Cá chết hàng loạt ở gần khu vực Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai: Phớt lờ cam kết bảo vệ môi trường(!)

TRẦN HỮU 16/11/2015 08:14

Trước hiện tượng cá chết hàng loạt, ô nhiễm môi trường sống gần Nhà máy sản xuất Sô đa, ngày 14.11, đại diện doanh nghiệp đã đối thoại với hơn 300 hộ dân các thôn Đại Phú, Vĩnh Đại, Mỹ Bình (xã Tam Hiệp, Núi Thành) nhưng vẫn không tìm được quan điểm giải quyết thống nhất. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên môi trường - cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường dự án đến nay vẫn “tăm hơi lặng tiếng” dù các đơn vị chức năng của tỉnh đã kiến nghị vào cuộc hơn nửa năm nay.

Bất an

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến phản ứng khá gay gắt việc Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai xả chất thải khiến cá nuôi trong hồ của các hộ dân bị chết hàng loạt; gia súc uống nước sông gần đó sinh bệnh; hoa màu và muối do người dân làm ra khó tiêu thụ do… nghi nhiễm độc (!). Lo ngại nhất là môi trường sống bị đe dọa bởi khí thải, tiếng ồn và xỉ than độc hại do nhà máy gây ra. Thời gian gần đây, điển hình là vào ngày 8.11, cá nuôi của người dân thôn Đại Phú và nhiều loài thủy sản ở sông Trường Giang gần nhà máy chết nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, ý kiến của người dân chỉ được đại diện doanh nghiệp ghi nhận và hứa sẽ trả lời bằng văn bản. Bà Bùi Thị Bi - người dân thôn Đại Phú nói: “Từ ngày nhà máy đưa vào hoạt động, cuộc sống của người dân bị xáo trộn bởi mùi hôi và tiếng ồn. Ở trong nhà mà phải đeo khẩu trang, cá nuôi trong hồ chết đột ngột nhưng nhà máy chẳng chịu trách nhiệm”.

Người dân thôn Đại Phú cho rằng, do Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai xả thải trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước ao nuôi dẫn đến hiện tượng cá chết. Ảnh: H.PHÚC
Người dân thôn Đại Phú cho rằng, do Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai xả thải trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước ao nuôi dẫn đến hiện tượng cá chết. Ảnh: H.PHÚC

Không phải đến thời điểm này người dân mới phản ứng việc nhà máy gây ô nhiễm. Trước đó, từ ý kiến người dân, ngày 20.7.2015, chính quyền xã Tam Hiệp và thôn Đại Phú phối hợp với Đồn Công an Khu kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý Khu công nghiệp Tam Hiệp tiến hành kiểm tra nước thải ra môi trường làm cá chết trắng hồ, trong đó ao nuôi cá nhà bà Lê Thị Hồng nằm tiếp giáp với hàng rào của nhà máy bị thiệt hại nặng. Đoàn kiểm tra khu vực phía sau nhà máy phát hiện có con mương dẫn trực tiếp từ nhà máy ra ao cá, nhưng đã lấp một phần, nước thải không còn chảy nữa, nhưng vẫn còn con mương khác nối từ nhà máy ra sông. Ở bãi đổ chất thải rắn, xỉ than tràn ngập bên ngoài hàng rào nhà máy. Đây chính là những “vật chứng” tạo tâm lý bất an cho người dân, bởi họ nghi ngờ về việc nhà máy lén lút xả chất độc trực tiếp ra môi trường. Theo người dân, có hàng chục héc ta ao nuôi thủy sản của thôn Đại Phú tiếp giáp với Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai bị ô nhiễm, thiệt hại do nước thải. Để sản xuất sô đa, nhà máy này nhập về hàng vạn tấn muối, đá vôi, than đá và hóa chất độc hại nhưng lại không có nhà kho lưu giữ như quy định. Nhà máy không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, phế thải mà đổ bừa bãi ra đồng ruộng, ao hồ, sông Trường Giang.

Cần kết luận sớm từ cơ quan chức năng

Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai do Công ty CP sản xuất Sô đa Chu Lai làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào năm 2010 tại Khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, công suất thiết kế 200 nghìn tấn/năm. Giữa năm 2015, nhà máy đưa vào vận hành thử nghiệm và nhiều lần bị người dân phản ứng vì gây ô nhiễm môi trường. Theo chính quyền xã Tam Hiệp (Núi Thành), từ năm 2005, khu vực các thôn Đại Phú, Vĩnh Đại đưa vào diện quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa giải tỏa di dời dân do chưa có dự án khả thi.

Theo lãnh đạo UBND huyện Núi Thành, sau khi người dân phản ánh việc ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực Nhà máy sản xuất Sô đa, địa phương nhiều lần có văn bản báo cáo gửi các cơ quan chức năng của tỉnh; đồng thời đề nghị doanh nghiệp có phương án khắc phục. Nhà máy đã cam kết sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Tuy nhiên, việc đơn vị này có thực hiện đúng cam kết trong đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên môi trường phê duyệt hay không lại không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện. Bởi nhà máy này thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai quản lý. Các ngành chức năng của huyện cũng không có chức năng phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm. Trong một văn bản báo cáo UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng, qua lấy mẫu phân tích nước thải của Nhà máy sản xuất Sô đa, độ pH cao hơn nhiều so với quy định. Tháng 4.2014, Bộ Tài nguyên môi trường phê duyệt phương án điều chỉnh xử lý nước thải của nhà máy này. Bất cập là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai biết nhà máy gây ô nhiễm mà không thể xử lý, chỉ kiến nghị giải quyết nhưng đến nay Bộ Tài nguyên môi trường vẫn chưa có phản hồi.

Trong khi đó, theo báo cáo giải trình của công ty, do hệ thống làm mát nhà máy bị lỗi kỹ thuật, nước làm mát không tuần hoàn được nên thoát ra các mương nước mưa. Nhà máy đã tiến hành đào mương để đưa lượng nước mưa thoát ra sông, tuy nhiên do nước triều lên nên lượng nước này chảy ngược lại vào ao cá. Tại thời điểm kiểm tra, công ty đã lấp các mương thoát nước từ nhà máy chảy ra sông. Giải thích nguyên nhân gây tiếng ồn, mùi hôi và khói bụi, phía công ty cho rằng, tiếng ồn là do nhà máy đang vận hành thử nghiệm, mới chạy 70% công suất thiết kế, nên thỉnh thoảng phải xả hơi thừa ra ngoài làm phát sinh tiếng ồn lớn, công ty cam kết khi nhà máy chạy 100% công suất, tiếng ồn phát sinh sẽ giảm. Đối với mùi hôi như người dân phản ánh là do nhà máy đang trong quá trình nạp khí amoniac vào đường ống để phục vụ sản xuất, nên “thỉnh thoảng” có hiện tượng rò rỉ khí. Còn bụi phát sinh chủ yếu từ bãi chứa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, phương tiện vận chuyển, theo gió ảnh hưởng đến khu vực chung quanh. Theo ông Lê Vũ Thương – Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, qua quá trình kiểm tra cho thấy, công ty chưa hoàn thành đúng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo cam kết trong báo cáo tác động môi trường. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải, nước mưa, bãi tập kết chất rắn… chưa được xây dựng nhưng đã đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm. Tỷ lệ cây xanh trong khuôn viên nhà máy thấp, vệ sinh mặt bằng chưa sạch sẽ; các loại nhiên liệu như than, carbon đen chưa được lưu chứa trong khu kín, dễ theo nước mưa chảy ra sông làm ảnh hưởng môi trường; chậm khắc phục những vấn đề bất cập về môi trường khiến người dân bức xúc.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cá chết hàng loạt ở gần khu vực Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai: Phớt lờ cam kết bảo vệ môi trường(!)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO