Cà Dy vẫn vắng gươl làng

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 23/01/2015 08:50

Hơn 90% dân số là người Cơ Tu bản địa, nhưng toàn xã Cà Dy (huyện Nam Giang) chưa có một gươl làng để người dân sinh hoạt cộng đồng.

Thiếu “căn bếp” chính của làng

Xã Cà Dy có 8 thôn với khoảng 700 hộ dân, hơn 3.200 nhân khẩu, đa số là đồng bào Cơ Tu bản địa sinh sống từ lâu đời. Theo tập tục truyền thống của người Cơ Tu, gươl được xem là trái tim của làng, là nơi hội họp, tổ chức mọi hoạt động lễ nghi truyền thống lớn nhỏ của cộng đồng. Gươl còn là niềm tự hào, đánh dấu quy mô, sự đoàn kết của dân làng trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, xã Cà Dy hiện tại không có gươl làng. Đây cũng là niềm trăn trở của đồng bào lẫn chính quyền địa phương.

Làng Rô là ngôi làng “lịch sử” của huyện Nam Giang, nơi từng ghi dấu chân của nhiều nhà hoạt động cách mạng. Trước đây, làng Rô được xem là cánh chim đầu đàn của xã Cà Dy trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa với nhiều tập tục, lễ hội được duy trì hàng năm. Nhưng vài năm trở lại đây, khi gươl làng cũ bị hư hỏng nặng và buộc phải dỡ bỏ, dân làng Rô đành phải tổ chức mọi hoạt động trong nhà văn hóa thôn hoặc ở khoảnh đất trống cạnh gươl cũ. Thiếu gươl, đồng nghĩa với việc mất đi “căn bếp” chính của làng. Già làng Rô - ông Đinh Văn Choó cho biết: “Gươl cũ của làng Rô được xây dựng từ năm 2002. Đến năm 2010, gươl bị mục nát toàn bộ, dân làng phải dỡ bỏ để đảm bảo an toàn. Từ đó đến nay, gươl truyền thống của làng vẫn chưa được dựng lại”. Trên phần đất dựng gươl cũ, chỉ còn trơ trọi chiếc cột đâm trâu và đống gỗ đổ nát. Dù đời sống đã có phần phát triển hơn so với trước đây, đường sá, nhà cửa khá khang trang, nhưng thiếu gươl làng là một nỗi buồn với người dân của làng.

Gươl cũ làng Rô giờ chỉ còn là một đống gỗ mục. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Gươl cũ làng Rô giờ chỉ còn là một đống gỗ mục. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không chỉ làng Rô mà ở 7 thôn còn lại của xã Cà Dy cũng đều vắng bóng gươl làng. Theo ông Bhnướch Phước - Chủ tịch UBND xã Cà Dy, tình trạng không có gươl làng đã kéo dài nhiều năm nay. Mọi sinh hoạt hội họp đều tổ chức trong nhà văn hóa thôn, chờ đến khi có thể triển khai dựng lại gươl truyền thống. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa của đồng bào bản địa. “Người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị xin hỗ trợ kinh phí để dựng gươl, nhưng việc này nằm ngoài khả năng của xã. Địa phương cũng đã đề nghị lên cấp trên, nhưng vẫn đang phải chờ kinh phí”. Trong năm 2014, có 3 thôn của xã Cà Dy là Pà Căng, Pà Dồn và Pà Lanh tổ chức lễ hội đâm trâu truyền thống. Vì thiếu gươl nên người dân phải dựng cột x’nur (cột đâm trâu) tạm trong sân nhà văn hóa thôn. Niềm vui cũng vì thế mà có phần chưa trọn vẹn. Ông Ka Phu Xâm, người dân thôn Pà Dồn tâm sự: “Dân làng Pà Dồn mong mỏi được sớm dựng lại gươl để những lễ hội như thế này được vui hơn, đúng với truyền thống hơn”.

Chưa có kinh phí

Chủ trương bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng theo tin thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa. Đối với huyện Nam Giang, nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn gươl làng và các hoạt động cộng đồng truyền thống gắn với gươl làng của đồng bào Cơ Tu đã được triển khai tích cực và đạt được nhiều hiệu quả đáng mừng trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí hỗ trợ để phục dựng, tôn tạo gươl, nhà cộng đồng truyền thống là một trong những rào cản lớn đối với địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Nam Giang. Ông Trần Dư, Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang chia sẻ: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần phát động người dân thực hiện việc khôi phục gươl làng theo đúng văn hóa truyền thống. Nhưng đến nay vẫn chưa có thôn nào ở xã Cà Dy thực hiện được. Điều kiện kinh tế, đời sống của người dân còn khó khăn, việc vận động xây dựng không phải là điều đơn giản”.

Ông Đinh Văn Náo - Trưởng thôn Rô cho biết thêm, năm 2011, già làng cũng đã họp thôn, bàn chuyện huy động sức dân để dựng lại gươl. Lúc chuẩn bị triển khai, người dân nghe thông tin sẽ có một tổ chức hỗ trợ kinh phí để dựng gươl mới, đồng thời tổ chức này đã đến khảo sát, đo đạc tìm vị trí thích hợp để xây dựng nên công việc này bị dừng lại. Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía tổ chức này. “Ra tết, nếu đơn vị tài trợ không nói năng gì thì người dân chúng tôi sẽ tự huy động để dựng gươl mới” - ông Náo cho hay. Còn theo ông Bhnướch Phước, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do đặc thù nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, gần thị trấn Thạnh Mỹ, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ, ý thức của đồng bào. Nếu như ở các địa bàn khác, người dân tự đóng góp sức người, sức của để dựng gươl cho làng, thì ở Cà Dy, việc vận động khó khăn hơn rất nhiều. Một phần nữa là việc tìm kiếm cây gỗ, nguyên vật liệu trên địa bàn xã khá khó khăn so với các vùng khác. Kinh phí để thực hiện một gươl làng theo đề nghị của các thôn là khá lớn so với khả năng tài chính của địa phương.

Dù nằm trên trục đường Hồ Chí Minh nhưng đời sống của người dân xã Cà Dy còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ đói nghèo toàn xã năm 2014 lên đến 76%, do vậy việc huy động đóng góp trong nhân dân để dựng gươl cũng còn nhiều hạn chế. Dựng lại gươl làng vẫn đang còn là mong mỏi của người dân địa phương.

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cà Dy vẫn vắng gươl làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO