đó, tích tụ, tập trung đất đai là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao. “Quá trình thực hiện phải lấy doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân làm nhân tố trung tâm; thu hút các nguồn lực đầu tư, huy động nguồn lực trong nhân dân làm động lực chủ yếu.

Phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và hộ nông dân” - ông Nguyễn Hảo nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước đột phá trong nông nghiệp Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO