Có quá nhiều bất cập, mâu thuẫn tại các chợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ buộc các ngành chức năng thành phố phải vào cuộc để giải quyết.
Không theo quy hoạch
Hiện nay, một số chợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ đang gặp nhiều vướng mắc trong việc buôn bán, kinh doanh cũng như trong các vấn đề về đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, văn hóa văn minh... Theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) chợ Tam Kỳ, tại chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa), trong khi các tiểu thương tầng 2 buôn bán ế ẩm và mặt bằng tầng 3 vẫn đang còn trống, thì khu vực xung quanh chợ bị các hộ dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán, trông giữ xe trái phép, gây mất trật tự đô thị. Tại chợ Hòa Hương (phường Hòa Hương), 2 lò giết mổ và 70 hộ buôn bán hàng gà vịt đã gây ô nhiễm môi trường khu dân cư chỉ cách đó hơn 5m; cơ sở vật chất bên trong khu chợ chính cũng không còn phù hợp với quy chuẩn phòng chống cháy nổ hiện nay và không gian chật hẹp khiến cho nhiều tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bên ngoài chợ để buôn bán. Trong khi đó, chợ Vườn Lài (phường An Sơn) mặc dù đã được đầu tư hạ tầng đảm bảo và được BQL chợ tạo nhiều cơ chế thông thoáng để thu hút nhưng đến nay rất ít tiểu thương đến buôn bán, kinh doanh. Tại đình chợ chính, có 154 lô nhưng có 128 hộ dân thuê và kinh doanh trên thực tế là 20 hộ; 140 lô tại đình chợ phụ thì có 103 hộ dân thuê và kinh doanh trên thực tế là 25 hộ. Chị Lê Thị Thúy Ngọc - một tiểu thương tại đình chợ phụ chợ Vườn Lài cho biết: “Từ đầu năm đến nay, việc buôn bán tại đây đã trở nên ế ẩm, khách đến thưa dần, người mua chủ yếu là sinh viên nên việc buôn bán chỉ diễn ra cầm chừng”.
Cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ Hòa Hương nằm sát khu dân cư trong khi quy định của Bộ NN&PTNT phải cách xa 200m.Ảnh: X.T |
Theo bà Vũ Thị Thanh Nga - Phó BQL chợ Tam Kỳ, các quầy hàng tại tầng 2 chợ Tam Kỳ hiện nay buôn bán ế ẩm và tầng 3 vẫn chưa cho thuê được là vì một số lý do như: không có nhiều cửa chính dẫn lên tầng trên, vị trí của một số ki-ốt không phù hợp, chưa có điểm giữ xe đảm bảo… Còn tại khu vực xung quanh chợ, tình trạng mất trật tự diễn ra là vì các tiểu thương buôn bán ế ẩm tại chợ Vườn Lài đã đồng loạt về lại chợ Tam Kỳ lấn chiếm lòng lề đường và các bồn hoa quanh chợ để kinh doanh. Ngoài ra, có 4 hộ dân sinh sống khu vực bên ngoài chợ đã tự ý lấn chiếm lòng đường dẫn vào chợ để trông giữ xe khiến cho khu vực này trở nên mất trật tự và không đảm bảo an toàn giao thông. “Chợ Tam Kỳ hiện nay cũng không có bến xe trung chuyển hàng hóa nên các loại xe tải đậu đổ trên vỉa hè và lòng đường Bạch Đằng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông nơi đây” - bà Nga cho biết thêm.
Trong khi đó, chợ Hòa Hương có diện tích nhỏ, cơ sở vật chất xuống cấp nên việc buôn bán, kinh doanh, giết mổ gia cầm tại đây dễ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Còn đối với chợ Vườn Lài, tình trạng buôn bán ế ẩm là do các đình chợ chính, phụ và khu ngoài trời nằm riêng lẻ, không có sự kết nối với nhau nên khó thu hút người dân đến mua bán. Ông Nguyễn Văn Duyên - Phó BQL chợ Tam Kỳ cho biết: “Địa bàn thành phố hiện nay còn có nhiều hộ dân buôn bán nhỏ lẻ trên một số tuyến đường và tại một số chợ cóc rất thuận tiện cho người dân mua hàng, điều này đã ảnh hưởng đến các tiểu thương buôn bán bên trong các chợ được đầu tư khang trang”.
Tập trung tháo gỡ
Trước thực trạng có nhiều bất cập, mâu thuẫn diễn ra tại các chợ trên địa bàn, các ngành chức năng TP.Tam Kỳ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để tập trung tháo gỡ những vướng mắc. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Phó BQL chợ Tam Kỳ cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành sắp xếp lại các ngành hàng tại chợ Tam Kỳ một cách phù hợp, để các tiểu thương buôn bán tốt hơn. Đồng thời phối hợp với UBND phường Phước Hòa để xử lý nghiêm một số hộ dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu vực xung quanh chợ và các tiểu thương buôn bán hàng cá gây ô nhiễm môi trường tại khu vực đường Bạch Đằng”. Ông Trương Công Thành - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hương thì cho biết: “Vấn đề lớn nhất tại chợ Hòa Hương là tình trạng ô nhiễm môi trường nên chúng tôi đang kiến nghị các cơ quan chức năng thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các sai phạm cũng như đảm bảo thường xuyên việc phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực này. Chúng tôi cũng đã kiến nghị xây dựng công trình thoát nước thải của chợ kết nối với hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố”.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, trước thực trạng tại các chợ trên địa bàn hiện nay, thành phố đang chỉ đạo BQL chợ Tam Kỳ phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm sắp xếp lại các sạp hàng, ki-ốt trong và ngoài các chợ, ưu tiên giải quyết những hộ bức xúc buôn bán ế ẩm, đồng thời có giải pháp điều tiết các hộ buôn bán, kinh doanh giữa các chợ với nhau. Hiện nay, chợ Vườn Lài đang có cơ sở vật chất đảm bảo nên thành phố sẽ khảo sát một số vị trí đưa vào làm bến xe trung chuyển cho cả chợ Tam Kỳ, chợ Hòa Hương. Ngoài ra, một số hộ dân buôn bán trên các tuyến đường của thành phố cũng sẽ được vận động vào các chợ buôn bán ổn định, tránh để ảnh hưởng mỹ quan đô thị. “Tình trạng tiểu thương tại các chợ buôn bán không được thuận lợi là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, các hộ dân cũng cần tự nhận thức nâng cao văn hóa văn minh trong buôn bán, kinh doanh, chấp hành nghiêm những quy định về trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông… để việc mua bán được tốt hơn” - ông Nguyễn Minh Nam nói.
XUÂN TRƯỜNG