Sau 5 năm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng trạm y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Y tế, huyện Tây Giang đã từng bước đầu tư xây dựng mạng lưới y tế đạt chuẩn theo quy định.
Trên cơ sở tiêu chí số 03 về cơ sở hạ tầng trạm y tế xã của Bộ Y tế, Huyện ủy Tây Giang đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015. Nhờ chủ động lồng ghép các nguồn vốn, nhất là nguồn chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, huyện Tây Giang đã xây dựng và nâng cấp 6 trạm y tế xã, trong đó, có 4 trạm đạt chuẩn quốc gia, với kinh phí đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Đến nay, huyện Tây Giang có 9/10 xã đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đang tiếp tục xây dựng Trạm Y tế xã Ch’Ơm.
Trạm Y tế Quân dân y kết hợp xã Gari được đầu tư khang trang. Ảnh: BHƠRIU QUÂN |
Theo ông Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật, dụng cụ phục vụ công tác khám chữa bệnh cũng được chú trọng đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, giường bệnh, tủ đầu giường, máy đo đường huyết, máy châm cứu... cũng được trang bị tại các trạm y tế xã, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từ cơ sở. Với đặc điểm là huyện miền núi có nhiều loài cây dược liệu quý, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã xây dựng vườn thuốc nam, gắn với tuyên truyền nhân dân biết sử dụng các kinh nghiệm, các bài thuốc dân gian của địa phương để chăm sóc sức khỏe. Hiện 6 trạm y tế có vườn thuốc nam mẫu, triển khai khám chữa bệnh kết hợp giữa đông y và tây y.
Chất lượng đội ngũ y sĩ ngày càng được nâng cao. TRONG ẢNH: Bác sĩ Briu Kiêm đang khám bệnh cho nhân dân xã Ga Ri. |
Ngoài đội ngũ đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện, đội ngũ y tế xã cũng được củng cố và kiện toàn, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Trung bình, mỗi trạm y tế xã được bố trí 5 - 6 cán bộ, 6/10 xã có bác sĩ, 10 xã đều có nữ hộ sinh trung học và 76 nhân viên y tế thôn bản đều hoạt động tốt tại 70 thôn của huyện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. |
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình quân dân y kết hợp tại các xã A Xan, Ga Ri và A Nông góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bộ đội và nhân dân ở khu vực biên giới. Nhiều ca bệnh của nhân dân nước bạn Lào cũng được đưa vào các trạm y tế xã để chữa trị và cấp cứu. Đây là mô hình mang lại nhiều hiệu quả, được người dân tin tưởng và đánh giá cao. Nhờ mô hình này cùng với tay nghề của đội ngũ y bác sĩ đã cứu và chữa nhiều ca bệnh, nhất là ca sinh đẻ, tự tử bằng lá ngón của đồng bào dân tộc thiểu số...
Từ nguồn nhân lực thiếu và yếu, đến nay đội ngũ y bác sĩ từ huyện đến xã cơ bản được đáp ứng. Huyện Tây Giang đã cử nhiều lượt cán bộ, viên chức ở các trạm y tế tham gia khóa đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu theo từng chuyên ngành, trong đó ưu tiên đào tạo cho con em người địa phương. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã cử đi 13 y sĩ đào tạo lên bác sĩ, bồi dưỡng về lĩnh vực nội khoa và nhi khoa, 5 bác sĩ bồi dưỡng về lĩnh vực cấp cứu, chuyên ngành phẫu thuật ngoại khoa và sản phụ khoa. Đặc biệt, đã đào tạo một ê-kíp chuyên phẫu thuật về ngoại khoa và sản phụ khoa, tham gia nhiều ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế huyện, hạn chế dần việc chuyển cấp cứu lên tuyến trên.
Ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, Đảng bộ luôn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thành quả 5 năm qua của ngành y tế là sự nỗ lực của toàn đảng bộ trong việc thực hiện nghị quyết của huyện ủy. Hàng năm, các cấp ủy đảng đều có chỉ tiêu và giải pháp về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đưa các tiêu chí vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường làm tiêu chí trong việc xét và công nhận danh hiệu thôn văn hóa và gia đình văn hóa. Công tác xây dựng Đảng trong ngành y tế được các cấp ủy đảng quan tâm, đến nay có 4/10 trạm y tế đã thành lập chi bộ riêng, với 34 đảng viên đang sinh hoạt trong ngành y tế.
BHƠRIU QUÂN