Đời sống

Bút tích Đại tướng trên đảo Sơn Ca

Ghi chép của TRẦN TUẤN 05/05/2024 07:52

Buổi sáng ấy, sau lễ dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Công viên mang tên người nơi thềm đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), nhà sử học Dương Trung Quốc hào hứng dắt tay tôi đến bên một bức phù điêu gắn trên tường...

1.-le-tuong-niem-tai-cong-vien-dai-tuong-vo-nguyen-giap-tren-dao-son-ca-truong-sa.-anh-tran-tuan.jpg
Dâng hương tưởng niệm tại Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca -Trường Sa. Ảnh: TRẦN TUẤN

Những bút tích lịch sử

Trên nền men gốm màu trắng xám của bức phù điêu, tái hiện những dòng chữ viết tay cùng chữ ký của Đại tướng. Nét chữ nghiêng mà thanh thoát, mạnh mẽ bằng loại mực xanh Cửu Long: “Xưa/Ta đã có Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa/ Nay/Ta lại có “cái mốc chói lọi bằng vàng”: Điện Biên Phủ/Dân tộc Việt Nam ta hãy hăng hái tiến lên, tiếp tục đổi mới, tiếp tục sáng tạo, đạt những đỉnh cao của thời đại mới” – Xuân Giáp Thân, 2004.

Cụm từ “Cái mốc chói lọi bằng vàng” là trích từ bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Nhân Dân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, năm 1964.

Đây chính là bút tích mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trực tiếp và gửi cho số Xuân Giáp Thân năm 2004 của tạp chí Xưa và Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam).

Tạp chí do ông Dương Trung Quốc làm Tổng thư ký kiêm Tổng biên tập. Đó là thời điểm đất nước ta kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng khi ấy đã 93 tuổi.

Ông Quốc kể, hầu như hàng năm số Tết Xưa & Nay đều trang trọng dành một trang để đăng thủ bút và chữ ký của Đại tướng – vị Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam viết, trừ những lúc cụ đau yếu. Nên bức gốm với thủ bút của Đại tướng giữa quần đảo Trường Sa này cũng mang khuôn khổ và dáng dấp của tờ Xưa và Nay…

2.-nha-su-hoc-duong-trung-quoc-ben-but-tich-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-anh-tran-tuan.jpg
Nhà sử học Dương Trung Quốc bên bút tích của Đại tướng. Ảnh: TRẦN TUẤN

Chếch phía trên gần đó là bút tích khác của Đại tướng với bản “Mệnh lệnh” đặc biệt vào tối ngày 6/5/1954 - thời điểm quyết định cho nổ khối bộc phá gần 1.000kg trên cứ điểm A1, mở toang trận địa cho toàn mặt trận xung phong đợt cuối cùng.

Sau cú nổ “chấn động địa cầu” ấy, sáng hôm sau lá cờ Quyết chiến quyết thắng đã hiên ngang cắm trên cao điểm A1, để rồi buổi chiều lịch sử cùng ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp sụp đổ, tướng De Catries cùng toàn bộ bộ tham mưu của Pháp bị bắt sống…

Văn bản lịch sử ra đời vào lúc 8 giờ 15 phút tối ngày 6/5/1954 ấy được viết trên một trang giấy của cuốn sổ công tác, còn giữ nguyên những chỗ gạch xóa, bổ sung.

Nội dung rất ngắn gọn, cụ thể: “Mệnh lệnh. Thời gian quyết định. 1– Thời gian quyết định đúng 8 giờ 30, không được chậm. 2- Đến 8 giờ rưỡi thì: a). Đồi A1, bộc phá; b). Hỏa tiễn B.26 bắn tập kích lần thứ 1; c). Bộ binh các hướng đều xung phong; d). Hang Cung (phía Hồng Cúm) lập tức chế áp pháo địch; 3- Thời gian trên nhất định phải giữ cho đúng để thực hiện bộ pháo (bộ binh, pháo binh) hợp đồng chặt chẽ, các nơi phải lấy giờ cho đúng”.

Dạo vòng quanh bức tường bằng gốm độc đáo dài 24 mét, cao 2,5 mét như hai cánh cung bao quanh bức tượng bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng đá sa thạch, nhẩm đếm có khoảng 300 bức phù điêu in trên gốm.

Đó là những hình ảnh tư liệu, dấu mốc sự kiện lịch sử, bút tích được sắp xếp công phu, thể hiện từng giai đoạn cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng cùng quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Giữa ngôi làng Sơn Ca

Những con đường, trường học, quảng trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, địa phương. Nhưng Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đến giờ có lẽ là duy nhất, mà lại đặt ở ngay giữa trùng khơi của Tổ quốc.

Trung tá Bùi Xuân Đức, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca kể, ngày 4/10/2013 Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cán bộ chiến sĩ đã tôn tạo Vườn hoa tưởng niệm Đại tướng rộng 100m2 ngay trước thềm đảo.

4.-chua-son-linh-tren-dao-son-ca-anh-tran-tuan.jpg
Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca. Ảnh: TRẦN TUẤN

Sau đó, các đoàn từ đất liền ra công tác đã lên ý tưởng mở rộng thành Công viên mang tên Đại tướng và được Bộ Tư lệnh Hải quân ủng hộ.

Thế rồi chỉ trong vòng 40 ngày, từ giữa tháng 4 đến tháng 6/2016, một công viên khang trang, thiết kế mỹ thuật độc đáo cùng những hình ảnh, tư liệu lịch sử quý giá trên khuôn viên rộng 400m2 đã hoàn thành.

Không quên hình ảnh cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân cõng vác trên vai hơn 500 tấn đá, cát, san hô lên đảo giữa nắng hè đổ lửa. Anh em ai nấy bảo nhau tắm nước mặn để dành nước ngọt thi công công trình. Có cả mồ hôi công sức lẫn tâm huyết của những họa sĩ, thiết kế mỹ thuật từ đất liền.

Tất cả như một tri ân dành cho vị tướng huyền thoại đã có công lớn trong việc ra quyết định sáng suốt và kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Sơn Ca ngay trước thời điểm ngày 30/4/1975…

Bên gốc cây mù u trên đảo Sơn Ca đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, tôi để ý thấy Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi trong đoàn công tác hỏi về cây xanh trên đảo. Bởi hai chữ “công viên” thường gợi nhắc đến cây cối, mà nơi đây xanh tốt, mát mẻ quá.

Chủ tịch huyện Trường Sa Lê Đình Hải đứng gần bên cho biết, Sơn Ca là một trong những hòn đảo nhiều màu xanh nhất của quần đảo Trường Sa, có lẽ nhờ lợi thế thổ nhưỡng. Trung tá Bùi Xuân Đức tiếp lời, hiện đã có 872 cây xanh các loại được trồng mới.

Trong câu chuyện, Chủ tịch huyện đảo không quên kể về trận bão số 9 năm 2021 cấp 15 giật cấp 17 đã quật đổ tới hơn 90% cây xanh bên đảo Song Tử Tây gần bên. Đảo sau đó ra chuyên đề cứu sống cây xanh, củng cố, cắt tỉa, chống dựng lại toàn bộ hàng ngàn cây, ủ rơm dưỡng gốc dưỡng cành. Khi chúng tôi lên thăm đảo Song Tử Tây vào sáng hôm sau, bắt gặp những gốc cây tra, bàng vuông, phong ba, cây mủ chôm bị thương đang dần hồi phục. Lần ấy may bão đi chệch khỏi Sơn Ca…

Nhớ bài thơ “Chim sơn ca trên đảo Sơn Ca” của Trần Đăng Khoa viết tháng 4/1976 khi đóng quân ở nơi này. Nơi mà “Lúc nào biển cũng là biển động/Sóng ngả nghiêng ầm vỡ quanh nhà…/ Ngày lòe lửa, hoàng hôn rần rật cháy/ Cỏ chưa kịp non đã vội úa già”, và “Đảo Sơn ca không có sơn ca/Không có giống chim nào sống được”.

Cũng không quên mùa hè năm 1998, tròn 26 năm trước, tôi lần đầu đặt chân lên Sơn Ca. Giữa khung cảnh hoang sơ của đảo, tôi để ý thấy bên mé biển đặt một cái chảo gang “khổng lồ”, hỏi ra mới biết các anh nuôi trên đảo vo gạo bằng nước biển rồi mới tráng qua nước ngọt. Tiêu chuẩn nước uống mỗi người khoảng 2 lít, còn tắm thay phiên nhau mỗi tuần một lần nước ngọt. Giờ đây tất cả đã thay đổi quá nhiều.

Chợt vọng tiếng chuông chùa Sơn Linh gần bên, hòa cùng sóng biển. Nhớ khi nãy vào viếng chùa, nghe thầy Thích Thanh Nhiễu trò chuyện, rằng “Chùa là bùa của làng”. Mái chùa luôn mang tâm thức của làng. Và cũng như đất liền, tiếng chuông chùa nơi đảo xa cũng thảnh thơi, trầm bổng ngân nga cảm xúc giữa không gian sinh tồn thân thuộc.

Đi giữa Trường Sa, tôi chợt có cảm giác nơi đây cũng có những ngôi đình làng như ở mọi làng quê trong đất liền. Đó chính là những tượng đài, đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài liệt sĩ tại Trường Sa Lớn, đền thờ Việt Quốc công Lý Thường Kiệt tại Đá Tây A, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đảo Sơn Ca...

Tuy không như đình làng truyền thống, nhưng vẫn “tiền Phật, hậu Thánh”, bởi đây là nơi thờ các bậc thành hoàng không chỉ trên đảo, mà còn có những vị Thánh của đất nước...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bút tích Đại tướng trên đảo Sơn Ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO