Buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại: Vẫn diễn biến phức tạp

CHIÊU THỤC ANH 12/08/2014 08:37

Công tác chống buôn bán hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại luôn được các cơ quan chức năng phối hợp triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý…, nhưng thực tế tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Thủ đoạn tinh vi

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389), trong 6 tháng đầu năm 2014 lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý hơn 2.600 vụ với hơn 15 nghìn cơ sở; tăng hơn 200 vụ và hơn 6 nghìn cơ sở so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu gần 48 tỷ đồng (bao gồm cả truy thu thuế). Riêng lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, thụ lý điều tra 211 vụ với 199 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản, khoáng sản và vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Trong đó có 46 vụ/51 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả. “Một trong những vụ việc lớn mà lực lượng công an phát hiện là vụ vận chuyển 50kg hóa chất cyanua, hơn 1.300 gói bột ngọt A-One giả… Đây là những vụ vi phạm với số lượng lớn, nếu kẻ gian thực hiện buôn bán trót lọt thì hậu quả để lại cho người dân là vô cùng lớn, không thể nào lường hết được” - Đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) cho biết.

Lực lượng y tế kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở.
Lực lượng y tế kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở.

Cũng theo Đại tá Lê Văn Hồng, vấn đề nhức nhối và luôn làm khó lực lượng công an trong công tác chống gian lận thương mại chính là tình trạng vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện 79 vụ vi phạm, bắt 61 đối tượng buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng và giá trị tang vật tịch thu hơn 4,4 tỷ đồng. Một trong những vấn đề đau đầu và được Ban Chỉ đạo 389 đem lên bàn họp để mổ xẻ, tìm phương án đấu tranh là tình trạng trốn thuế của một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nổi cộm gần đây là câu chuyện trốn thuế của Tập đoàn Besra. “Không đợi khi câu chuyện trốn thuế của doanh nghiệp vàng xuất hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng thì chúng tôi mới bắt đầu điều tra về hành vi gian lận của công ty này. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với cảnh sát kinh tế hoàn tất hồ sơ, chứng cứ về những thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế tinh vi mà công ty này gian dối trong thời gian qua” - ông Nguyễn Việt Xuân, Phó Cục Thuế Quảng Nam nói. Ngoài ra, theo nhận định của đại diện lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389, thời gian qua đã xảy ra tình trạng hàng lậu xuất phát từ Trung Quốc, được chuyển vào Quảng Nam từ các tỉnh phía Bắc, các đối tượng vận chuyển nhỏ lẻ để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Ngoài ra, vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái có dấu hiệu xuất hiện nhiều nhưng chưa được phát hiện kịp thời…

Tăng cường công tác tuyên truyền

Theo ông Nguyễn Quang Thử -  Giám đốc Sở Công Thương, Phó ban trực Ban Chỉ đạo 389, trong tổng số gần 48 tỷ đồng từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và truy thu thuế thì chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực nổi cộm là buôn bán hàng giả, hàng cấm sử dụng, buôn bán vận chuyển lâm sản và trốn thuế. Còn ở những lĩnh vực hàng tiêu dùng, lĩnh vực kinh doanh vàng và hoạt động ngoại hối, thuốc thú y, phân bón..., số vụ vi phạm ít và số lượng không lớn. Đơn cử như mặt hàng mũ bảo hiểm, hầu hết người bán hàng đều chấp hành tốt, kinh doanh mũ có chất lượng, chỉ có một vài cửa hàng người bán nhầm lẫn do kiểu dáng mũ. Do công tác tuyên truyền thường xuyên, đều khắp của nhiều cơ quan và ý thức chấp hành tốt của người bán lẫn người sử dụng nên đã hạn chế được vi phạm trên lĩnh vực này. Đây có thể được xem là bài học kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trong thời gian đến. Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý thị trường, thị trường Quảng Nam vẫn còn nhỏ so với các tỉnh, thành phố lớn có sức mua mạnh nên những vụ vi phạm bị xử phạt đều ở những đối tượng vận chuyển bằng đường bộ qua địa phận tỉnh.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu  - Trưởng ban Chỉ đạo 389 nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại là một mặt trận quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế của tỉnh. “Quảng Nam có địa bàn rộng, có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động; địa hình, hệ thống giao thông đa dạng, phức tạp, nhiều cửa ngõ giao thương… nên công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại luôn gặp nhiều khó khăn. Để kiểm soát tình hình, ngoài 15 giải pháp để kiểm soát, ổn định thị trường, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là phải tăng cường công tác tuyên truyền. Tôi cho rằng Ban Chỉ đạo 389 phải đề ra kế hoạch tuyên truyền cho từng ngành gắn với công tác phối hợp, hướng tới ngăn chặn hiệu quả và xem đây là tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của từng lực lượng đối với công tác này. Qua đó góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa các doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu  nói.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại: Vẫn diễn biến phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO