Bước qua cổng làng

TẤN VỊNH 23/01/2023 06:03

(Xuân Quý Mão) - Ngày xưa, giữa các làng dân tộc miền núi có sự biệt lập, đi lại khó khăn nên yếu tố “tự quản” được coi trọng. Việc rào làng, bố phòng giữ gìn an ninh, bảo vệ cuộc sống dân làng trở thành tập quán lâu đời của đồng bào.

Cổng làng của đồng bào Cơ Tu ở thôn Giàn Bí. Ảnh: TẤN VỊNH
Cổng làng của đồng bào Cơ Tu ở thôn Giàn Bí. Ảnh: TẤN VỊNH

Bảo vệ bản làng

Mỗi khi xây dựng làng mới, cất nhà xong là bà con tiến hành rào làng, làm cổng ngõ rất kiên cố. Hàng rào xung quanh làng chẳng những để bảo vệ cuộc sống dân làng mà cũng là dấu hiệu phân định giới mốc, địa vực cư trú, sở hữu đất đai của gia đình, tộc họ và cả làng, dấu hiệu thông báo điều kiêng cữ, cấm người ngoài vào làng khi gặp những biến cố như dịch bệnh. Hàng rào cổng ngõ luôn gắn bó với nếp sống văn hóa của người Cơ Tu nói riêng, các dân tộc miền núi nói chung.

Cổng làng là một trong những thiết chế văn hóa ở thôn bản. Trong thiết kế, xây dựng cổng làng, nhất là những nơi sắp xếp, tái định cư, cần tôn trọng, giữ gìn nét kiến trúc cổ để góp phần làm đẹp và bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền của đồng bào Cơ Tu.

Hàng rào, cổng làng được làm bằng tre nứa, cây rừng nhỏ hoặc trồng tre gai. Hàng rào có chừa những lối đi vào làng và ra rừng, lên rẫy. Các lối đi đều làm cửa chắn và giương cung, cắm chông, đặt bẫy gai mây, gai tre bảo vệ.

Ngày xưa, các chiến binh của làng được cắt cử thành từng nhóm lo tuần tra, canh gác quanh làng hoặc tập trung tại gươl để bảo vệ làng tránh thú dữ và kẻ xấu xâm nhập. Đây là phương tiện đơn giản có thể bảo vệ người, vật nuôi, đề phòng kẻ xấu, thú rừng vào làng. Có hàng rào ngăn cách, trẻ con không đi xa ra khỏi làng, sợ chúng bị lạc vào rừng, té ngã xuống vực hoặc khe suối.

Ngoài rào làng, đồng bào còn làm hàng rào ở một số vị trí khác như nương rẫy, quanh các cánh đồng lúa bậc thang, trên các sườn núi để ngăn cản thú rừng; hàng rào bao bọc, bảo vệ nhà mồ - nơi có nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ. Đồng bào còn làm hàng rào quanh cánh đồng nhỏ gần làng để vật nuôi không thể vào ăn lúa ở các cánh đồng.

Nét văn hóa độc đáo

Khi đã có hàng rào thì thường kèm theo cổng làng. Mỗi làng có một cổng chính và vài cổng phụ. Cổng chính là dấu hiệu để nhận biết một ngôi làng và lối đi để khách vào làng. Cổng có thể làm sơ sài hoặc kiên cố tùy theo điều kiện. Ngày xưa, cổng làng thường được làm bằng gỗ.

Nơi đây có khắc nhiều bức tượng thần canh giữ cổng làng để ngăn chặn ma xấu, ma rừng xâm nhập vào làng quấy nhiễu cộng đồng. Một số nơi làm mái cổng lợp bằng cỏ tranh, lá mây, lá cọ hay lợp tôn, ngói, hoặc mái đúc bằng xi măng. Trên bề mặt của cổng làng là không gian trang trí các bức tượng, phù điêu như chim tring, vũ điệu tâng tung da dá, các mô típ hoa văn cách điệu.

Cổng vào ra của một ngôi làng dân tộc Cơ Tu ở Lào. Ảnh: TRẦN KỲ PHƯƠNG
Cổng vào ra của một ngôi làng dân tộc Cơ Tu ở Lào. Ảnh: TRẦN KỲ PHƯƠNG

Bức ảnh chụp cổng làng Cơ Tu xưa nhất, do Le Pichon chụp vào năm 1938, in trong cuốn “Những người săn máu”. Trong bức ảnh thấy tượng chim tring - loài chim đẹp và thiêng - cách điệu, bố trí đối xứng trên hai đầu cổng làng. Những năm đầu thế kỷ 21, một số làng Cơ Tu ở xã Lăng (Tây Giang) vẫn còn cổng làng bằng gỗ, khắc tượng chim tring theo kiểu xưa cổ.

Hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc Cơ Tu, loại cổng làng theo lối kiến trúc dân gian này không còn nữa mà thay vào đó là “cổng làng văn hóa” được thiết kế khá giống nhau, gọi là “cổng chào”.

Trên mặt chính của cổng làng thường có tên làng, trang trí cờ, phướn, gắn loa phóng thanh, khẩu hiệu, nhất là vào dịp lễ hội hay các sự kiện quan trọng của làng. Cổng chào của huyện Đông Giang ở xã Ba có thiết kế giống hình dáng của mái gươl.

Tuy cư trú tách biệt với cộng đồng tộc người, chịu ảnh hưởng của văn hóa dân tộc Kinh ở đồng bằng, nhưng đồng bào Cơ Tu ở những thôn bản nơi đây còn lưu giữ được nét kiến trúc cổ như gươl, cổng làng, điêu khắc gỗ, ẩm thực, tạo dấu nhấn văn hóa của địa phương. Đây là vốn quý trong công tác xây dựng, phục hồi, bảo tồn văn hóa, là sản phẩm có thể khai thác trong hoạt động du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước qua cổng làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO