Buông lỏng quản lý khoáng sản

TRẦN HỮU 06/12/2018 02:52

Báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, tuy đã có chuyển biến rõ nét trong kiểm soát tài nguyên khoáng sản, song lỗ hổng lớn là nhiều nơi còn buông lỏng quản lý, để tài nguyên thất thoát.

Lợi dụng dự án trang trại, một doanh nghiệp đã tận thu đất đá san lấp sai quy định ở xã Đại Hiệp (Đại Lộc).Ảnh: T.H
Lợi dụng dự án trang trại, một doanh nghiệp đã tận thu đất đá san lấp sai quy định ở xã Đại Hiệp (Đại Lộc).Ảnh: T.H

Để tránh tình trạng rút ruột tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), năm 2016 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 09-NQ/TU về quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Chính quyền tỉnh, huyện cũng ban bố nhiều chỉ thị siết chặt quản lý nhà nước về khoáng sản. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và môi trường, hầu hết đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) đã thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết BVMT, đề án cải tạo phục hồi môi trường và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo giám sát môi trường định kỳ được thực hiện khá đầy đủ. Tuy vậy, qua đợt giám sát các doanh nghiệp hoạt động KTKS vừa qua, theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh kiêm Trưởng đoàn giám sát, việc BVMT thiếu bền vững do còn hạn chế trong thẩm định thiết kế mỏ, đánh giá tác động môi trường. Việc phối hợp giám sát thực hiện cam kết về BVMT sau cấp phép giữa ngành chức năng với các địa phương còn bất cập. Phổ biến tình trạng doanh nghiệp khai thác không thực hiện đúng các quy định theo báo cáo tác động môi trường, cam kết BVMT.

Sau khi khảo sát trực tiếp tại điểm khai thác vàng của Công ty Phước Minh ở khu vực Bãi Muối, xã Phước Thành (Phước Sơn), Đoàn giám sát HĐND tỉnh khẳng định, đơn vị khai thác không xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định; thậm chí chỉ xây dựng tạm bợ các hố chứa nước thải, bể lắng, lọc mang tính đối phó. Hơn 10 năm nay, dù ngành chức năng và chính quyền địa phương yêu cầu đầu tư hệ thống xử lý quặng vàng đúng quy định nhưng doanh nghiệp này vẫn thờ ơ. Dung tích các bể lắng, lọc tại nhà máy rất nhỏ không đảm bảo chứa lượng nước thải trong quá trình tuyển quặng nên để chảy tràn trực tiếp ra suối; trong khi đó, doanh nghiệp này không xây dựng kè chống sạt lở, hệ thống thu gom và tách nước mưa riêng, không phân loại xử lý chất thải nguy hại nên tái diễn dai dẳng ô nhiễm môi trường.

Tàu hút cát bị Cảnh sát đường thủy phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm trên sông Thu Bồn.Ảnh: THÀNH CÔNG
Tàu hút cát bị Cảnh sát đường thủy phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm trên sông Thu Bồn.Ảnh: THÀNH CÔNG

“Điểm đen” ô nhiễm môi trường gần đây là ở các mỏ khai thác  đá, đất phục vụ san lấp. Trong quá trình khai thác đá, đất san lấp, nhiều đơn vị chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ, hạn chế ảnh hưởng môi trường như xịt rửa, quét dọn đường vận chuyển, để bụi bẩn phát tán gây ô nhiễm môi trường sống của người dân gần khu vực khai thác mỏ. Có nơi KTKS làm ảnh hưởng đến các công trình dân sinh, nhà ở; bồi lấp đất sản xuất, đường giao thông, kênh mương thủy lợi... gây bức xúc cho người dân. Các mỏ đá, đất được nhận diện là “điểm đen” ô nhiễm  gồm mỏ đá Chu Lai cạnh Tượng đài chiến thắng Núi Thành; khu vực khai thác đất của Công ty Hưng Lộc Phát sát chân đập Trà Cân (Đại Lộc); mỏ đá sát công trình mương thủy lợi Duy Sơn 2, mỏ đá xã Duy Sơn, xã Duy Trung (Duy Xuyên); mỏ đất, đá ở các xã Tam Nghĩa, xã Tam Anh Nam (Núi Thành). Việc khai thác đá, đất của Công ty An An Hòa, Công ty xây dựng Nam Chu Lai (xã Tam Anh Nam) còn đe dọa tình trạng sạt lở ở khu dân cư. Lo ngại hơn, doanh nghiệp lợi dụng núp bóng dự án đầu tư trang trại nhưng thực chất tận thu khoáng sản với khối lượng lớn như các dự án làm nghĩa trang tại xã Tam Nghĩa và Đại Hiệp (Đại Lộc) mà Báo Quảng Nam đã phản ánh.

Về giải pháp, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt đề xuất UBND tỉnh, trong quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản (vàng, đá, đất san lấp) phải dự báo nhu cầu sử dụng, đảm bảo hợp lý, hiệu quả. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được cấp phép khai thác. Chính quyền tỉnh xem xét phê duyệt đề án thành lập Quỹ BVMT tỉnh để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân KTKS trên địa bàn tỉnh thực hiện việc ký quỹ BVMT và kiểm soát chặt việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động KTKS. “Sở Tài nguyên - môi trường cần tổ chức thanh tra chuyên ngành về thực hiện cam kết BVMT; báo cáo tác động môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã xác nhận, phê duyệt theo thẩm quyền. Đồng thời phối hợp với các ngành và địa phương quản lý, giám sát chặt chẽ phương án cải tạo, phục hồi môi trường đảm bảo yêu cầu về hiện trạng, địa hình và cảnh quan môi trường sau khai thác” - bà Nguyệt kiến nghị.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Buông lỏng quản lý khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO