BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam gồng mình trong dịch Covid-19

CÔNG TÚ 08/08/2020 17:52

(QNO) - Những ngày này, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) trải qua nhiều áp lực do vừa đảm nhận công tác điều trị, vừa phải phục vụ ở nhiều khu cách ly tập trung.

Bệnh viện đang điều trị cho 94 bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng về. Ảnh: CT
BVĐK miền núi phía Bắc Quảng Nam đang điều trị cho 94 bệnh nhân chuyển về từ Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: C.T

Cẩn trọng

Theo ThS-BS. Tô Mười - Giám đốc BVĐK miền núi phía Bắc Quảng Nam, những ngày này, đơn vị khẩn trương triển khai phòng chống dịch bệnh Covid-19 và chăm lo khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Đối với công tác phòng chống dịch, bệnh viện thực hiện hết sức nghiêm ngặt các quy trình Bộ Y tế quy định. Việc phân luồng tiến hành ngay tại cổng, bệnh nhân thăm khám, bệnh cấp cứu, nhân viên đều có lối đi riêng biệt. Những người đi thăm bệnh đều không được vào.

Điểm tiếp đón, điều tra dịch tễ bệnh nhân vào khám bệnh. Ảnh: CT
Điểm tiếp đón, điều tra dịch tễ bệnh nhân vào khám bệnh. Ảnh: C.T

Bệnh nhân đến khám bệnh đều phải rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế và đến điểm tiếp đón để điều tra dịch tễ. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ phải qua khu riêng khám sàng lọc. Tại đây, bệnh nhân nào thuộc diện F1 sẽ đưa đến khu cách ly tập trung của huyện Đại Lộc, trường hợp nghi nhiễm lập tức đưa vào khu cách ly điều trị riêng của bệnh viện. Bệnh nhân Covid-19 sau đó sẽ tiếp tục được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.  

Bệnh viện còn thành lập 4 đội phản ứng nhanh, mỗi đội gồm 5 người tham gia chuyên môn trong 4 khu cách ly tập trung do huyện thành lập. Tại những nơi này, các thành viên sẽ theo dõi sát sao tình hình sức khỏe những người đang cách ly; cấp phát thuốc cho người bị bệnh nhẹ; người bệnh nặng phải đưa về bệnh viện điều trị tại khu cách ly riêng biệt.

Các y - bác sĩ thể hiện tinh thần lạc quan mặc dù đang phải ở cách ly để điều trị bệnh nhân. Ảnh: C.T
Các y, bác sĩ thể hiện tinh thần lạc quan mặc dù đang phải ở cách ly để điều trị bệnh nhân. Ảnh: C.T

ThS-BS. Tô Mười chia sẻ, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho y, bác sĩ và nhân viên, đơn vị đã trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Trước đó, đội ngũ này được tập huấn rất kỹ quy trình sử dụng đồ bảo hộ lao động, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm với người bệnh. Ban Giám đốc chia ê kíp trực phù hợp để không quá tải cho đội ngũ trực tiếp điều trị bệnh; bởi mệt mỏi, thao tác không chuẩn xác là một trong những nguyên nhân dẫn đến dễ lây nhiễm trong chuyên môn.      

Tập trung chữa bệnh

Đã hơn 10 ngày sau ca trực điều trị cho bệnh nhân diễn tiến nặng, bệnh nhân thở máy, bác sĩ Lê Công Lan đang công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc không về nhà. Mặc dù, nhà của bác sĩ trẻ này cách bệnh viện chỉ vài cây số. Vợ anh, bác sĩ Trịnh Thị Thùy Trang làm việc tại Khoa Tim mạch - ung bướu cũng đã 8 ngày chưa gặp mặt hai con, một 7 tuổi và một 5 tuổi.

Tập trung cứu chữa các bệnh nhân nặng chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng về. Ảnh: CT
Tập trung chăm sóc, cứu chữa các bệnh nhân nặng chuyển đến từ Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: C.T

Sau giờ làm việc, 2 vợ chồng đều phải ở lại khu nhà ở cách ly riêng dành cho y, bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn vì họ đang chăm sóc, điều trị cho 94 bệnh nhân  chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng về đây ngày 31.7.

“Tôi gửi con nhờ bà ngoại trông nom, chăm sóc giùm. Hai vợ chồng xác định tinh thần đã là “chiến sĩ áo trắng” thì phải làm tận tâm, tận lực để cứu chữa người bệnh, nên tư tưởng hiện khá thoải mái và mong muốn cùng sớm đẩy lùi Covid-19” - bác sĩ Lan bày tỏ.

Một bác sĩ với vật dụng cá nhân vào ở khu nhà cách ly dành cho y, bác sĩ sau ca trực. Ảnh: CT
Sau ca trực, một bác sĩ với vật dụng cá nhân vào ở khu nhà cách ly dành cho y, bác sĩ. Ảnh: C.T

Ngoài bệnh nhân nằm điều trị từ trước, bệnh viện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về. Địa chỉ của 94 người có 70% nằm trong tỉnh, còn lại cư trú ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Hà Tĩnh, TP.Hồ Chí Minh. Phần nhiều là ca nặng liên quan nhiễm trùng huyết, hôn mê, suy thận, suy tim, đái tháo đường, suy kiệt, thở máy, tăng huyết áp.

Nhằm đảm bảo phòng chống dịch, người nhà của họ đều không được vào chăm sóc; bệnh viện phải chăm lo từng bữa ăn, thức uống, vệ sinh thân thể cho người bệnh. Do vậy, bệnh viện phải mỗi ngày bố trí 150 y, bác sĩ, nhân viên phục vụ trực tiếp khu điều trị cách ly. Đơn vị còn được bác sĩ tăng cường từ Bệnh viện Bạch Mai hằng ngày đến khám, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân. Công an huyện đã cử 6 công an, 11 dân quân tự vệ chia làm 3 ca trực để đảm bảo an ninh trật tự. 

Công an huyện Đại Lộc hỗ trực lực lượng để đảm bảo an ninh cho khu cách ly điều trị tại bệnh viện. Ảnh: CT
Công an huyện Đại Lộc hỗ trực lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khu cách ly điều trị tại bệnh viện. Ảnh: C.T

“Tính ra, mỗi ngày bệnh viện cung cấp 400 suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân, dinh dưỡng cho y, bác sĩ, nhân viên phục vụ và lực lượng chức năng tại khu cách ly. Khối lượng công việc nặng, nhưng chúng tôi cảm thấy vinh dự khi được góp sức cùng ngành y tế và toàn xã hội trong bối cảnh như thế này” - ThS-BS. Tô Mười chia sẻ. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam gồng mình trong dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO