Buổi dã ngoại bổ ích

XUÂN THỌ 06/04/2016 11:26

(QNO) - Nhiều học sinh cấp 1 và cấp 2 ở TP.Hội An vừa có một ngày Chủ nhật bổ ích thông qua buổi dã ngoại với chủ đề “Sống xanh và chung tay bảo vệ voọc chà vá chân nâu”.

Buổi dã ngoại do Câu lạc bộ (CLB) Không gian đọc Hội An (Trường Đại học Phan Châu Trinh) tổ chức với sự phối hợp của CLB Đà Nẵng Smiling City.

Anh Khoa hướng dẫn các em vẽ tranh bảo vệ loại voọc chà vá.
Anh Khoa hướng dẫn các em vẽ tranh bảo vệ voọc chà vá. Ảnh: XUÂN THỌ

Thực tế sinh động

Buổi dã ngoại bắt đầu bằng hành trình đến nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An). Tại đây, các em được nghe nói về kiến trúc của căn nhà này, chủ yếu là sự thân thiện của căn nhà đối với môi trường và con người. Tiếp đến, trong không gian công trình vừa được vinh danh tại Liên hoan Kiến trúc thế giới năm 2015, các em được nhận giấy và bút màu để vẽ.

Đáng chú ý, trên mỗi tờ giấy A4 phát ra, đều có ghi dòng chữ “Chung tay bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng”, cùng với “phụ đề” bằng tiếng Anh mang nội dung tương tự. Tiếp đến, anh Trần Đăng Khoa - Chủ nhiệm CLB Đà Nẵng Smiling City, yêu cầu việc tối thiểu mà các em cần làm là đặt bàn tay mình lên trang giấy rồi vẽ hình bàn tay trên đó. Công việc sau đó, bao gồm tô màu và vẽ thêm những thứ khác, là do khác em tự chọn và tự do sáng tạo.

Khoảng 40 em được chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm được “phát” vài chiếc chiếu, đó là nơi các em triển khai công việc của mình. Các em vô cùng thích thú khi đặt bàn tay trên tờ giấy A4, rồi bắt đầu vẽ. Trong nhiều nét nguệch ngoạc, có những nét khá vững chãi; cũng có những em còn bỡ ngỡ phút ban đầu. Nhưng tựu trung, tất cả đều say mê từ ý tưởng đến hoàn thiện tác phẩm của mình.

Trên nền trắng chủ đạo của giấy A4, bàn tay - trung tâm của bức tranh, có nhiều em còn vẽ thêm nhiều thứ khác như mặt trời, bãi biển, khuôn mặt của voọc chà vá, trái đất… “Em chỉ vẽ một bàn tay, rồi những ngón tay em sơn mỗi màu như phân chia đốt tay. Em nghĩ đó là những sắc màu của cuộc sống, và em rất thích nó. Tiếc là em chưa sáng tạo được nhiều, vì em chưa được vẽ như thế này nhiều” - Trần Văn Vũ, một học sinh lớp 6 chia sẻ.

Các em lắng nghe ông Mèo nói về lợi ích của trồng rau hữu cơ. Ảnh: XUÂN THỌ
Các em lắng nghe ông Mèo nói về lợi ích của trồng rau hữu cơ. Ảnh: XUÂN THỌ

Sau khi vẽ xong và trình bày ý nghĩa mỗi bức tranh mà mình thực hiện, các em tiếp tục di chuyển đến làng rau hữu cơ Thanh Đông ở thôn 5 (xã Cẩm Thanh). Tại đây, dưới bóng mát của mái lá căn chòi giữa vườn rau, các em được ông Phạm Mèo - nhóm trưởng nhóm trồng rau hữu cơ Thanh Đông nói về lợi ích của rau hữu cơ đối với sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên.

Trong quá trình dẫn các em đi tham quan vườn rau, ông Mèo còn giới thiệu, nói qua một số đặc điểm của các loại rau; đồng thời giải đáp các thắc mắc từ học sinh. Sau cùng, là bữa ăn trưa ở đây với các loại rau được lấy từ vườn rau hữu cơ này. Việc bày biện, hay dọn dẹp chén đũa đều do các em tự tay làm.

Kích thích tư duy sáng tạo

Chị Khiếu Thị Hoài - Chủ nhiệm CLB Không gian đọc Hội An cho biết bên cạnh triển khai đọc sách, CLB còn thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, dã ngoại cho học sinh. “Việc này vừa giúp các em giảm áp lực bài vở nguyên cả tuần, vừa giúp các em trở nên năng động, giảm dần ỷ lại cha mẹ và quan trọng hơn, là cởi mở với bản thân khi có cơ hội tiếp xúc thực tế cũng như nhiều bạn mới. Đúng hơn, thì buổi dã ngoại cũng là một buổi học, có điều các em được học từ thực tế rất trực quan, sinh động nên dễ hiểu và nhớ lâu hơn” - chị Hoài cho hay.

Ông Mèo giới thiệu và giải đáp thắc mắc của các em về một số loại rau. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Mèo giới thiệu và giải đáp thắc mắc của các em về một số loại rau. Ảnh: XUÂN THỌ

Cùng quan điểm với chị Hoài, anh Trần Đăng Khoa cho rằng học sinh cần nhiều những buổi dã ngoại như thế này, chứ không thể nào cứ học ở nhà, ở trường mãi được. Còn về vẽ tranh mà anh triển khai cho các em, anh Khoa cho biết loại hình này có trên thế giới từ lâu, gọi là tô màu ứng dụng tiềm thức, mới xuất hiện Việt Nam trong những năm gần đây.

Khác với cách vẽ cũ, chỉ cho học sinh vẽ lại những hình mẫu có sẵn, cố định; ở cách vẽ này, dựa trên một chủ đề chính, các em được tự do vẽ thêm những điều mình thích, hoặc vẽ theo một nội dung chủ đề. Qua đó, vừa kích thích sự sáng tạo, vừa giúp các em nhớ lâu hơn những bài học thông qua các nét vẽ.

Anh Khoa giải thích thêm: “Ví dụ nói đến đèn đỏ giao thông là dừng lại, thì các em chỉ biết thế nhưng không biết dừng như thế nào và tại sao phải dừng lại. Nhưng khi tô màu, hoàn thiện một bức vẽ như thế, các em sẽ biết được khi có đèn đèn đỏ phải dừng trước vạch vôi, bởi nếu đi tiếp thì dễ gây nguy hiểm cho những người được đi tiếp theo “lệnh” của đèn xanh. Hay như chủ đề sáng nay, nói voọc chà vá thì các em nghe thế, nhưng khi vẽ xong, các em mới biết hình thù voọc chà vá là như thế nào và vì sao phải chung tay bảo vệ. Có một em vẽ rất hay dù rất đơn giản, đó là trong lòng bàn tay, em vẽ trái đất với đầy đủ các châu lục, ý muốn nói việc cứu loài voọc không chỉ riêng một tỉnh, một nước mà phải cần sự chung tay của cả thế giới”.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Buổi dã ngoại bổ ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO