Là đặc sản của làng bên sông, bưởi trụ Đại Bình thêm lần nữa khẳng định chất lượng của mình khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh...
Trái trụ lông - giống bưởi đặc biệt đã có từ lâu đời tại ngôi làng Đại Bình (Nông Sơn). Hiện nay làng Đại Bình có 215 hộ trồng giống bưởi trụ đặc sản bản địa với quy mô bình quân mỗi vườn 20 - 30 cây. Cây bưởi ra hoa bắt đầu từ tháng 2 âm lịch và kết trái từ đầu tháng 6 - 7, đến qua rằm tháng 8, việc thu hoạch bắt đầu. Khác biệt so với giống bưởi ở các nơi khác trụ lông Đại Bình dù trái không to nhưng múi dày, tép lớn, ráo nước, vị ngọt thanh. Đặc biệt, do phù sa vùng đầu nguồn sông Thu bồi đắp, nên hương vị của loại bưởi đặc biệt tại đất này cũng trở nên khác biệt hơn so với bưởi Năm Roi miền Tây hay thanh trà Tiên Phước.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, trung bình mỗi vụ một cây bưởi trưởng thành cho mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng, thậm chí có một số cây đạt trị giá 15 - 17 triệu đồng. “Năm 2018, bưởi trụ của Hợp tác xã Nông nghiệp - du lịch - dịch vụ Đại Bình được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để người dân làng Đại Bình mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Lanh nói.
Đây cũng là đặc sản thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại làng Đại Bình. Mỗi mùa hè, dòng người từ các địa phương như Điện Bàn, Quế Sơn, Đà Nẵng tìm đến và khệ nệ với những túi bưởi trụ Đại Bình được gói ghém công phu để làm quà tặng sau chuyến du lịch của mình.
Tuy nhiên, tập quán trồng bưởi trụ ở làng Đại Bình là quảng canh, cây giống sử dụng chủ yếu là chiết cành nên năng suất còn thấp. Cộng với đó, do trồng lâu năm nên việc suy thoái giống là điều khó tránh khỏi. Hiện tại, địa phương đang tổ chức chọn lọc giống và xây dựng mô hình trồng bưởi mới, trong đó một vườn ươm giống khoảng từ 250 cây con sẽ hình thành. Chưa kể, đầu tư hệ thống bơm tưới nhằm chủ động nguồn nước chăm sóc cây trồng cũng như đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá để bưởi trụ Đại Bình được biết tới nhiều hơn.