Bước tiến của kinh tế tập thể

NGUYỄN DƯƠNG 14/12/2015 08:33

Là một trong những tỉnh đứng đầu khu vực về phong trào kinh tế tập thể, Quảng Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về lượng lẫn chất trong phong trào này.

Hỗ trợ các hợp tác xã

Ông Đoàn Văn Lên - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh cho biết, trong những năm vừa qua, phong trào kinh tế tập thể trên toàn tỉnh đã có những bước tiến mạnh mẽ, nhất là sau khi có Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể Quảng Nam đến năm 2020. Từ đó, các loại hình kinh tế tập thể đã có bước chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng.

Thời gian qua, Liên minh HTX Quảng Nam đã hỗ trợ thành lập mới 75 tổ hợp tác (THT và 15 HTX với tổng số tiền 525 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ cho 22 lượt HTX xây dựng dự án ứng dụng đổi mới công nghệ, chủ yếu là mua sắm mới máy móc như máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa với tổng số tiền 947 triệu đồng. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ khi đi vào hoạt động (tháng 4.2012) đến nay đã giải ngân 40,6 tỷ đồng cho 81 THT, HTX vay đầu tư tính lãi suất ưu đãi; hỗ trợ vốn có hoàn lại vốn gốc cho 17 THT, HTX khác. “Chính những cơ chế, chính sách đó đã hỗ trợ kịp thời cho phong trào kinh tế tập thể có những bước tiến rõ nét, kịp thời bắt nhịp với những thay đổi của nền kinh tế thị trường. Điều quan trọng nhất đối với các HTX chính là nguồn vốn. Nếu được hỗ trợ kịp thời sẽ giúp các HTX mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các ngành nghề để cạnh tranh với những mặt hàng khác...”- ông Đoàn Văn Lên cho biết.

Nhờ những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, các HTX trong tỉnh đã giải quyết cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: N.D
Nhờ những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, các HTX trong tỉnh đã giải quyết cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: N.D

Ông Hồ Tấn Ba - Giám đốc HTX Vận tải Tam Kỳ cho biết, nhờ nguồn vốn vay đã giải quyết cấp thời những khó khăn cho HTX. “Hiện nay, các HTX vận tải trên địa bàn đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng xe tư nhân. Nếu không đầu tư mở rộng tuyến, tăng cường tuyến và đổi mới phương tiện thì khó thu hút được người dân. Nguồn vốn vay từ quỹ đã phần nào giúp HTX cải thiện được điều này…”- ông Ba nói.Tương tự, HTX Dệt may Duy Trinh cũng được hỗ trợ cho vay 1,8 tỷ đồng, từ đó đầu tư mua mới 64 máy sắt dệt thoi, mở rộng các nhà xưởng để tăng năng suất cho HTX. “Duy Trinh có rất nhiều cơ sở dệt vải, đồng nghĩa với việc HTX phải cạnh tranh từ nhân công cho đến giá cả trên thị trường. Chính vì vậy, nếu không có sự đổi mới để tăng năng suất, tăng thu nhập thì khó lòng giữ chân được các xã viên tiếp tục làm việc cho HTX…” - bà Nguyễn Thị Thoại, Giám đốc HTX Dệt Duy Trinh cho biết.

Hướng đến phát triển bền vững

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng (tính lãi suất ưu đãi) và gần 2 tỷ đồng (vốn không tính lãi) cho 86 THT, HTX đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả và hỗ trợ HTX ứng dụng đổi mới thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp 82 dự án, với số tiền là 5,02 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập mới 29 HTX, 88 THT với số tiền là 730 triệu đồng; tổ chức hơn 130 lớp dạy nghề cho thành viên HTX và lao động nông thôn với 4.205 lượt người tham gia và số tiền hỗ trợ 5,04 tỷ đồng; hỗ trợ chính sách cho 55 cán bộ chủ chốt HTX làm việc lâu năm nghỉ việc và cho 40 cán bộ đang làm việc tại HTX học cao đẳng - đại học với tổng kinh phí hơn 1,55 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.500 THT và 165 HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động với hơn 153.000 thành viên là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tham gia. Qua đó đã giải quyết cho 3.500 lao động có việc làm thường xuyên. Sự liên kết giữa HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp và hộ thành viên trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm ngày càng mở rộng và hiệu quả cao. Nhiều HTX đã hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, là nhân tố góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Để thành lập một THT, HTX thì không khó. Nhưng để duy trì những mô hình này phát triển một cách có hiệu quả, bền vững thì mới khó. Điều đó đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc của tất cả ban, ngành cũng như chính các thành viên của mỗi HTX.Những người làm HTX phải có tư duy mới mẻ, bắt kịp với thời đại thì mới có thể cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường này. Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cho các HTX cũng rất được chú trọng…”- ông Đoàn Văn Lên nói.

Trong gần 3 năm qua, số lượng THT, HTX thành lập mới tiếp tục tăng mạnh với nhiều mô hình mới. Có 72 THT và 24 HTX được thành lập mới. Nội dung, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới và nâng cao. Các THT hoạt động hiệu quả đã có những đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa và xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh những thuận lới đó, phong trào kinh tế tập thể vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo số liệu thống kê, số HTX và THT được Nhà nước hỗ trợ hoạt động còn ít; có đến 60% HTX hoạt động chưa mạnh và gặp nhiều khó khăn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các THT, HTX còn thấp, sự gắn kết giữa HTX với hộ thành viên thiếu bền chặt; sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp ít gắn với thị trường, hạn chế về đầu ra; một số HTX công nghiệp –tiểu thủ công nghiệp còn lúng túng trong hoạt động, hiệu quả không cao.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước tiến của kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO