Bước tiến của bưu điện văn hóa xã

TÂM ĐAN 13/01/2021 04:54

Hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đang có sự khởi sắc trở lại sau một thời gian dài gặp khó khăn, thậm chí một số điểm bị đóng cửa ở vùng nông thôn, miền núi…

Người dân làm thủ tục hành chính tại Bưu điện xã Bình Triều, huyện Thăng Bình. Ảnh: B.Đ
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bưu điện xã Bình Triều, huyện Thăng Bình. Ảnh: B.Đ

Khởi sắc

Theo Sở Thông tin và truyền thông, hệ thống BĐVHX được hình thành từ năm 1998 nhằm đưa các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản tiếp cận với người dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Sau giai đoạn đầu phát triển hiệu quả, ở giai đoạn tiếp theo, hoạt động kinh doanh của ngành bưu điện khó khăn, hệ thống BĐVHX chỉ mang tính chất công ích nên gặp rất nhiều trở ngại, nhiều nơi bị đóng cửa.

Nhằm củng cố và duy trì hoạt động BĐVHX, xây dựng và hoàn thiện điểm cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông công cộng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, ngày 23.9.2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2937 về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX giai đoạn 2012 - 2015. Đề án được triển khai cho 50 điểm BĐVHX thuộc 50 xã về đích NTM giai đoạn 2011 - 2015. Từ thành công của đề án này, ngày 29.5.2014 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1650 phê duyệt Đề án phát triển hệ thống điểm BĐVHX đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng NTM đến năm 2020.

Qua 6 năm triển khai và thực hiện đề án (2015 - 2020), hoạt động điểm BĐVHX đã có nhiều khởi sắc, hiệu quả. Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông nhìn nhận, cùng với sự đầu tư của nhà nước và của ngành bưu điện, BĐVHX đã được “thay áo” mới. Đến nay, 100% điểm BĐVHX được cải tạo, sửa chữa, hoàn thành tiêu chí số 8 về xây dựng NTM, đảm bảo cung ứng các dịch vụ công ích... BĐVHX đang chuyển đổi để trở thành mô hình phục vụ cấp thứ 4, tạo đầu mối kết nối với các cơ quan chính quyền, các đơn vị, tổ chức tại địa phương; đảm bảo mục tiêu phục vụ cộng đồng, đón đầu làn sóng chuyển đổi số.

Lãnh đạo Bưu điện tỉnh cho biết, nhờ sự thay đổi cung cách phục vụ, năng động phát triển dịch vụ, nhất là từ khi triển khai các đề án của tỉnh, hoạt động của BĐVHX đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Ngoài các dịch vụ truyền thống của ngành, Bưu điện tỉnh triển khai, mở rộng thêm nhiều dịch vụ về hành chính công, chi trả lương hưu, trợ cấp người có công với cách mạng, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thu cước các dịch vụ viễn thông, kinh doanh các loại hình bảo hiểm, bán hàng tiêu dùng về nông thôn... Bưu điện tỉnh đang triển khai mô hình BĐVHX đa dịch vụ. Nhờ đó đã kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ của nhân dân, vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Phục vụ cải cách hành chính

Từ kết quả triển khai các đề án nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX, đến năm 2020, tất cả xã đăng ký về đích NTM giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt tiêu chí số 8.1 (điểm phục vụ bưu chính). Qua đó góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn, khu vực khó khăn; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, đặc biệt là các khu vực miền núi.

Những bước chuyển mình của hệ thống BĐVHX đã tạo tiền đề để ngành bưu điện có những bước đi mới trong việc tham gia phục vụ công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính thực hiện trên địa bàn tỉnh, đến nay 5 xã đã chuyển giao Bộ phận một cửa sang BĐVHX (gồm Bình Triều - Thăng Bình, Duy Vinh - Duy Xuyên, Đại Hồng - Đại Lộc, Tam Lộc - Phú Ninh, Quế Lộc - Nông Sơn). Hầu hết điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh đã triển khai dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên cho biết, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tham mưu cơ chế chính sách để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng BĐVHX, mạng lưới điểm phục vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng bưu chính thành hạ tầng thương mại điện tử, phát triển nền tảng kinh tế số. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và Quyết định số 143 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính để góp phần thực hiện việc cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Tập trung đảm bảo các hoạt động cung ứng dịch vụ công ích của mạng lưới bưu chính trong chỉ đạo điều hành của các cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ các chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Bà Quyên cho rằng ngành bưu điện cần phải rà soát các điểm BĐVHX, hướng tới điểm BĐVHX đa năng, hiện đại. Đồng thời tiếp tục đào tạo công nghệ thông tin cho nhân viên BĐVHX, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính, từng bước chuẩn hóa hoạt động, nhân lực BĐVHX đáp ứng với yêu cầu kinh doanh trong thương mại điện tử, kinh tế số và phục vụ công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước tiến của bưu điện văn hóa xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO