(QNO) - Các biện pháp giãn cách xã hội, sát khuẩn, khẩu trang đang được thực hiện trên toàn thế giới trong nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19, đồng thời lại có tác dụng giúp giảm rõ rệt số ca nhiễm và tử vong do bệnh cúm mùa.
Cúm mùa là một gánh nặng lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới khiến hàng trăm nghìn ca bệnh tử vong mỗi năm. Riêng tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho biết, bệnh cúm mùa cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người nước này.
Thế nhưng, kể từ tháng 4 năm ngoái, các ca bệnh cúm mùa đã gần như giảm xuống kỷ lục. Tổng số ca tử vong do cúm mùa được ghi nhận khoảng 700 trong cả giai đoạn mùa cúm 2020 - 2021.
Trung tâm Bảo vệ sức khỏe của Hồng Kông cũng có thông báo tương tự. Tờ The Post đưa tin, có 356 ca tử vong do cúm vào năm 2019 và 113 ca vào năm 2020. Nhưng kể từ tháng 3 vừa qua, chỉ có 1 ca tử vong được ghi nhận tại Hồng Kông.
Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình hằng năm có khoảng 3 - 5 triệu trường hợp cúm nặng trên khắp thế giới và từ 290 - 650 nghìn trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, xem xét dữ liệu điều tra trong 14 tháng từ tháng 11.2019 đến cuối năm 2020, thế giới có khoảng 615.000 trường hợp mắc cúm; trong đó chỉ 5.730 trường hợp trong 9 tháng từ tháng 4 - 12.2020.
WHO cho biết: “Nhìn chung, thời điểm lưu hành dịch cúm toàn cầu hằng năm vào năm 2020 khác với bất kỳ mùa nào được quan sát trước đây”.
Theo các chuyên gia, dù có bằng chứng chứng minh rằng khẩu trang có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các mầm bệnh thông thường trong không khí, chúng không đủ an toàn để cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn chống lại một loại vi rút mới, rất dễ lây lan như Covid-19.
Trong 18 tháng qua, khẩu trang, giãn cách xã hội, sát khuẩn, vắc xin Covid-19 đã cứu được nhiều người. Tuy vậy, con số 206 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới và hơn 4,3 triệu ca tử vong đến nay vẫn là một con số nặng nề.
Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục hoành hành thế giới, đặc biệt từ các chủng biến thể nguy hiểm hơn của vi rút SARS-CoV-2 như Delta hay Lamda, thế giới chưa bao giờ cần sự hợp tác mạnh mẽ như trong lúc này để chấm dứt khủng hoảng y tế toàn cầu.
Theo tờ South China Post Moring, hợp tác quốc tế phải bắt đầu bằng những cảnh báo sớm. Một ví dụ điển hình như việc Bắc Kinh (Trung Quốc) đưa ra các cảnh báo chậm trễ về đại dịch khiến thế giới thiệt hại hàng triệu sinh mạng và nhiều nghìn tỷ USD kinh tế.
Hơn nữa, không ai an toàn trước đại dịch cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Do đó, các quốc gia cần được tiếp cận công bằng vắc xin phòng Covid-19 - chìa khóa trong phòng chống Covid-19 hiện nay.
Nhưng thực tế cho thấy, trong khi Mỹ, Vương quốc Anh, Đức hoặc Israel... có thể tự hào về tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 thì rất nhiều người ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á vẫn chưa được tiêm phòng.