Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII chính thức khai mạc cuối tuần qua với buổi lễ khai mạc khá hoành tráng và để lại nhiều ấn tượng. Khác với kỳ đại hội cách đây 4 năm diễn ra trong không gian chật hẹp của Nhà thi đấu TDTT tỉnh, lễ khai mạc kỳ đại hội này được tổ chức trên sân vận động Tam Kỳ nên có điều kiện để tổ chức các hoạt động diễu binh, diễu hành, đồng diễn quy mô, sôi động và bắt mắt. Không những vậy, buổi lễ còn có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng gần chục nghìn người dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tham dự.
Nguyễn Thị Minh Nguyệt (số đeo 237) bảo vệ thành công ngôi vô địch cả 2 nội dung 100m và 200m tại đại hội cách đây 4 năm. |
Đại hội lần này có tổng cộng 21 môn thi đấu, trong đó bên cạnh các môn thể thao đại chúng còn có nhiều môn thể thao truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc xứ Quảng. Sự đa dạng trong việc tổ chức các môn thể thao giúp cho ngày hội toàn dân thêm phần sôi nổi, thu hút được nhiều người tham gia, nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, điều đó vẫn không khỏa lấp được nỗi buồn của môn điền kinh. Được xem là “nữ hoàng”, song trong khi các môn thể thao khác được tổ chức hàng năm, hoặc dài lắm là 2 năm thì điền kinh lại chờ đến đại hội mới diễn ra. Có nghĩa, 4 năm mới diễn ra 1 lần, một khoảng lặng quá dài đối với môn thể thao hấp dẫn bậc nhất trong phong trào Olympic, chỉ xếp sau bóng đá.
Cũng bởi vậy nên chẳng ngạc nhiên khi trên đường chạy những ngày qua, người ta chứng kiến không ít gương mặt đã chinh chiến tại nhiều kỳ đại hội song hầu hết đều có được thành tích cao như Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Hiệp Đức), Huỳnh Phi Hải (Tiên Phước), Hồ Văn Dũng (Phú Ninh). Thậm chí, một số vận động viên chuyển sang thi đấu ở nội dung “tay trái” như Trần Thị Mỹ Khanh (Tam Kỳ), Hà Thị Hòa (Điện Bàn)… nhưng vẫn gặt hái được thành công. Không thể phủ nhận nỗ lực bền bỉ và tài năng của những cái tên vừa kể, song từ kết quả đó cho thấy một thực tế đáng buồn: điền kinh trong suốt 4 năm qua, thậm chí trải qua 2 kỳ đại hội không thể xuất hiện nhân tố mới. “Nữ hoàng” ngày càng “già” đi trong khi đòi hỏi của môn thể thao này lại là sức trẻ.
Đã từng có thời gian môn bơi lội chứng kiến những vận động viên lớn tuổi thi đấu nhưng vẫn giành chiến thắng một cách dễ dàng. Sau này, nhờ liên tục tổ chức giải nên gần đây đường đua xanh đã trình làng được lứa vận động viên trẻ thay thế cho đàn anh, đàn chị lớn tuổi lùi vào hậu trường. Thế nhưng đối với điền kinh, ngoài đại hội 4 năm diễn ra 1 lần, đến nay các vận động viên gần như không có sân chơi nào để có điều kiện cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn. Điền kinh học đường ít được quan tâm và không duy trì thường xuyên; còn ngành thể thao cấp tỉnh, huyện cũng “bỏ rơi” phong trào và chỉ nhớ khi đến kỳ đại hội.
Đến hẹn lại lên, điền kinh đại hội năm nay cũng chẳng giới thiệu được nhiều gương mặt mới là điều không lạ. Thế nên, buồn cho môn thể thao được mệnh danh là “nữ hoàng”, nhưng điều đáng nói hơn là lấy cái gì để “đánh giá phong trào và tìm kiếm, phát hiện tài năng cho thể thao thành tích cao” như mục tiêu của đại hội đề ra?
AN NHI