Trong hải trình đến với Trường Sa, những chuyến câu cá đêm luôn là một trải nghiệm đặc biệt.
Đêm xuống, phía sau boong chính của tàu sẽ bật sáng đèn, để thu hút sự chú ý của đàn cá. Bộ đồ câu khá đơn giản, chỉ cần một cuộn cước cỡ lớn, buộc lưỡi câu và chì nặng. Ban đầu, thủy thủ dùng cá chuồn, được vớt lên từ sát mạn tàu sau khi rọi đèn dụ cá, để làm mồi câu. Con mồi được tung xuống biển, thủy thủ thong thả buông từng đoạn cước rồi chờ đợi cá cắn câu.
Câu cá ở biển, nhất là vùng biển sâu khi sóng to, thường trúng cá lớn. Cuộn cước dùng để câu cũng vì thế thường dài cả trăm mét. Mỗi khi đưa được một con cá lên bờ, thủy thủ lại cắt phần bụng để làm mồi tiếp tục câu. Đây là phần thịt mềm, sáng, dễ thu hút cá cắn câu.
Đại úy Đào Văn Tám (cán bộ của Tàu bệnh viện HQ-561) chia sẻ: “Ngoài sự kiên nhẫn, câu cá cũng cần có sức khỏe tốt vì phải vận động liên tục, sức kéo cũng rất nặng do cá lớn. Sau khi cá cắn câu, phải thu cước thật nhanh, không kịp cuộn vào thanh cuộn, chỉ thả xuống sàn tàu. Liên tục như vậy, nên phải thật quen mới tránh để cước không bị rối” - Đại úy Đào Văn Tám nói.
Các thủy thủ trên tàu thay thu quân ra Trường Sa đều nằm lòng những “ngư trường” buông câu gần các đảo như Núi Le, Tốc Tan. Tại những nơi địa hình vừa dốc vừa nhiều rãnh san hô, cá tập trung rất nhiều, thường là các loại cá thu bè, cá ngừ, cá thu sao, cá bò giấy… trọng lượng trung bình khoảng 10kg, có con đến 40 - 50kg.