Buôn chuyện làm du lịch sinh thái

MINH HẢI 26/12/2015 06:20

Ở tuổi xấp xỉ tám mươi, vợ chồng ông Huỳnh Lụa (Triêm Tây, xã Điện Phương, Điện Bàn) vẫn hào hứng chẻ tre, bắc giàn trồng đậu ngự. Thấy khách lạ, ông đon đả mời vô nhà uống nước. Tôi sợ làm mất thời gian của ông, nên từ chối. Ông đoán được, nói ngay: “Già rồi, làm chi nhiều, cứ thủng thẳng, nôn chi, với lại nói chuyện với chú cho vui, vừa giải lao”. “Con cháu bác đâu hết rồi?”. “Ui, lớn lên lấy vợ, lấy chồng hết rồi, nó đi hết, hai vợ chồng già ở lại chăm lo hương khói ông bà”. “Trồng đậu ngự ông thu được bao nhiêu tiền?”. “Tiền hả?”, ông hỏi lại rồi đưa mắt nhìn lên ngọn tre xem bầy chim sẻ ríu ran, rồi gật gù chậm rãi nói: “Mấy năm trước trồng đậu bán kiếm tiền tiêu tết, còn chừ trồng vừa để bán, vừa trang trí cho đẹp nhà cửa, chớ không tính được”. “Răng không tính được hả bác?”. “Ừ, hồi trước trồng, chờ trái khô hái bán hột, lấy tiền một lần thì biết. Chừ tham gia du lịch sinh thái, khi trái còn xanh, khách đến thích quá hái vô luộc lên ăn tại chỗ, trả tiền lai rai làm răng tính được”, ông giải thích. “Bác tham gia làm du lịch cộng đồng sao không lót gạch nền nhà, nền sân lại cho dễ ngó?”. Ông nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên. “Lâu ni dân mình cứ nghĩ du lịch là cái chi đó phải thiệt sang trọng, phải hiện đại, ai có nhiều tiền đầu tư mới làm được du lịch”. Bị ông chỉnh, tôi hơi… quê. “Tôi thấy tất cả ý nghĩ cổ lỗ sĩ nớ đều sai bét hết trơn”. “Sai chỗ nào hả ông?”. Húp ngụm nước chè xanh nóng hổi, rồi quay lưng lại, ông biểu vợ ra sau vườn kéo lưới rào mấy luống khoai lang, sợ gà vào phá. “Tôi chưa một lần đi xa học cách làm du lịch, thấy khách thích thì mình làm, rồi có kinh nghiệm. Du lịch với tôi đơn giản rứa. Vài con gà, vịt, ngỗng thả rông, vài luống khoai, đậu, rau xanh. Làm ra trước là để ăn cho sạch, khách tới thích ăn khoai, đậu, rau thì xách rổ ra vườn là có, thích ăn gà thả rông thì rải vài hạt lúa, nhử hắn vô bắt mần thịt tại chỗ. Rứa mà ai tới đây ăn cũng khen rần rần”. “Do làng mình nghèo, hay ý thức phải giữ nguyên vẹn như thế hả bác?”. Ông cười, lấy cái nón lá quạt phạch phạch, cười nhẹ. “Cả hai. Nghĩ răng cũng được, nói thiệt chứ làm hiện đại thì tốn cả đống tiền. Nông dân có vài ang lúa, thúng khoai, vừa đủ nuôi cái bao tử, lấy mô ra tiền nhiều mà đầu tư? Mà đầu tư lớn chắc chi bằng họ. Chú thấy đó, ở thành phố họ đã chán cái hiện đại rồi, đi tìm cái dân dã. Nhiều người thành phố giàu có nhưng khi đến đây cứ tiếc hùi hụi, họ bảo giá mà được sống miết ở đây”.

Ông Huỳnh Lụa bắc giàn trồng đậu ngự. Ảnh: M.HẢI
Ông Huỳnh Lụa bắc giàn trồng đậu ngự. Ảnh: M.HẢI

Nhà ông Lụa chia làm hai phần, nhà trên xây gạch lợp ngói để thờ ông bà, nhà dưới bằng tre, từ phên tre, giường tre, bàn tre… cửa cũng tấm phên tre mở ra đóng lại cho nhẹ. Nhưng những thứ ấy lại cuốn hút mọi người.

“Ở đây khách tây hay khách Việt thích tới nhiều nhất bác?” - ông khôi hài. “Tây có, Việt có, mà Tây hắn ở xa quá, đến lần thôi, chứ Việt có người thích quá đến liên tục, có người ở tận Sài Gòn, Hà Nội, xa lắc xa lơ rứa mà tháng mô cũng bay về đây chơi bữa hai ba bữa. Còn mấy người ở gần như Đà Nẵng thì tới tuần một”.

Ngồi trong nhà ông nhìn ra ngõ, từng tốp khách đi chân đất, thấy lạ tôi hỏi: “Ở đầu làng đường bị sình lầy hay sao mà khách đi chân đất rứa ông?” Ông bật cười ha hả. “Ai đến đây cũng ưng cởi bỏ giày dép để đi chân đất hết, chứ bùn lầy chi mô. Tôi nhớ cái ông giáo làng hồi trước, nhỏ tuổi hơn tui, ổng là nhạc sĩ nổi tiếng, chừ sống ở Sài Gòn, mỗi lần về quê qua đây đều cởi bỏ hết, chỉ mặc cái quần đùi, đi chân đất. Mệt, ổng vô nhà phủi chân, nằm ngửa trên chõng tre đọc sách”. “Ông nào vậy bác?”. “Ông Vũ Đức Sao Biển chứ ai! Tôi nói ổng mang dép vào đi, lỡ đạp gai tre đau lắm. Ổng nói kệ, dễ chi chân mình được chạm vào đất mẹ. Nhiều đứa học trò hồi xưa nghe tin ổng về, chạy tới thăm thầy. Thấy ổng bình dị quá, nhiều đứa nhìn không ra”…

Bạn tôi làm ở một công ty du lịch, nghe cuộc trò chuyện này, cứ gật gù mãi, hóa ra học đâu không bằng học bà con nông dân, cách nghĩ cách làm du lịch của họ thiệt hay.

MINH HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Buôn chuyện làm du lịch sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO